Xét tuyển bằng bài luận và thư giới thiệu: Độ chính xác có thể không cao?
(Dân trí) - Theo du học sinh Nguyễn Trung Dũng, bộ hồ sơ xét tuyển đại học ở Mỹ khá đầy đủ các căn cứ cho nhà tuyển sinh đưa ra được đánh giá chính xác về năng lực, tính cách và đam mê của thí sinh hơn là bộ hồ sơ hiện tại mà ĐH Quốc gia TPHCM đang yêu cầu trong mùa tuyển sinh năm nay.
Nguyễn Trung Dũng – 9X Việt từng gây chú ý trong kỳ tuyển sinh ĐH 2012 với bức tâm thư gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về lỗi sai trong đề thi tiếng Anh, từng giành 4 học bổng Chính phủ toàn phần tại Hungary, Kazakhstan, Áo và Thổ Nhĩ Kì. Hiện, Dũng đang học tập tại đất nước Kazakhstan.
Cùng lắng nghe quan điểm của nam sinh này về việc áp dụng hình thức xét tuyển với bài luận và thư giới thiệu ở Việt Nam.
Xét tuyển với bài luận - “Trả lại đúng nhiệm vụ của một trường Đại học”
“Việc ĐH Quốc gia TPHCM bổ sung thêm hình thức xét tuyển thẳng các thí sinh dựa trên bài luận và thư giới thiệu thực sự là một thay đổi triệt để trong tư duy giáo dục của những người làm giáo dục giữa bối cảnh thực tế của Việt Nam.
Từ trước đến nay, các trường đại học chỉ chọn lựa thí sinh dựa trên “kiến thức” mà bỏ quên đi tiêu chí “tư duy” và “đam mê”. Nếu tiếp tục theo lối mòn tuyển sinh này, dù cho điểm thi đại học tăng qua các năm, dù cho số lượng thủ khoa nhiều lên qua các năm, chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam sẽ không thể được cải thiện.
Đại học là môi trường đào tạo nghề nghiệp, là nguồn cung cấp lao động trình độ cao cho xã hội, chứ không phải là trường “cấp 4” sau trường “cấp 3” của hệ thống giáo dục phổ thông. Vì thế, “kiến thức” ở đại học không phải là yếu tố quan trọng duy nhất như ở trường phổ thông.
Điều các trường đại học mong muốn cuối cùng ở sinh viên là tư duy và kĩ năng thực hiện nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Đó là lí do vì sao các trường đại học ở Mỹ hầu hết đều yêu cầu bài luận cá nhân của thí sinh trong hồ sơ tuyển sinh đại học. Đơn giản là một bảng điểm phổ thông xuất sắc không thể đảm bảo bạn là một sinh viên giỏi.
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có bài luận cá nhân là công cụ hữu ích để giúp các nhà tuyển sinh có thể đánh giá tư duy, suy nghĩ, tính cách, thái độ và đam mê với nghề nghiệp của thí sinh để xem họ có phù hợp với nghề nghiệp đăng kí hay không.
Một thực tế đáng buồn của Việt Nam là đa phần các thí sinh chỉ chọn lựa ngành nghề dựa trên xu thế, phong trào, sự quyết định của phụ huynh hoặc sở thích cá nhân; chỉ một phần nhỏ là có sự cân nhắc về đam mê và sự phù hợp giữa tiềm năng của bản thân và ngành nghề sẽ chọn.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam. Khi mà nhiều sinh viên đến trường chỉ để hoàn tất đủ số lượng tín chỉ rồi tốt nghiệp và đi làm một công việc… khác xa những gì đã học.
Việc làm của ĐH Quốc gia TPHCM đang trả lại đúng nghĩa nhiệm vụ của một trường đại học – trường “dạy nghề chất lượng cao”, chứ không phải trường “đào tạo học sinh giỏi” như trước đến nay. Muốn học được nghề, học sinh phải yêu nghề và để giỏi nghề, học sinh cần có những tố chất phù hợp với nghề. Những điểm số tròn trĩnh không thể giúp các nhà tuyển sinh “test” được những điều này ở các bạn học sinh.
Băn khoăn độ chính xác
Tuy nhiên, chỉ dựa trên bảng điểm phổ thông, bài luận cá nhân và thư giới thiệu thì độ chính xác của đánh giá về thí sinh vẫn không thể cao. Vì thực tế giáo dục ở Việt Nam cho thấy, việc thầy cô cho điểm “khống”, điểm “ảo”, việc “thay tên đổi họ” cho tư duy và tính cách trên những trang giấy là điều không khó.
Có lẽ vì điều này nên ĐH Quốc gia TPHCM chỉ thực hiện xét tuyển đối với các trường chuyên và năng khiếu, vì ít nhất các thí sinh ở những trường này đã trải qua một kì thi về năng lực đầu vào trường chuyên, ít nhiều sẽ đảm bảo tương đối năng lực học tập ở cấp phổ thông?
Ở Mỹ, tuy không tồn tại kì thi tuyển sinh đại học nhưng các trường đại học vẫn yêu cầu chứng chỉ chuẩn hóa năng lực SAT hoặc SAT subject test.
Chứng chỉ này thực chất không khác gì một bài thi đầu vào đại học, vì nó dựa trên nội dung của cấp học phổ thông được nâng cao và chú trọng vào tư duy. Điểm thi SAT vẫn đang là tiêu chí quan trọng trong bộ hồ sơ xét tuyển của hầu hết các đại học tại Mỹ.
Trong bộ hồ sơ xét tuyển đại học của Mỹ còn có thông tin về các hoạt động ngoại khóa, các khóa học nâng cao, và các câu hỏi định hướng tương lai.
Vì thế, nói một cách chính xác, bộ hồ sơ xét tuyển đại học ở Mỹ khá đầy đủ các căn cứ cho nhà tuyển sinh đưa ra được đánh giá chính xác về năng lực, tính cách và đam mê của thí sinh, hơn là bộ hồ sơ hiện tại mà ĐH Quốc giaTPHCM đang yêu cầu trong mùa tuyển sinh năm nay”.
Lệ Thu (ghi)