Ngời sáng tấm lòng người thầy vượt rừng “lấy” học sinh trở lại lớp

(Dân trí) - Tuần qua, bạn đọc xúc động trước câu chuyện thầy giáo Ninh Văn Dậu không quản khó khăn vượt rừng vào rẫy "lấy" học sinh trở lại lớp. Bên cạnh đó, sự quyết tâm vượt khó đạt thành tích cao trong kỳ thi Olympic Địa lý của nữ sinh Hà Vi (người bị cưa bỏ chân phải do tắc trách của bác sĩ) cũng khiến bạn đọc cảm phục.

Phụ huynh trường ĐH Tân Tạo bật khóc cầu cứu Bộ GD-ĐT giúp rút hồ sơ cho con

Gần 30 sinh viên trường ĐH Tân Tạo xin chuyển trường cho rằng bị nhà trường làm khó vì vẫn giữ hồ sơ gốc với điều kiện đưa ra là sinh viên hoàn trả học bổng mới được rút hồ sơ. Một số phụ huynh nức nở cầu cứu vì số tiền bị đòi trả lại lên đến cả trăm triệu đồng.

Sáng ngày 7/3, gần 20 sinh viên và phụ huynh từng học khoa Y của trường ĐH Tân Tạo đã đến Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cầu cứu khẩn cấp nhờ cơ quan này can thiệp với để sinh viên chuyển trường được học hành yên ổn tại trường mới mà không bị áp lực từ hai phía như hiện nay.


Gần 30 phụ huynh, sinh viên trường ĐH Tân Tạo xin chuyển đang trình bày với đại diện Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM vào sáng ngày 7/3. (Ảnh: Lê Phương)

Gần 30 phụ huynh, sinh viên trường ĐH Tân Tạo xin chuyển đang trình bày với đại diện Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM vào sáng ngày 7/3. (Ảnh: Lê Phương)

Trong sáng ngày 7/3, ông Hồ Như Duyến - Trưởng phòng Tổng hợp Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM tiếp nhận đơn cầu cứu của tập thể phụ huynh và cho biết sắp tới cơ quan này sẽ có buổi làm việc với ĐH Tân Tạo tìm cách giải quyết những vấn đề này.

Một lãnh đạo của Cơ quan Bộ GD-ĐT cho rằng việc giải quyết chuyển trường cho sinh viên là của trường ĐH và các trường phải làm đúng quy chế của Bộ. Trong sự việc này cần xem xét lại cam kết của sinh viên khi nhận học bổng. Nếu sinh viên không ký cam kết thì không cần phải thực hiện yêu cầu của trường và ngược lại

Liên quan đến vấn đề phụ huynh phản ánh, phóng viên đã liên lạc bằng điện thoại với ông Huỳnh Hổ - Phó hiệu trưởng trường ĐH Tân Tạo nhưng vẫn phía nhà trường cho biết sẽ trả lời bằng văn bản.

“Nữ sinh bị cưa chân” giành huy chương Bạc kỳ thi Olympic môn Địa lý

Sự tắc trách, thiếu chuyên môn của y, bác sĩ đã khiến nữ sinh Lê Thị Hà Vi phải cưa bỏ vĩnh viễn chân phải. Dù điều trị thương tích phải nghỉ học hàng tháng liền nhưng bằng sự quyết tâm, Hà Vi vẫn nỗ lực đạt được thành tích cao trong kỳ thi Olympic của tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 8/3, thầy Lê Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cho biết em Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 11) đã xuất sắc giành huy chương Bạc môn Địa lý trong kỳ thi Olympic 10 - 3 lần II tỉnh Đắk Lắk năm 2017.


Nữ sinh Hà Vi vinh dự đạt huy chương Bạc Olympic môn Địa lý. (Ảnh: Thúy Diễm)

Nữ sinh Hà Vi vinh dự đạt huy chương Bạc Olympic môn Địa lý. (Ảnh: Thúy Diễm)

Theo thầy Sơn, sau khi nhập học tại trường vào cuối tháng 4/2016, Hà Vi dù thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường nội trú và luôn phấn đấu không ngừng trong học tập. “Em Hà Vi xứng đáng là tấm gương về nghị lực vươn lên mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống để học sinh trong trường noi theo”, thầy Sơn nói.

Học sinh Hải Phòng dẫn đầu cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia

Ngày 9/3, Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ bế mạc, trao giải cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (ViSEF) năm học 2016-2017 khu vực phía Bắc. Năm nay, phía Bắc có 448 học sinh với 241 dự án dự thi, thuộc 21 lĩnh vực. Trong đó có 198 dự án của của học sinh THPT; 43 dự án của học sinh THCS.

Sau 3 ngày thi, hội đồng BGK là những nhà khoa học, giáo viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu đã làm việc công tâm để tìm ra 5 đội đoạt giải Nhất toàn cuộc. Các bài dự thi được giám khảo bốc thăm, chấm độc lập nhiều vòng trước khi phỏng vấn trực tiếp.

