Người đưa tiếng Việt vào Harvard
(Dân trí) - Từ nhiều năm qua, nhà trí thức người Việt - Giáo sư Ngô Như Bình này đã không ngừng đem kiến thức chuyên môn để duy trì và truyền lại tiếng nói và văn hoá của quê hương cho các thế hệ người Việt đang sinh sống tại nước Mỹ.
Giáo sư Ngô Như Bình
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau khi học xong phổ thông năm1968, chàng trai Ngô Như Bình theo học tại Khoa tiếng Nga, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Là sinh viên xuất sắc, sau khi tốt nghiệp đại học, Ngô Như Bình được trường giữ lại làm giảng viên giảng dạy tại Khoa tiếng Nga. Năm 1979, ông sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh chuyên ngành lý thuyết ngôn ngữ tiếng Nga tại Viện tiếng Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đồng thời, ông còn giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt tại Học viện các nước Á-Phi, thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva mang tên M.V.Lomonosov.
Sau 3 năm vừa học vừa giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt tại Mátxcơva, năm 1982, chàng nghiên cứu sinh người Việt Ngô Như Bình đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài "Trường ngữ nghĩa trong tiếng Nga". Sau đó, Ngô Như Bình tiếp tục giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Lomonosov đến năm 1991, rồi chuyển từ Nga sang Mỹ để làm việc tại Đại học Harvard.
Trong thời gian dạy tiếng Việt tại Liên Xô (cũ) và Nga, Giáo sư Ngô Như Bình đã biên soạn một số giáo trình dạy tiếng Việt được đánh giá cao phục vụ cho việc giảng dạy sinh viên quốc tế. Có những sinh viên được học tiếng Việt với thầy Bình, rồi sau này trở thành những nhà Việt Nam học hàng đầu của Nga, đến bây giờ vẫn giữ quan hệ với thầy, ngày Tết Nguyên Đán vẫn gửi thư chúc Tết thầy. Cuốn sách sau cùng ông xuất bản trước khi rời Matxcơva sang Mỹ là "Giáo trình tiếng Việt cho năm thứ nhất" biên soạn cùng hai đồng nghiệp người Nga, xuất bản tại Matxcơva năm 1989, hiện vẫn được sử dụng tại Đại học Tổng hợp Lomonosov, Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcơva, Đại học Khoa học Nhân văn Nga, Đại học Quân sự Bộ Quốc phòng Nga ở Matxcơva.
Tạo "cú huých" văn hóa và tiếng Việt ở Đại học Harvard
Trong nhiều năm tháng đứng trên giảng đường Đại họcHarvard, Giáo sư Ngô Như Bình đã ra sức giới thiệu về Việt Nam - đất nước của một dân tộc có bề dày lịch sử, có nền văn hóa lâu đời - đến các sinh viên Mỹ. Đối với những sinh viên người Mỹ gốc Việt, qua ngôn ngữ, ông luôn cố gắng giúp họ tìm về cội nguồn. "Ngay năm thứ hai đại học, tôi đã đưa một số tác phẩm văn học Việt Nam vào để khai thác tiếng Việt, ví dụ truyện của Nguyễn Huy Thiệp, thơ của Nguyễn Bính... Đến năm thứ ba thì chương trình tiếng Việt được dạy toàn bộ tác phẩm văn học Việt Nam", Giáo sư Ngô Như Bình cho biết.
Nhu cầu học tiếng Việt của người Việt ở Mỹ là rất cấp bách
Theo Giáo sư Ngô Như Bình, các mối quan tâm của người Mỹ đến Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Tuy Mỹ là nước đi sau nhiều quốc gia khác như Pháp, Nga…về dạy tiếng Việt cũng như Việt Nam học, nhưng hiện đây là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam. "Hầu như tất cả sinh viên tôi từng giảng dạy đều đã có dịp đi Việt Nam, có những người vẫn đang làm việc tại Việt Nam", thầy Bình tự hào.
Giáo sư Bình (phải) cùng một đồng nghiệp Mỹ trong chuyến về Việt Nam
Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học rất được coi trọng ở Mỹ
Các trường đại học ở Mỹ cũng đầu tư khá nhiều tiền cho các chương trình nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt. Một số trường đại học có chương trình Việt Nam học nằm trong các chương trình Đông Nam Á học, như Đại học Hawaii, Cornell, Michigan, Washinton... Một số trường lại có chương trình Việt Nam học độc lập mà không có Đông Nam Á học, như Đại học Harvard. Thời gian gần đây còn xuất hiện một loại hình nữa là nhóm nghiên cứu Việt Nam học (Vietnames Studies Group), đây là một diễn đàn không có trụ sở mà chỉ có một web site riêng, nhưng tập hợp được rất nhiều các nhà Việt Nam học các nước trên tất cả các lĩnh vực.
Nhìn chung, giới nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam tại Mỹ khá khách quan, họ nghiên cứu khá sâu về nhiều lĩnh vực và có tiếng nói trên nhiều diễn đàn quốc tế và trong nước. Các nhà Việt Nam học chủ yếu là người Mỹ và là lực lượng phát triển nhanh nhất, mạnh nhất so với nhiều ngành nghiên cúư về các nước khác. Chính phủ Mỹ hiện nay rất quan tâm và tôn trọng ý kiến của các nhà Việt Nam học ở Mỹ.
Học giả không ngừng truyền bá ngôn ngữ Việt ra thế giới
Sau 17 năm giảng dạy ngôn ngữ học và văn hóa Việt tại Mỹ, bằng uy tín và nỗ lực của mình, Giáo sư Ngô Như Bình đã đưa tiếng Việt trở thành môn học đứng ngang hàng với những ngôn ngữ Trung, Nhật, Hàn tại khoa ngôn ngữ học của Đại học Harvard cũng như tại các trường đại học ở Mỹ. Đến nay, chương trình tiếng Việt của Đại học Harvard liên tục thu hút được số sinh viên ổn định. Ngoài ra, Giáo sư Ngô Như Bình còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội các trường đại học ở Mỹ giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài (GUAVA); Phó Chủ tịch Hội giảng viên các ngôn ngữ Đông Nam Á (COSTEAL).
(Theo dcearc.harvard.edu và báo chí trong nước)