Nghịch lý: Học nghề sơ cấp lương cao hơn cao đẳng

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo thống kê, lương trung bình của thợ bậc sơ cấp là 7,8 triệu đồng/tháng, bậc cao đẳng chỉ là 7,2 triệu đồng/tháng. Nghịch lý này khiến người lao động thiếu động lực để nâng cao trình độ nghề.

Phát biểu tại hội nghị triển khai Chiến lược phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2030, bà Alsana Rezaie - Trưởng hợp phần tư vấn chính sách và đổi mới hệ thống thuộc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam - nhận định đào tạo nghề tại Việt Nam còn tồn tại rất nhiều thách thức.

Trước hết là các thách thức khiến người học không mặn mà tham gia học nghề như hình ảnh chung về GDNN còn thấp, nhiều người trẻ có thể đi làm mà không cần phải học nghề…

Đặc biệt, thách thức lớn nhất đối với mục tiêu phát triển đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển vào năm 2045 là nghịch lý về tiền lương.

Theo bà Alsana Rezaie, ngành lao động đã từng thống kê mức lương vào năm 2019 cho thấy: lương trung bình của người lao động NLĐ chưa qua đào tạo là 5,8 triệu đồng; trình độ nghề sơ cấp là 7,8 triệu đồng; trình độ nghề trung cấp là 6,9 triệu đồng; trình độ nghề cao đẳng là 7,2 triệu đồng.

Nghịch lý: Học nghề sơ cấp lương cao hơn cao đẳng - 1

Chỉ cần 3-12 tháng học nghề sơ cấp, người lao động dễ dàng kiếm việc lương cao hơn cả cử nhân đại học, cao đẳng (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thống kê này chỉ ra xu hướng rất lạ trên thị trường lao động là NLĐ chỉ cần mất 3-12 tháng học nghề sơ cấp đã có thể tìm kiếm công việc có mức lương tốt hơn người dành 1,5-2 năm học trung cấp, hoặc mất 2-3 năm để học cao đẳng.

Chính đặc thù này khiến NLĐ không có động lực để học thêm nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng. Do đó, hệ thống GDNN rất khó khuyến khích NLĐ trau dồi kỹ năng, học thêm kỹ thuật cao để đáp ứng công việc với trình độ sản xuất hiện đại của một nước phát triển.

Bà Alsana Rezaie sử dụng con số tuyển sinh của hệ thống GDNN thời gian gần đây để chứng minh: trong 2 triệu học sinh tham gia GDNN hàng năm thì chỉ có 10% học cao đẳng, 14,2% học trung cấp, đến 75,8% học sinh theo học trình độ sơ cấp.

Nguyên nhân chính dẫn đến nghịch lý này là thị trường lao động Việt Nam cần nhiều lao động có tay nghề bậc thấp, làm các công việc gia công đơn giản và cần nhiều sức lực hơn là kỹ năng.

Một nguyên nhân nữa là các ngành nghề dịch vụ, sản xuất vẫn chưa xem trọng chứng chỉ, chứng nhận trình độ, bằng cấp nghề; nhiều ngành nghề không cần chứng chỉ kỹ năng nghề vẫn có thể hành nghề…

Ông Phí Mạnh Thắng - Vụ trưởng vụ Pháp chế Thanh tra, Tổng cục GDNN - cho biết, các nội dung trong Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030 không chỉ nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống đào tạo nghề hiện đại, tiên tiến mà còn thiết lập hệ thống đánh giá tiêu chuẩn nghề, công nhận trình độ kỹ năng nghề và xây dựng lộ trình phát triển nghề rõ ràng cho NLĐ phấn đấu.

Hệ thống này sẽ thúc đẩy NLĐ tham gia học tập suốt đời, là tiêu chuẩn để các doanh nghiệp phân công lao động, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trả lương theo năng lực của người lao động, qua đó chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao.

Theo ông Phí Mạnh Thắng, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) đã làm việc với các bộ ngành liên quan, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 31/2015/NĐ-CP vào ngày 24/3/2015 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Nghị định 31 đã có tiến bộ khi quy định rõ danh mục 20 ngành nghề ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe cá nhân NLĐ hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia mới được làm việc. Nhờ đó, hoạt động làm nghề được quản lý dần đi vào khuôn khổ, chứng chỉ kỹ năng nghề được xem trọng và làm căn cứ để hành nghề, trả lương.

Theo ông Thắng, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu để lập danh mục các ngành nghề bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bao gồm khoảng 100 ngành nghề, bao quát hầu hết các ngành nghề chính trong xã hội.