Ngộp thở với đủ kiểu "văn mẫu" khoe con đỗ lớp 10 trên mạng
(Dân trí) - Sau khi các địa phương công bố kết quả kỳ thi vào lớp 10, cũng là lúc có đủ kiểu khoe con đỗ trường này trường kia đến "ngộp thở" của nhiều phụ huynh.
"Chúc mừng con trở thành 1 trong các "chiến binh" đã vượt qua 4.000 thí sinh khác để trở thành học sinh trường..."; "Nhìn quả đề làm trong 60 phút là bố mẹ đều ngả mũ, vậy mà anh..." "Biết thi lớp 10 với con chỉ là "chuyện nhỏ" nhưng khi biết kết quả mẹ vẫn bất ngờ"...
Đó là một số trong nhiều trạng thái liên tục được nhiều phụ huynh chia sẻ sau khi nhiều tỉnh thành công bố kết quả thi lớp 10.
Cơn bão khoe con đỗ lớp 10 tràn khắp các mặt trận, nhất là trên mạng xã hội. Nổi cộm hơn cả là nhiều phụ huynh có con đỗ vào trường chuyên, trường chọn thì niềm tự hào trong mỗi lời chia sẻ càng lên cao.
Đặc biệt, rất nhiều ông bố bà mẹ chung bài văn mẫu "Con mình thi cứ nhẹ tênh, chẳng học thêm học bớt gì hết", "Nể nhất vụ ông con mình, không khi nào học bài ở nhà quá 1,5h giờ", "Mình toàn cản không cho con học ấy", "Ai kêu thi lớp 10 khó chứ con mình dư tận 5 điểm mà có học hành gì đâu"...
Chị Hoàng Thị Hà, giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội cho rằng trong những lời "tự mãn" về con như thế này có không ít lời "thổi phòng". Ai ai cũng nói con mình không học mấy, không học thêm...
Chị kể trường hợp cháu trai mình vừa đỗ vào một trường chuyên ở Hà Nội. Nhưng khi đọc những lời chia sẻ của mẹ cháu trên mạng xã hội, chị cũng... ngượng. Nào là con đã "đánh" được hàng ngàn đứa trẻ đều xuất sắc khác đăng ký vào đây, nào là con mình học nhàn tênh, chẳng đi học thêm...
Trong khi thực tế chính chị Hà được giao kèm ngoại ngữ cho cháu từ cháu năm lớp 6, cháu học thêm ở trung tâm, bố mẹ còn thuê gia sư về nhà 1 kèm 1 ở các môn thi.
"Cháu nỗ lực đạt kết quả là điều đáng ghi nhận. Nhưng nhiều bố mẹ có thể vì muốn khoe con thông minh này kia hoặc muốn thể mình là bố mẹ thông thái không ép con học nhưng vô tình phủ nhận khó khăn của trẻ hoặc bố mẹ chỉ nhìn thành tích mà không hiểu áp lực, nỗi lo sợ của các con", cô Hà trải lòng.
Khoe con, nhất là khoe thành tích, điểm số là một niềm say sưa của nhiều người Việt. Trong đó phảng phất tâm lý chiến thắng, hơn người. Việc phụ huynh náo nhiệt khoe con đỗ lớp 10 này kia xuất phát từ tư duy trượt lớp 10 là thất bại và ảo tưởng con đỗ vào trường đó thì sẽ thành công.
Khoe thành tích có thể gây thêm áp lực
Không phải tự nhiên mà điều 33 chương IV Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều luật của trẻ em: Thông tin bí mật đời sống tư riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em ngoài tên tuổi, tình trạng sức khỏe trong bệnh án, trường lớp... còn bao gồm cả kết quả học tập.
Đến nay, chưa ai bị phạt vì khoe điểm con, việc khoe điểm đến hẹn lại lên tràn ngập trên mạng, bố mẹ bất chấp việc này có thể để lại những hậu quả không hay trên chính đứa trẻ.
Nhiều người lo ngại phụ huynh khoe điểm, khoe thành tích của con có thể gây áp lực, xát thêm nỗi đau cho những đứa trẻ thi rớt. Bên cạnh những niềm hân hoan thi đỗ trong kỳ thi lớp 10 còn đau khổ, nước mắt của hàng chục ngàn đứa trẻ, hàng chục ngàn gia đình khi kết quả không như mong muốn.
Tuy nhiên, việc bố mẹ khoe con không chỉ gây áp lực cho người xung quanh mà điều cần quan tâm hơn là đang gây áp lực cho chính đứa trẻ đạt điểm cao, đạt thành tích cao.
Trong làn sóng khoe điểm, khoe con đỗ lớp 10 những ngày qua, nhà giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên lên tiếng xin phụ huynh đừng khoe thành tích học tập của con lên mạng xã hội nữa. Điều đó không chỉ tạo áp lực cho con bạn mà còn gián tiếp tạo sóng gió cho những đứa trẻ, gia đình khác.
Theo bà Quyên, đừng tự hào mình hơn đồng loại mà hãy tự hào bản thân tốt hơn chính mình mỗi ngày...
Trong lần chia sẻ về ám ảnh học tập của con trẻ, ThS Đinh Thanh Phương cảnh báo áp lực học tập không chỉ với các em học kém mà nguy hiểm nhất lại là ở các em là học sinh giỏi, đạt thành tích tốt. Những lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người làm các em không dám dừng lại, luôn phải gồng mình để đạt kết quả tốt hơn nữa.
"Điều này là một sự căng thẳng vô hình lên tinh thần con trẻ. Nhiều bạn trẻ có kết quả học tập rất tốt, gia đình có điều kiện, tương lai tưởng như rất tươi sáng nhưng chịu nổi áp lực, kỳ vọng đã có kết cục rất đau lòng", ThS Đinh Thanh Phương nhấn mạnh.
Chưa thời đại nào những đứa trẻ khổ sở vì thành tích như vậy. Không chỉ khổ vì không đạt được thành tích mà cả sau khi đạt được thành tích. Nhất là khi các con được xem như "vật trang trí" của bố mẹ.
Lời khen, kỳ vọng quá mức của bố mẹ có thể lập trình "khung thành tích" trong não của đứa trẻ. Các con quen với nụ cười, với sự tự hào của bố mẹ, của người xung quanh khi đạt thành tích và luôn sợ hãi bị "hạ gục" bởi một ánh mắt thất vọng, một tiếng thở dài... Cuộc đời nhiều đứa con chỉ có một con đường "tiến lên, tiến lên".
Bi kịch lớn nhất, nỗi sợ lớn nhất của đời người không phải là không thành công mà là không được phép thất bại.
Lúc còn sống, cố nhà giáo Đàm Lê Đức, người thành lập Trung tâm bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, nơi chắp cánh cho rất nhiều học sinh đỗ vào nhiều trường top chia sẻ trăn trở lớn nhất của mình là đang chứng kiến nhiều học sinh ngày nay mất đi động lực học tập. Các em không phải học cho mình mà học để cho bố mẹ vui lòng...