Nghề giáo không thể học 4 năm, dùng cả đời

(Dân trí) - Sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo, các trường còn than nhiều về giáo sinh. “Lỗ hổng” trong đào tạo càng đặt ra yêu cầu cao việc tự học của người thầy.

Yêu cầu cấp bách về việc tự học của giáo viên phổ thông được mổ xẻ tại hội thảo “Nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cho giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mởi giáo dục”. Hội thảo vừa diễn ra tại TPHCM, thu hút 60 nhà giáo, nhà nghiên cứu. 

Khiếm khuyết trong đào tạo Sư phạm

PGS.TS Võ Thị Minh Chí (ĐH Sư phạm Hà Nội) chỉ ra một thực tế, sinh viên Sư phạm (SVSP) sau khi cầm bằng tốt nghiệp chưa thể đáp ứng được nhu cầu đào tạo, nhiều nhà trường than giáo sinh yếu là không sai.

“Đặc biệt SV tốt nghiệp chuyên môn cao nhưng lại không thể ứng dụng được vào việc dạy học, vào thực tế. Việc dạy học vẫn còn nặng về việc đọc chép. Ở nước ngoài, SVSP ra trường còn phải thực tập thêm một hai năm mới dạy học. Đây là một khiếm khuyết trong chương trình đào tạo SP của chúng ta”, bà Chí thẳng thắn.

PGS.TS Võ Thị Minh Chí: Chương trình đạo tạo sư phạm đang có khiếm khuyết. 
PGS.TS Võ Thị Minh Chí: "Chương trình đào tạo Sư phạm đang có khiếm khuyết". 

Đồng tình với ý kiến này, ThS Phạm Quang Huân (Viện Nghiên cứu Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh, kiến thức SV được trang bị trong 4 năm ở giảng đường chỉ là kiến thức cơ bản. Đối với nghề SP, không thể đào tạo một lần rồi người dạy có thể sử dụng cho cả đời. 

Tuy nhiên, đào tạo SP, theo ông Huân, còn nhiều lỗ hổng, nhất là về hệ thống kỹ năng cho người học còn rất bất cập. Trường SP chưa chuẩn bị đủ các hành trang về mặt nghề nghiệp cho SV nên số đông giáo sinh chưa đủ tự tin khẳng định mình làm được việc.

PGS.TS Võ Thị Minh Chí: Chương trình đạo tạo sư phạm đang có khiếm khuyết. 
Theo ThS Phạm Quang Huân, giáo viên không thể chờ nhiều vào việc bồi dưỡng hiện nay vì đi bồi dưỡng chuyên môn thực chất là để anh em lâu ngày gặp nhau là chính. 

Hiện trạng của GV phổ thông hiện nay, theo ông Huân, tỉ lệ chuẩn hóa ngày càng cao, đa dạng về nguồn đào tạo, nên không đồng đều về chuyên môn và nghiệp vụ. Chúng ta đang trông chờ vào việc bồi dưỡng GV nhưng "Bồi dưỡng GV như hiện nay hiệu quả rất thấp. Hàng trăm GV ngồi trong hội trường, điều anh em thích nhất khi đi bồi dưỡng là có dịp mặt gặp đồng nghiệp”, ông Huân nói. 

Thầy không tự học, sẽ đi lùi

Trái ngược với thực tế đào tạo ngành SP còn nhiều hạn chế như vậy, xã hội ngày càng yêu cầu cao về người thầy, nhất là dưới tác động thời đại bùng nổ thông tin. Lượng kiến thức, cách chuyển tải kiến thức sẽ phải thay đổi theo đời sống xã hội, đổi mới là một nhu cầu không thể né tránh buộc người thầy phải theo kịp biến chuyển đó.

Bằng không, người thầy là người có nhiệm vụ truyền tải kiến thức nhưng nếu dậm chân một chỗ, bằng với mình thì sẽ trở nên lạc hậu so với tốc độ phát triển của xã hội, thậm chí là của người học.

PGS.TS Võ Thị Minh Chí: Chương trình đạo tạo sư phạm đang có khiếm khuyết. 
Giáo viên phải tự học để phát triển nghề nghiệp, theo kịp với sự phát triển của thời đại. Trong ảnh: Giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo, TPHCM thảo luận cùng học trò. 

Theo ThS Phạm Quang Huân, người thầy không chỉ là người dạy học mà còn phải là một nhà tổ chức, một nhà tâm lý, lãnh đạo thì mới có thể đạt được hiệu quả giáo dục. Đối với người thầy tự học là để nâng cao kiến thức, nghề nghiệp gắn liền với cuộc đời của họ.

Nhu cầu cấp thiết nhưng việc tự học của GV hiện nay lại quá nhiều rào cản được nhiều đại biểu chỉ ra như người thầy chưa có môi trường tự học tốt, áp lực về công việc giảng dạy, hồ sơ sổ sách hành chính “ngốn” hết thời gian.

Nhiều GV trực tiếp giảng dạy ở phổ thông bày tỏ, trước yêu cầu đổi mới đòi hỏi GV tự học, nghiên cứu nhưng động lực và môi trường tự học của GV lại đang bị bỏ trống. Ngoài việc dạy học, hành chính, GV còn gánh áp lực về kinh tế do thu nhập thấp nên nhiều người phải dạy thêm hoặc làm những công việc khác để kiếm sống.

“Chỉ riêng giáo án thôi, có giáo án theo lớp, giáo án tự chọn, giáo án trái buổi, hướng nghiệp... Nói thật nhiều GV chỉ lên mạng cóp giáo in để in ra thôi còn không kịp. Bởi họ còn rất nhiều việc như dự giờ, thao giảng, hồ sơ, sổ sách, viết sáng kiến kinh nghiệm, hội họp... thì còn đâu thời gian tự học?”, thầy Huỳnh Văn Thế, GV Trường THPT Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long nói về tình cảnh “bí” thời gian của GV đối với việc tự học.

Tiếng chuông cảnh báo

Hơn 75 bài báo cáo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên... gửi về hội thảo đề cập về bất cập trong việc tự học hiện nay của GV phổ thông. Cần xem đây là tiếng chuông cảnh báo về tình hình nghiên cứu, tự học của GV. Để hoàn thiện và phát triển nghề nghiệp, không muốn trở thành người ngoài cuộc trong sự vận động và phát triển của giáo dục, người GV phải có ý thức tự học và biết cách tự học.

PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện nghiên cứu giáo dục ĐH Sư phạm TPHCM


Hoài Nam