Ngô Di Lân: Có thể tiêu cực “mua” bài luận hoặc thư giới thiệu

(Dân trí) - Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Brandeis, Mỹ cho rằng, kể cả khi loại bỏ yếu tố “mua” thư giới thiệu thì vẫn có những rủi ro khác cần tháo gỡ…

Chàng trai 21 tuổi đã học tập 10 năm ở nước ngoài, có cơ hội trải nghiệm 5 nền giáo dục thẳng thắn chia sẻ quan điểm và lời giải của riêng mình cho bài toán đảm bảo chất lượng thư giới thiệu khi áp dụng mô hình xét tuyển “kiểu Tây” tại Việt Nam.


Ngô Di Lân – 9X Việt là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Brandeis, Mỹ “hiến kế” phương án giải bài toán thư giới thiệu khi áp dụng mô hình xét tuyển ĐH “kiểu Tây” tại Việt Nam.

Ngô Di Lân – 9X Việt là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Đại học Brandeis, Mỹ “hiến kế” phương án giải bài toán thư giới thiệu khi áp dụng mô hình xét tuyển ĐH “kiểu Tây” tại Việt Nam.

Khi viết thư giới thiệu chưa phổ biến ở Việt Nam…

PV: Lần đầu tiên tại Việt Nam, trường ĐH Quốc gia TPHCM áp dụng hình thức xét tuyển bằng thư giới thiệu và bài luận như các trường ĐH phương Tây. Theo Lân, việc xin thư giới thiệu trong điều kiện thực tế Việt Nam sẽ có thể xảy ra rủi ro nào?

Ngô Di Lân: Đầu tiên phải nói rằng đây là một bước cải cách tiến bộ, rất đáng hoan nghênh vì nó đưa ra một cách đánh giá mới và toàn diện hơn về năng lực của học sinh. Rõ ràng là như vậy vì điểm số không thể nào phản ánh toàn bộ năng lực và triển vọng của một học sinh được.

Tuy nhiên áp dụng ở Việt Nam thì có một số rủi ro có thể xảy ra.

Thứ nhất, đó là tiêu cực. Nói một cách cụ thể hơn đó là người ta có thể dùng tiền để "mua" bài luận hay "mua" thư giới thiệu từ giáo viên. Thậm chí giáo viên có thể cho phép học sinh tự viết thư giới thiệu cho bản thân rồi đưa giáo viên ký.

Thứ hai, kể cả không có chuyện tiêu cực xảy ra thì vẫn có rủi ro là giáo viên không biết nên viết thư giới thiệu thế nào cho hiệu quả và đáp ứng được đúng yêu cầu của nhà trường do đây là một hình thức chưa phổ biến ở Việt Nam.

Dù trường hợp nào xảy ra đi nữa thì đều không tốt bởi như vậy mục đích chính của hình thức tuyển sinh này sẽ bị triệt tiêu.

Thư giới thiệu tốt: Khen chê thật lòng và đừng quên “cụ thể”

Và khi viết thư giới thiệu học trò của mình, các giáo viên cần tập trung vào nội dung gì hoặc có lưu ý nào không?

Cấu trúc của thư giới thiệu thì thường tương đối giống nhau, chủ yếu tập trung vào nhận xét những điểm mạnh của học sinh và một chút về điểm yếu của học sinh để thể hiện sự công tâm của mình.

Có một điểm cần lưu ý là nếu khen học sinh thì khen phải thật cụ thể và thật lòng. Thư giới thiệu sẽ chẳng có giá trị gì nếu giáo viên chỉ nói rằng học sinh của mình rất thông minh, rất giỏi vì nó quá chung chung, chẳng gây được ấn tượng đặc biệt gì với người đọc cả, nghe không thật lòng.

Nếu đã khen thì phải nêu hẳn ví dụ cụ thể để chứng minh năng lực của học sinh. Ví dụ: "Học sinh A là một người rất tích cực và chủ động. Cậu ấy đã chủ động đề xuất với nhà trường thành lập CLB toán học để giúp các bạn ôn luyện trước khi các kỳ thi diễn ra". Như vậy vừa thể hiện rằng đây là một lời khen thật, vừa tạo ra được sự khác biệt giữa học sinh của mình với các học sinh khác.

Ngược lại, nếu chê thì phải khéo léo, chung chung và nhẹ nhàng. Nếu người chê quá mạnh và quá rõ ràng thì nó có thể để lại ấn tượng xấu về học sinh của mình trong mắt người đọc và làm hỏng khả năng học sinh này được nhận.