Kết quả, BTC trao 29 giải chung cuộc cho các dự án xuất sắc ở 14 lĩnh vực, trong đó có 5 giải Nhất, 10 giải Nhì và 14 giải Ba.

Đoàn Hải Phòng gây bất ngờ khi có tới 2 giải Nhất, đều là đại diện đến từ trường THPT Chuyên Trần Phú. 3 giải Nhất còn lại thuộc về trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Đoàn Hà Nội), THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (trực thuộc Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQGHN) và THPT thị xã Quảng Trị (Đoàn Quảng Trị).

Đây là những dự án được đánh giá có hàm lượng khoa học, sự sáng tạo, đầu tư và tính ứng dụng cao. Các dự án sẽ được 5 đội tiếp tục hoàn thiện để đại diện cho Việt Nam tranh tài cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ vào tháng 5 tới.


5 đội đạt giải Nhất toàn cuộc nhận bằng khen và phần thưởng. (Ảnh: Lệ Thu)

5 đội đạt giải Nhất toàn cuộc nhận bằng khen và phần thưởng. (Ảnh: Lệ Thu)

Bộ trưởng Giáo dục gửi thư khen thầy giáo vào rẫy “lấy” học sinh về lớp

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa gửi thư khen thầy giáo Ninh Văn Dậu, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Trong thư Bộ trưởng viết, qua báo chí, ông được biết thầy giáo Ninh Văn Dậu đã làm được một việc mà không phải ai cũng làm được: vượt hàng chục km đường rừng để vào rẫy đưa học sinh nghèo trở lại trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá cao tấm lòng cao đẹp, nhân ái của thầy Ninh Văn Dậu trong việc không ngại khó khăn, gian khổ đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp trồng người, với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”. Việc làm của thầy chắc chắn sẽ lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội, tạo ra nhiều cảm hứng, niềm tin yêu trong học sinh, sinh viên và những động lực mới trong dạy học cho các thầy, cô giáo trong cả nước.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng gửi lời khen ngợi về việc làm rất có ý nghĩa nói trên của thầy Ninh Văn Dậu và mong muốn thầy cũng như các thầy, cô giáo trong toàn ngành tiếp tục có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực hơn nữa, góp phần vào thành công chung của ngành Giáo dục.


Ngày 8/3, thầy Ninh Văn Dậu cùng Hiệu trưởng nhà trường và đồng nghiệp đã đón học sinh Ksor Gôl từ rẫy trở về trường để học tập.

Ngày 8/3, thầy Ninh Văn Dậu cùng Hiệu trưởng nhà trường và đồng nghiệp đã đón học sinh Ksor Gôl từ rẫy trở về trường để học tập.

Chàng trai cai nghiện mở lớp học miễn phí giúp học sinh nghèo

Anh Nguyễn Văn Sỹ (SN 1988), trú tại thôn Eo Rú, xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vốn là một người thông minh, học giỏi, từng thi đậu vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng với điểm số cao và 3 năm liền giành học bổng của ngôi trường này. Thế nhưng một lần sa ngã đã biến Sỹ trở thành kẻ nghiện ma túy.

Từng chìm trong nghiện ngập một khoảng thời gian gần 5 năm, trải qua 9 lần cai nghiện rồi lại tái nghiện, Sỹ trở về nhà tự xích tay chân, cố gắng thoát ra khỏi nỗi đau mang tên ma túy. Và sau nhiều nỗ lực, Sỹ đã cai được nghiện và mở lớp dạy học cho học trò nghèo ở làng quê Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình).

Lớp học của người thầy đặc biệt Nguyễn Văn Sỹ
Lớp học của người "thầy" đặc biệt Nguyễn Văn Sỹ

Nói về việc bén duyên với cái nghề gia sư cho các em học sinh hiện tại, dù bản thân không qua trường lớp sư phạm nào, Sỹ cho biết anh không coi mình là thầy giáo, chỉ xem như là một người anh để giúp một phần kiến thức nhỏ bé mình có cho các em học sinh.

Sau khi có lớp học tự lập tại nhà, có được sự tin tưởng của gia đình và các em học sinh, cùng với sự động viên, giúp đỡ của Công an huyện Lệ Thủy cũng như chính quyền địa phương, vào đầu năm 2017, Sỹ đã mở thêm một lớp học tại Trường Tiểu học Hoa Thủy để dạy miễn phí cho các học sinh THPT. Đến nay lớp học này đã có gần 70 em.

“Vượt qua được con đường nghiện ngập ma túy và có được như ngày hôm nay, với mình như một giấc mơ vậy. Thực sự nếu không có sự động viên, giúp đỡ của gia đình, người thân, của các cán bộ Công an huyện Lệ thủy, của Đồn Lệ Ninh và chính quyền địa phương thì có lẽ mình sẽ không có được ngày hôm nay. Giờ mình chỉ muốn tiếp tục thỏa niềm đam mê dạy học, làm một cái gì đó có ích cho xã hội để chuộc lại lỗi lầm”, Sỹ tâm sự.

Nguyên Chi (tổng hợp)