Quảng Nam:

"Người mẹ" của hàng trăm học sinh đồng bào Cơtu

(Dân trí) - Đang làm Hiệu trưởng một trường mầm non ở đồng bằng, theo tiếng gọi của một huyện miền núi vừa được tái lập. Bất chấp những khó khăn, cô Hồ Thị Liễu khăn gói lên đường. 15 năm gắn bó với học sinh đồng bào Cơtu, giờ cô là mẹ của các con ở vùng biên biên giới huyện Tây Giang (Quảng Nam).

Cô Hồ Thị Liễu sinh năm 1964, ở xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, hiện là Hiệu trưởng Trường mầm non liên xã Axan - Tr’hy của huyện miền núi biên giới Tây Giang, Quảng Nam.

Cuối tuần qua, cô đã “hạ sơn” và được vinh danh “Đã có đóng góp tích cực vào phong trào Đổi mới, sáng tạo trong quản lý dạy và học” do Sở GD-ĐT Quảng Nam tổ chức nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.


Cô Hồ Thị Liễu - một giáo viên ở đồng bằng, nay đã có 15 năm gieo chữ các em học sinh dân tộc Cơtu ở vùng cao Tây Giang (Quảng Nam).

Cô Hồ Thị Liễu - một giáo viên ở đồng bằng, nay đã có 15 năm gieo chữ các em học sinh dân tộc Cơtu ở vùng cao Tây Giang (Quảng Nam).

Cô chia sẻ, mình có duyên với sự nghiệp giáo dục bởi ba mẹ sinh ra cô đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nên sau khi học xong Trung học, cô quyết định chọn ngành Sư phạm Mầm non với niềm mơ ước là sẽ đem cái chữ đến với con trẻ.

Năm 1985 tốt nghiệp, cô được phân công về giảng dạy tại xã Duy Thu với chức vụ Phó Hiệu Trưởng trường mầm non Duy Thu. Một năm sau cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Với vị trí này cô luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, luôn gần gũi gắn bó với đồng nghiệp, tận tình giúp đỡ đồng nghiệp từ các khâu soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, áp dụng các phương pháp giảng dạy một cách phù hợp với từng bộ môn…


Cô Liễu chia sẻ, cô rất vui và hạnh phúc trong quãng đường 15 năm dạy học ở vùng cao Tây Giang

Cô Liễu chia sẻ, cô rất vui và hạnh phúc trong quãng đường 15 năm dạy học ở vùng cao Tây Giang

“Chúng tôi tự tin, yêu nghề; điều này đã giúp tôi hăng say công việc hơn dù cơ sở vật chất lúc bấy giờ có 100% lớp học đều tạm bợ, tranh tre vách lá, tiền lương của chúng tôi thì được tính bằng lúa, mỗi tháng là 50 ký. Thế nhưng bằng sự tận tâm với nghề, các cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, cô Liễu chia sẻ.

Phong trào dạy và học bậc học mầm non của xã nhà cứ thế vươn lên và lớn dần theo từng năm. Trường của cô luôn đạt những thành tích trong nhiều năm liền, các cháu và cô luôn đoạt giải cao trong các lần hội thi do các cấp tổ chức.

Công việc tưởng chừng đã ổn, nhưng cô nhớ mãi một kỷ niệm không quên. Đó là khi đọc được tin trên báo, Chủ tịch huyện Tây Giang kêu gọi cán bộ, công chức trong tỉnh tình nguyện lên công tác ở huyện, do huyện vừa được tái lập.

"Người mẹ" của hàng trăm học sinh đồng bào Cơtu - 3
15 năm cống hiến cho trẻ em vùng cao, cô Liễu đã được ngành giáo dục vinh danh
15 năm cống hiến cho trẻ em vùng cao, cô Liễu đã được ngành giáo dục vinh danh

Với mục đích muốn được trải nghiệm công việc mình nơi một huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, sau nhiều ngày thuyết phục, gia đình đồng ý. Được nơi đi đồng ý và nơi đến tiếp nhận, cô đã thực hiện được ước mơ của mình đến với huyện miền núi Tây Giang.

Cuối năm 2003, cô được phân công về giảng dạy tại trường tiểu học AVương giảng dạy lớp mẫu giáo ghép 3-4-5 tuổi với gần 20 cháu. Khó khăn đầu tiên của cô là các con đều là người dân tộc Cơtu, nói tiếng Cơtu… Để có thể dạy dỗ, tiếp cận các em, cô phải bắt đầu học tập tiếng mẹ đẻ của các con, phong tục tập quán của người Cơtu...

Thời gian chưa được bao lâu, năm học 2004-2005, cô lại được phân công đến Trường Tiểu học Bhalêê và nhận một lớp ghép 3-4-5 tuổi, với gần 30 cháu, điều kiện vật chất không thuận lợi hơn các đơn vị khác. Phòng học không có, phải dạy nhờ nhà Gươl của thôn, đồ dùng, đồ chơi không có thứ gì…

Thời gian ngắn sau, cô lại thân thuộc với các cháu và các cháu coi cô như người mẹ thứ hai và luôn ham thích đến trường để được gặp mẹ và được mẹ ân cần dạy dỗ.

Công lao của cô đã được ghi nhận, từ tháng 9/2006 và đến nay, lãnh đạo ngành bổ nhiệm cô làm Hiệu trưởng trường mầm liên xã Axan-Tr’hy, đây là ngôi trường vùng cao, vùng xa nhất của huyện miền núi Tây Giang, nơi giáp với nước bạn Lào.

“Với nhiệm vụ được giao, bản thân tôi luôn có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, quản lý. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước đến cán bộ giáo viên; luôn gương mẫu trong việc thực hiện và chỉ đạo nhà trường thực hiện các quy chế, quy định của ngành, của nhà trường; chú ý xây dựng tốt tập thể thành khối đoàn kết thống nhất trong nhà trường”, cô tâm sự.

Cô chia sẻ, tuy bản thân đã và đang công tác tại các địa bàn có điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn như Bhalêê, Axan, Tr’hy nhưng cô đã vận động phụ huynh cùng nhà trường tổ chức tốt công tác bán trú cho trẻ nhằm từng bước giảm đần tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm của nhà trường.

Với sự phấn đấu miệt mài của cá nhân và nhà trường, đơn vị đã được Sở GD-ĐT Quảng Nam, huyện Tây Giang nhiều năm liền tặng giấy khen. Ngày 16/11, cô đã được Sở GD-ĐT Quảng Nam vinh danh nhân “Đã có đóng góp tích cực vào phong trào Đổi mới, sáng tạo trong quản lý dạy và học” nhân kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm