Người học đã “quay lưng” với trường chất lượng kém

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận xác nhận không chỉ năm nay mới có mà nhiều năm qua vẫn có hiện tượng không tuyển đủ sinh viên. Một số trường vì chất lượng đào tạo không đảm bảo nên bị chính người học “quay lưng”, không tuyển đủ chỉ tiêu.


Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận được “nới” thời lượng đăng đàn trong phiên trả lời chất vấn sáng nay 24/11 vì có quá nhiều vấn đề nóng liên quan đến chất lượng đào tạo.

"Bộ trưởng không nhìn thẳng, yếu kém khó khắc phục”

Người học đã “quay lưng” với trường chất lượng kém - 1
Đại biểu Phan Văn Tường: "Nhiều trường phải xin Bộ hạ điểm chuẩn để có nguồn tuyển sinh". 

“Khai hỏa” vấn đề chất lượng đào tạo đại học, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu thực tế, hầu hết học sinh cấp 3 đều đỗ tốt nghiệp, thi đại học, xét tuyển hết nguyện vọng 1, 2, 3 vẫn không đỗ thì lại có các loại hình liên kết, học tại chức, từ xa. Lo xong đầu vào, tất yếu có đầu ra. Số sinh viên ra trường, tỷ lệ bằng giỏi, bằng khá rất cao nhưng thực tế chất lượng công việc lại thấp. “Nhiều trường hợp ta đang cung cấp “hàng giả”, “hàng nhái” cho xã hội?” - ông Nam hỏi xoáy và yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu rõ trách nhiệm khắc phục ngay trong năm học tới.

Bộ trưởng GD-ĐT thừa nhận, so với yêu cầu phát triển của đất nước, so với mong muốn của mỗi gia đình, người dân và cả của… Bộ, chất lượng đào tạo đại học còn yếu kém, bất cập.

Tuy nhiên, ông Phạm Vũ Luận cũng phân trần, chỉ số xếp hạng giáo dục của Việt Nam những năm qua đã tăng vọt, từ 120/141 quốc gia lên hạng 61, tăng 59 bậc. Năm 2008, những tồn tại, yếu kém của giáo dục được xếp hạng thứ 3 trong số những nguyên nhân hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, năm nay đã hạ xuống vị trí số 6.

Bộ trưởng Luận nêu ví dụ chứng minh: 2 năm trước dư luận bức xúc vì thông tin Tập đoàn Intel tại Việt Nam muốn tuyển dụng người làm việc nhưng không chọn được ai vì năng lực làm việc quá yếu kém. Nhưng gần đây nhất, trao đổi với Bộ, Intel Việt Nam cho biết, đa số cán bộ của tập đoàn hiện nay là người tốt nghiệp đại học trong nước, chất lượng đảm bảo, nhiều người còn đảm nhận những vị trí chủ chốt và được điều chuyển công tác đến nhiều quốc gia khác.

Chưa thấy thuyết phục, đại biểu Lê Nam hỏi “dấn”: “Rõ ràng có khoảng cách giữa chất lượng đào tạo thực tế với việc chấm điểm, phát bằng”.

Bộ trưởng GD-ĐT cũng nói cứng, việc xếp hạng giỏi, khá đã có quy chuẩn bằng điểm số. Nhưng việc chấm, cho điểm lại của các trường, không phải do Bộ. Bộ GD-ĐT cũng đang cố gắng “điều tiết” bằng việc gắn thương hiệu, uy tín của mỗi trường với những văn bằng nhà trường phát ra. Hi vọng với đánh giá của xã hội, của người sử dụng lao động sẽ điều chỉnh dần hiện tượng cho điểm, cấp bằng không tương xứng chất lượng thực tế.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chưa thừa nhận mặt bằng chất lượng đào tạo đại học Việt Nam thấp so với nhiều nước, nếu không nhìn thẳng, khó khắc phục. Ông Lịch yêu cầu một giải pháp đột phá trên mặt bằng chung… thấp kém.

Thanh tra Bộ bị… lừa đẹp!

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) bức xúc, mùa tuyển sinh vừa qua nhiều trường không tuyển nổi sinh viên, phải xin hạ điểm chuẩn để có thêm nguồn trong khi học sinh trong nước tìm ra nước ngoài học ngày càng nhiều vì “mất niềm tin”.

Bộ trưởng GD-ĐT thanh minh, tốc độ lập trường đã có sự điều tiết, giảm hơn trong 3 năm qua. Điều kiện thành lập trường cũng được nâng lên cả về chỉ tiêu vốn, đất đai, cơ sở vật chất… để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ sẽ thanh kiểm tra các trường để chắc chắn các điều kiện được đảm bảo.

“Thanh tra 5 trường vừa qua, có nhiều vấn đề đặt ra. Từ nay đến hết năm, Bộ sẽ tiếp tục thanh tra 20 trường nữa. Trên cơ sở kiểm tra, chỉ tiêu tuyển sinh chắc sẽ không tăng nóng như thời gian qua” - Bộ trưởng Luận trao đổi.

