Từ vụ bé gái ngăn mẹ nhảy cầu, người phụ nữ kể 3 lần ôm con leo lên cửa sổ

Hoài Nam

(Dân trí) - Chị Nh. từng ôm con leo lên cửa sổ ở phòng ngủ căn hộ chung cư với suy nghĩ buông mình. Cô con gái 5 tuổi khi đó cũng khóc thét, xin mẹ đừng... chết.

Clip bé gái gào khóc, van xin mẹ đừng nhảy cầu giữa đêm khuya vừa xảy ra tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đang được lan truyền mạnh trên mạng xã hội.

Hành động giữ chân, kéo tay, quỳ gối cùng tiếng khóc và những lời van xin của bé gái chỉ tầm 4-5 tuổi trong clip làm nhiều người quặn thắt lòng, run rẩy lẫn xót xa.

Từ vụ bé gái ngăn mẹ nhảy cầu, người phụ nữ kể 3 lần ôm con leo lên cửa sổ - 1

Người mẹ kéo con gái ra phía lan can cầu với ý định nhảy xuống được ngăn chặn kịp thời (Ảnh: Cắt từ clip).

Có thể nghe tiếng bé gái mếu máo van nài: "Con thương mẹ, đừng nhảy nhé!". Trong cơn rối trí, người mẹ hỏi: "Con có thương mẹ không?", đứa trẻ đáp lại: "Dạ có!".

Có lẽ điều may mắn ở tình huống này là sự việc xảy ra ở bối cảnh trên cầu có người qua lại. Ý định ôm con nhảy cầu quyên sinh của người mẹ nhờ vậy được ngăn chặn kịp thời.

Đoạn clip được đăng tải nhận hàng loạt lời bình phẩm, nhận xét, từ cảm thông, thương cảm cho đến cả những lời trách móc, lên án người mẹ.

Khó lý giải hành động tàn nhẫn "ôm con chết cùng"

Chỉ xem phần đầu đoạn clip nói trên, chị Ng.Nh., ở TP Thủ Đức, TPHCM đã lạnh người, bủn rủn. Chị không dám hình dung đến cảnh tượng người mẹ ôm đứa con nhỏ đang gào khóc, cố tìm đến cái chết bởi chị thấy bóng dáng của chính mình trong đó. 

Chị Nh. chia sẻ, sau khi sinh con thứ 2, chị ở nhà chăm hai con nhỏ. 4 năm gần đây, chị có biểu hiện bị trầm cảm. Chị cố chống đỡ vật vã qua ngày chứ chưa từng nghĩ đến việc đi bệnh viện thăm khám hay điều trị. Có dạo, nhất là thời gian sau dịch Covid-19, chị Nh. thường xuyên nghĩ đến cái chết.

Đã nhiều lần chị Nh. leo lên cửa sổ ở phòng ngủ chung cư cao tầng với suy nghĩ gieo mình xuống. Ít nhất 3 lần chị ôm cô con gái 5 tuổi leo lên cửa sổ. Cháu bé sợ hãi khóc lóc, van xin mẹ, tay bám chặt vào thành cửa sổ...

Người mẹ cho hay, rất khó để lý giải được hành động mà dư luận lên án là tàn nhẫn của mình. Chị sợ để con gái lại bé sẽ khổ nhưng cũng có lúc chị chán ghét con, chỉ mong mẹ con cùng chết để chấm dứt mọi đau khổ, dằn vặt. 

"Thế nhưng khi tôi vẫn còn sống thì tại nhà hàng xóm ngay đối diện căn hộ nhà tôi, người bố chưa đến 40 tuổi sát hại cậu con trai nhỏ xong rồi làm việc tương tự với bản thân. Tôi là một trong những người đầu tiên phát hiện sự việc và gọi người tới...", chị Nh. kể.

Cháu bé hàng ngày vẫn qua chơi với hai con chị Nh., rất ngoan ngoãn, dễ thương. Bố cháu, được biết là bị trầm cảm nhiều năm nay, chỉ quanh quẩn ở nhà.

