Nghiên cứu về bệnh "có gì mà buồn" gây chết người, sinh viên giành giải lớn
(Dân trí) - Nghiên cứu căn bệnh vẫn hay nghe động viên "có gì mà buồn" ở lứa tuổi học sinh, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM giành giải nhất cuộc thi giải thưởng khoa học công nghệ.
Đề tài "Tự điều chỉnh cảm xúc ở học sinh có biểu hiện trầm cảm: Thử nghiệm can thiệp dựa trên chánh niệm để đánh giá hiệu quả thông qua tín hiệu điện não và hành vi" của nhóm 5 sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM do TS Giang Thiên Vũ hướng dẫn nghiên cứu.
Đề tài nghiên cứu phương pháp can thiệp chánh niệm nhằm hỗ trợ học sinh có biểu hiện trầm cảm tự điều chỉnh cảm xúc và cải thiện sức khỏe tâm lý.
Kết quả nghiên cứu được đánh giá mang lại những giá trị quan trọng trong giáo dục và chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật và có thể chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030.
Ước tính khoảng 300 triệu người trên toàn cầu mắc rối loạn trầm cảm. Thế giới ghi nhận khoảng một triệu người chết do tự tử mỗi năm, tương đương 3.000 người mỗi ngày.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người quyên sinh do trầm cảm, gấp 4 lần số ca tai nạn giao thông tử vong.
Trầm cảm là một bệnh thuộc tâm thần học phổ biến nhất trên toàn thế giới nhưng đây vẫn là vấn đề ít được quan tâm, ít được công nhận. Không ít người bị trầm cảm nhưng bị phủ nhận với những lời động viên như "có gì mà buồn" , "cố gắng lên", "vui lên đi"…
Đề tài nghiên cứu hỗ trợ học sinh có biểu hiện trầm cảm của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM là một trong 18 đề tài nghiên cứu của sinh viên được trao giải nhất tại lễ tổng kết và trao giải thưởng Khoa học và Công nghệ (KHCN) dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2024.
Giải thưởng do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Giải thưởng khoa học dành cho sinh viên trải qua vòng sơ khảo và vòng chung khảo trước đó với sự tham gia của 536 đề tài nghiên cứu được chọn từ hơn 15.000 đề tài khoa học của sinh viên từ 96 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc. 446 đề tài xuất sắc của sinh viên được chọn trao giải thưởng.
Các đề tài khoa học và công nghệ của sinh viên được đánh giá dựa trên các tiêu chí như tính khoa học, tính khách quan, hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn, và tiềm năng phát triển các giải pháp, sản phẩm Start-up.
Giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ được phát động vào tháng 02/2024 thu hút 47 công trình nghiên cứu, cùng gần 100 sản phẩm công bố khoa học và chuyển giao của các giảng viên trẻ từ 29 cơ sở giáo dục đại học. 17 công trình xuất sắc từ giảng viên trẻ vào vòng chung khảo.
Chia sẻ tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, giáo dục đại học có hai sứ mệnh chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Thứ trưởng Phúc đánh giá, so với 10 năm trước, nghiên cứu khoa học của nước ta đã hội nhập quốc tế rất nhanh. Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ.
"Nếu 10 năm trước, các đại học, trường đại học của nước ta gần như vắng bóng trên các bảng xếp hạng đại học khu vực và quốc tế thì đến nay, trong xếp hạng mới nhất, các trường đại học của Việt Nam đã lọt top các trường đại học châu Á lẫn thế giới.
Nếu không có sự phát triển vượt bậc về thành tích nghiên cứu khoa học, nước ta không thể có uy tín, thứ hạng của các ĐH của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới…", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, không thể tách rời đào tạo và nghiên cứu khoa học, vì hai lĩnh vực này bổ sung cho nhau. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đồng thời nếu chất lượng nghiên cứu khoa học tốt sẽ tạo nền tảng thuận lợi cho giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh học tập.
Trước tác động bởi khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển rất nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, ngành bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn… , Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng trong hoạt động nghiên cứu khoa học để bắt kịp xu thế.