Còn hiện tượng không tuyển đủ sinh viên, Bộ trưởng Luận cho biết không chỉ năm nay mới có mà nhiều năm qua vẫn vậy. Một số trường vì chất lượng đào tạo không đảm bảo nên bị chính người học “quay lưng”, không tuyển đủ chỉ tiêu. Việc một số trường ngoài công lập không tuyển đủ, đề nghị hạ điểm chuẩn để tuyển, sau khi cân nhắc, Bộ đã quyết định giữ nguyên điểm sàn 13 điểm, không hạ thêm để đảm bảo chất lượng đầu vào của sinh viên. Còn việc người dân bỏ tiền đưa con em đi học nước ngoài, Bộ trưởng Luận cho là dấu hiệu đáng mừng hơn đáng lo, thể hiện thành quả của đổi mới.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) “vặn” lại: “Bộ trưởng có nói một số trrường không đảm bảo chất lượng nên không tuyển sinh đủ. Đã không đủ điều kiện chất lượng, sao vẫn còn được tuyển sinh?’.

Bộ trưởng Luận thành thật kể, đúng là khi có quyết định thành lập trường, mở mã ngành đào tạo đều có đoàn thanh tra liên ngành của Bộ và các cơ quan khác xuống kiểm tra nhưng cũng có chuyện khi đoàn xuống, trường dẫn đến một cơ sở đảm bảo điều kiện nhưng khi đi vào hoạt động thực chất lại không phải ở cơ sở đó. Bộ trưởng GD-ĐT xin được rút kinh nghiệm để chấn chỉnh tiếp.

Bộ trưởng Luận cũng thông tin, qua kiểm tra đã dừng tuyển sinh của 2 trường. Năm học vừa qua, Bộ cũng đóng ngành tuyển sinh tiến sỹ ở 101 chuyên ngành của các trường không đảm bảo yêu cầu. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra.

Ông Tâm tỏ ra băn khoăn vì thông tin của Bộ trưởng Luận. Không lẽ đoàn kiểm tra liên ngành lại ngây thơ, để các trường “lừa” đẹp như vậy?

Đòi hỏi chất lượng đào tạo cũng phải đổi mới tư duy tuyển dụng

Câu chuyện hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua được đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nhắc lại. Ngoài nguyên nhân do sai sót ở sách giáo khoa như giải trình trước đó của Bộ trưởng GD-ĐT, ông Diệu cho rằng, việc ra đề và đáp án của Bộ có vấn đề.

Người học đã “quay lưng” với trường chất lượng kém - 2
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Việc một số địa phương từ chối sinh viên dân lập cũng là một cảnh báo".

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sau khi có thông tin nghi ngờ, Bộ đã tổ chức họp ban ra đề, cơ quan chuyên môn và khẳng định về cơ bản, đề sử không có vấn đề gì.

Đại biểu Quảng Bình phản ứng: “Thực ra học sinh của ta học lịch sử không đến mức kém vì qua các kỳ thi, so với những môn khác, mặt bằng chung điểm sử hết sức bình thường, thậm chí tổng kết còn cao hơn nhiều môn khác. Thi học sinh giỏi quốc gia, môn sử cũng đạt nhiều giải cao. Nhưng sao nhiều học sinh thi học sinh giỏi quốc gia này, làm đề sử thi đại học kết quả lại thấp. Như vậy rõ ràng đề có vấn đề, làm nhiều học sinh giỏi mất cơ hội tiếp cận giảng đường đại học”.

Lúc này, Bộ trưởng Luận gật đầu, đề thi sử, cả mấy câu hỏi đều có ý này ý kia thiết kế theo hướng mở. Bộ trưởng GD-ĐT lý giải, theo chủ trương thay đổi phương pháp giáo dục, giảm dần việc học thuộc lòng, có thể đề mở chưa quen với cả thầy, cả trò. Bộ trưởng cũng hứa sẽ ghi nhận để xem xét.

Một câu chuyện thời sự khác được đẩy ra bàn nghị sự xung quanh việc tỉnh Nam Định vừa qua công khai “nói không” với sinh viên dân lập. Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) hỏi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về quan điểm phân biệt người tốt nghiệp đại học trong và ngoài công lập?

Ông Luận khẳng định, quan điểm của Bộ là không phân biệt các hệ đào tạo, kể cả chính quy, tại chức hay đào tạo từ xa. Ông Luận lấy ví dụ từ trong đến ngoài ngành, nhiều danh nhân tự học. Việc mở các lớp đại học tại chức tại địa phương là vì nhu cầu đào tạo cán bộ tại đó. Còn hình thức đào tạo từ xa cũng là một tiến bộ mới, có nhiều ưu điểm vượt trội.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Bình) khẳng định không đồng tình với “phong trào” từ chối tuyển sinh viên tại chức, ngoài công lập. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhìn nhận, chất lượng đào tạo khu vực này có vấn đề.

Bộ trưởng Luận thừa nhận, thực tế một số địa phương từ chối tại chức, dân lập, cũng là một cảnh báo nghiêm túc để chấn chỉnh lại chất lượng đào tạo những hệ học này. “Ngoài công lập cũng có người học giỏi xuất sắc, cũng có người học yếu, công lập cũng vậy. Tôi nhất trí quan điểm cùng với đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo cũng phải đổi mới tuyển dụng, dựa trên thực chất chứ không chỉ bằng cấp” - Bộ trưởng GD-ĐT kết lại.

P.Thảo