Ngoài ngôn từ và dẫn cứ trong thư, liệu có cách nào khác nữa để xác định một lá thư giới thiệu“không thật lòng”?

Theo tôi chỉ cần để ý một chút thôi sẽ thấy thật ra không quá khó để nhận diện một bức thư giới thiệu không thật lòng. Nếu thấy lời khen quá tâng bốc hãy đối chiếu ngay với bảng điểm, học bạ và cả bài luận.

Nếu giáo viên hết lòng khen ngợi học sinh mà bảng điểm xấu thì cũng có gì đó không ổn. Nếu thư giới thiệu phản ánh đúng những gì nhà tuyển dụng có thể thấy được qua bảng điểm và bài luận thì khả năng cao đó là một thư giới thiệu có chất lượng tốt.

Một trong những "đặc điểm nhận diện" của một bức thư giới thiệu tốt và hay là nó phải cụ thể, đủ dẫn chứng và lý lẽ, đồng thời bộc lộ được cảm xúc chân thật của giáo viên.

Trang web xử lý hồ sơ ứng tuyển có thể giảm thiểu gian lận

Về phía nhà tuyển sinh, họ nên chấm thư giới thiệu như thế nào? Có phương án nào để giải bài toán đảm bảo chất lượng và tính sát thực của thư giới thiệu trong môi trường giáo dục Việt?

Thứ nhất, nhà trường nên yêu cầu mỗi ứng viên nộp 2 thư giới thiệu từ 2 giáo viên khác nhau để có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn. Thứ hai, như nói ở trên, đối với những thư giới thiệu nào toàn những ngôn từ hào nhoáng, bóng bẫy nhưng rỗng tuếch chẳng có lý lẽ, dẫn chứng gì hợp lý thì tốt nhất nhà tuyển dụng không nên đọc mà nên loại luôn.

Cuối cùng, theo tôi quan trọng nhất đó là phải tạo dựng một trang web để xử lý toàn bộ các vấn đề hồ sơ ứng tuyển này (những ai đã từng nộp đơn đi du học Mỹ thì sẽ biết tới trang Commonapp, những ai đi du học Anh quốc sẽ biết tới trang UCAS).

Giáo viên nào viết thư giới thiệu thì cần phải làm thủ tục đăng ký trên trang web đó, điền thông tin cá nhân kèm với bản scan Chứng minh thư để đảm bảo không có chuyện gian lận, tiêu cực, v.v... Thậm chí nên có chức năng để nhà trường (phía tuyển sinh) "đánh giá" (review) những giáo viên đó sau mỗi đợt tuyển sinh.

Những giáo viên nào nhận xét công tâm sẽ được cho 5 sao, những giáo viên nào mà viết chung chung, hay lời nhận xét không phản ánh đúng năng lực của học sinh sẽ bị đánh giá thấp.

Cũng như không ai đến một nhà hàng mà bị đánh giá là kém, các học sinh sẽ không chọn những giáo viên bị đánh giá thấp để viết thư giới thiệu cho mình. Như vậy thì sẽ giảm thiểu khả năng có tiêu cực xảy ra.

Hãy tìm đến một người thực sự hiểu để giúp bạn “cất cánh”

Cuối cùng, ở nước ngoài (có cả xét tuyển vào bậc Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ), ứng viên thường phải tìm được những lá thư giới thiệu của các vị giáo sư uy tín, tên tuổi… làm như vậy bộ hồ sơ ứng tuyển sẽ được đánh giá cao. Nhưng ở cấp 3 thì thường không có khái niệm “giáo viên nổi tiếng”. Vậy theo Lân, học sinh Việt nên tìm ai để viết thư giới thiệu cho mình?

Thật ra uy tín tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là tiêu chí. Nếu bạn nhờ được một giáo sư đầu ngành viết cho một bức thư giới thiệu nhưng họ viết sơ sài, chung chung, nhạt nhẽo thì cũng chẳng giúp ích gì cho hồ sơ của bạn cả.

Quan trọng nhất là tìm được một người thực sự hiểu bạn, yêu mến bạn và sẵn sàng giới thiệu bạn cho một trường khác một cách thật lòng. Như vậy họ mới sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức để viết một bức thư giới thiệu đủ hay để có thể giúp bạn cất cánh bay cao được!

Cám ơn những chia sẻ thẳng thắn của bạn!

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm