Thanh Hóa:
Người bà nuôi giấc mơ con chữ cho hai cháu mồ côi
(Dân trí)-Ba năm qua, buổi sáng khi con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy, bà Phạm Thị Mu (60 tuổi, dân tộc Mường) ở bản Nán, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã lục đục trở dậy nắm cơm rồi đi bộ đưa 2 cháu mồ côi vượt đường rừng dài 6km để đến trường.
Trên lưng cõng cháu nhỏ, tay dắt cháu lớn, suốt 3 năm qua bà Mu không quản mưa nắng, đều đặn đưa các cháu đến trường.
Cách đây 7 năm, bố của hai cháu nội bà Mu mất vì tai nạn, người mẹ sau đó bỏ đi biệt xứ. Lúc đó cháu Trương Công Hiếu mới 2 tuổi còn Trương Công Huy là em mới 7 tháng tuổi khát sữa mẹ, khóc ngằn ngặt trên tay bà Mu. Cả hai đứa cháu của bà đều chưa đủ lớn để hiểu nỗi đau thân phận mồ côi của mình.
Những ngày này, bà Mu phải bế cháu đi khắp bản xin sữa của những bà mẹ đang nuôi con, khi sữa xin không đủ, bà phải lấy đường hòa nước cơm cho cháu uống. Thế rồi hai đứa cháu của bà cũng lớn lên trong bữa đói, bữa no giữa núi rừng. Thấm thoát đã 7 năm trôi qua, cháu lớn của bà đã học lớp 3, còn cháu nhỏ bắt đầu vào lớp 1.
Mặc dù sống giữa đại ngàn heo hút, cái đói, cái nghèo còn bủa vây, miếng ăn còn kiếm từng bữa, thế nhưng bà Mu chưa bao giờ có ý nghĩ để các cháu thất học. Thế là khi hai cháu của bà đủ tuổi đến trường là bà Mu bỏ việc lên nương lên rẫy lại cho chồng rồi nhận việc đưa cháu đi học.
Trường cách nhà 6km đường rừng, vượt qua những con dốc treo leo đá núi cũng mất cả vài tiếng đồng hồ mới đến được trường nơi các cháu của bà theo học vì thế bà Mu đã chọn cách dậy từ tờ mờ sáng nấu cơm nắm lại các cháu bà ở lại trường ăn trưa và học tiếp buổi chiều.
Bản Nán ở lưng chừng núi, muốn xuống được quốc lộ phải vượt quãng đường dài dốc đứng, toàn đá lởm chởm. Đứng ở nơi cao nhất của con dốc có thể nhìn thấy cả dòng sông Mã uốn lượn. Vì thế người lớn còn sợ dốc Nán, huống chi những đứa trẻ chưa một lần bước chân ra khỏi bản.
Nếu có xe đạp, những đứa trẻ trong bản cũng không bao giờ dám đi vì sợ độ cao của dốc Nán. Người lớn đi xe máy cũng phải nín thở từng đoạn, chỉ cần lệch bánh xe, cả người cả xe sẽ lao vun vút xuống dốc mà không phanh lại được. Vậy mà hàng ngày bà cụ 60 tuổi, mặc váy, cõng cháu đi bộ 6 km đến trường.
Bạn đọc muốn chia sẻ với ba bà cháu, xin liên hệ về địa chỉ: Bà Phạm Thị Mu, bản Nán, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) (không có số điện thoại)
|
Sáng nào cũng vậy, hình ảnh ba bà cháu hành trình vượt núi đến trường tìm chữ không còn xa lạ gì đối với bà con trong bản. Hiếu và Huy đều là những đứa trẻ ngoan, đến giờ nấu cơm, Huy biết rửa nồi, Hiếu quét nhà. Xong xuôi, hai anh em lại ra đầu ngõ chơi hoặc lấy sách ra cùng nhau ôn bài.
Nhận xét về Huy và Hiếu, cô Nguyễn Thị Trang - Hiệu phó Trường Tiểu học Thiết Ống 1, chia sẻ: “Hai anh em Hiếu và Huy đều là những học sinh ngoan, học giỏi của trường. Năm nào các em cũng được nhà trường khen tặng danh hiệu vượt khó trong học tập”.
Miệng móm mém nhai trầu, bà Mu tâm sự: “Dù đói khổ cũng phải cho chúng học chữ bằng được, dốc Nán có cao hơn, dốc hơn nữa thì tôi cũng vẫn đưa các cháu đến trường. Chỉ có học, anh em chúng nó mới bước chân ra khỏi bản Nán này, cái bụng chúng mới no được”.
Được biết gia đình bà Mu thuộc diện hộ nghèo đặc biệt của thôn. Hàng tháng, Hiếu và Huy được trợ cấp mồ côi tổng cộng 360.000 đồng nhưng không đủ trang trải cuộc sống. Thu nhập hiện tại của cả nhà bà Mu chỉ trông vào nương rẫy và vài đồng bán nhái của chồng bà Mu. Ngoài hai đứa cháu, ông bà còn phải nuôi thêm cụ bà hơn 80 tuổi, bị liệt nằm một chỗ đã vài năm nay. Thế nhưng thật cảm phục đức hy sinh của người bà nơi núi rừng này vượt lên cái nghèo khó để nuôi giấc mơ con chữ cho hai đứa cháu côi cút.
Nguyễn Thùy - Vi Phương