Sự việc đó tác động mạnh đến chị Nh. Vợ chồng chị bán nhà, chuyển chỗ ở. Bản thân chị chính thức điều trị trầm cảm.

Là người trong cuộc từng nhiều lần có ý định ôm con cùng chết, theo chị Nh., khi bị trầm cảm nặng, dường như mọi lý lẽ thông thường nhất không còn ý nghĩa. 

Trên thực tế, có không ít sự việc bố mẹ ôm theo con cùng chết đã xảy ra, gây bàng hoàng, đau đớn và cả phẫn nộ.

Cách đây không lâu là sự việc người mẹ 32 tuổi ở Việt Trì, Phú Thọ ôm hai con gái nhỏ nhảy xuống sông Lô. Cô con gái lớn 11 tuổi tuột khỏi tay mẹ, bơi được vào bờ nên thoát chết.

Trước đó, tại Tây Ninh, người mẹ 24 tuổi ôm hai con gái nhảy kênh tự vẫn... Trường hợp khác, người mẹ ở Trà Vinh với nghi vấn trầm cảm ôm con 2 tuổi nhảy cầu giữa trời mưa tầm tã. 

Từ vụ bé gái ngăn mẹ nhảy cầu, người phụ nữ kể 3 lần ôm con leo lên cửa sổ - 2

Xe máy và dép người mẹ ở Trà Vinh để lại trên cầu khi ôm con 2 tuổi nhảy xuống sông (Ảnh: CTV).

Người lớn cũng cần học quản lý cảm xúc

Trong cuộc sống không ít những vụ người làm bố mẹ ôm con theo cùng làm chuyện dại dột như vậy. Những đứa trẻ ngây thơ, có đứa trẻ vừa chào đời không lâu đã phải rời bỏ cuộc sống bởi chính những đấng sinh thành.

Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về 5 căn bệnh cản trở sự phát triển kinh tế tại khu vực Châu Á, đó là các căn bệnh lo âu, căng thẳng, trầm cảm, tự sát, rối loạn sau chấn thương và rối loạn chất gây nghiện.

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Con số này chiếm 3,1% dân số, tương đương tỷ lệ 1 trong 32 người.

Trong đó, nhóm tuổi 18-29 có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%).

Mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 40.000 người quyên sinh do trầm cảm, gấp 4 lần số ca tai nạn giao thông tử vong.

Từ vụ bé gái ngăn mẹ nhảy cầu, người phụ nữ kể 3 lần ôm con leo lên cửa sổ - 3

Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ cao hơn nam giới (Ảnh minh họa: AI).

Theo bà Nguyễn Thị Xuyến, chuyên viên tâm lý ở TPHCM cho hay, trầm cảm là bệnh chứ không phải như nhiều người nghĩ "có gì mà buồn". Căn bệnh này cần được phòng ngừa và điều trị mới có thể hạn chế những trường hợp hủy hoại bản thân cũng như cướp đi mạng sống của con nhỏ, gây đau đớn, tác động tiêu cực với cộng đồng. 

Điều này đòi hỏi nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh trầm cảm, qua đó góp phần giảm bớt sự vô cảm từ người xung quanh cũng như sự thiếu hụt đầu tư, quan tâm của hệ thống y tế về bệnh trầm cảm.

Bên cạnh những người mắc bệnh cần sự hỗ trợ, bà Xuyến cho rằng cũng có những trường hợp bố mẹ có hành vi dại dột ôm con cùng chết, xuất phát từ những nóng giận, xung đột nhất thời.

Bà Xuyến giải thích, nhiều mâu thuẫn, xung đột nghiêm trọng xuất phát ngay trong gia đình, từ các mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái. Điều này đòi hỏi mỗi người phải biết cách quản lý cảm xúc, có kỹ năng xử lý vấn đề tránh những tình huống đáng tiếc.