Nghị lực của cô học trò nghèo, mồ côi mẹ

(Dân trí) -Ở xóm Nhòn (xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình), ai cũng biết đến cảnh ngộ của em Dương Thị Mây. Sớm mất mẹ, sống trong cảnh nghèo, em Mây đã gắng gượng vượt khó, vươn lên học giỏi, sớm cáng đáng mọi việc trong gia đình khi người bố lam lũ làm thêm...

Năm nay mới tròn 15 tuổi, cô bé có đôi mắt to, khuôn mặt sáng sủa này có hoàn cảnh hết sức éo le. Bố mẹ Mây là anh Dương Văn Sịch - chị Lê Thị Miền lấy nhau được hai năm và sinh được bé Mây thì đột nhiên chị Miền mắc căn bệnh bướu cổ ác tính. Đến năm 2010, bệnh chị Miền ngày một nặng hơn. Anh Sịch chạy vạy vay mượn được gần 10 triệu để đi mổ cục bướu ở cổ cho vợ. Về nhà được một tuần, vết mổ của chị Miền có biến chứng, các chân khối u cũ bắt đầu phát triển lại ôm kín cổ của chị Miền. Một lần nữa, anh Sịch lại phải bán trâu bò và vay mượn khắp nơi để đưa vợ đi chữa trị. Tuy nhiên lần này thì chị Miền đã bị Bệnh viện Đa khoa Yên Thủy trả về. 

Lo cho bệnh tật của vợ, anh Sịch phát bệnh căng thẳng thần kinh và liên tục phải điều trị bằng các loại thuốc thần kinh mạnh chống lại cơn bạo bệnh để tiếp tục lo cho gia đình. Tất cả những gì đáng giá trong nhà đều lũ lượt đội nón ra đi theo.

Đi học về, lo cơm nước xong Mây lại tất cả làm các việc trong nhà.
Đi học về, lo cơm nước xong Mây lại tất cả làm các việc trong nhà. Trong ảnh: Mây đang thu gom sắn phơi.

Hiểu được nỗi khổ của cha, và bệnh tật của mẹ, Mây đã cố gắng hết mình để phụ giúp cha. Trong khi bố đưa mẹ đi bệnh viện, Mây ở nhà một tay chăm sóc cho ba đứa em thơ. Ngoài giặt quần áo, nấu cơm cho các em hai bữa một ngày, Mây còn đưa em út đi học. Lo lắng về bệnh tật trong khi gia đình nghèo khổ, trong phút quẫn trí, chị Miền đã tự tử, để lại 4 con thơ dại.

Là lao động chính trong nhà, anh Sịch đã phải giao lại việc nhà cho cô con gái đầu lòng để đi đập đá. Cả ngày trời làm việc mệt nhọc và nguy hiểm, anh Sịch chỉ kiếm được 100 nghìn tiền công để lo cho 4 đứa con ăn học. Mỗi ngày, Mây được bố đưa cho hôm thì 10 nghìn, hôm 20 nghìn để lo cho các em hai bữa sáng chiều. Bản thân Mây tự cáng đáng mọi việc trong gia đình. Vụ sắn tới Mây phải một tay mình nhổ sắn, thái sắn, thu sắn như một con ong cần mẫn.

Sách vở không có, Mây phải đi mượn sách cũ của anh chị khóa trước. Quần áo không có tiền mua, em đành xin lại quần áo cũ của anh em trong xóm. Nhà nhỏ, bộn bề đồ đạc cũ Mây cất sách vở vào ô cửa sổ để tiện cho công việc học tập. Bàn học không có, đèn học cũng không nhưng những khó khăn, thiếu thốn đó đã không làm em nhụt chí. Năm học 2009 - 2010, trong bộn bề lo toan việc nhà và nỗi đau mất mát, Mây vẫn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến của Trường THCS Lạc Thịnh.

Không có bàn học, Mây học bài ở khoảng sân.
Không có bàn học, Mây học bài ở khoảng sân.

Cô Trần Thị Thu Hoài - giáo viên chủ nhiệm của Mây cho biết: Mây là một học trò ngoan, chăm chỉ và đoàn kết với bạn bè trong lớp. Trong các giờ học, em đều hăng say phát biểu xây dựng bài. Mây là một trong số it học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến của lớp 9C, Trường THCS Lạc Thịnh. Dù hoàn cảnh khó khăn, mẹ đã mất, bố bệnh tật nhưng em rất hiếu học, Mây chưa bao giờ đi học muộn.

Một mùa đông nữa lại đến nhưng Mây cùng mấy đứa em chỉ có một chiếc áo khoác mỏng tanh và đi chân đất. Khi hỏi về ước mơ, Mây tâm sự với đôi mắt ngấn lệ: “Em chỉ có một ước mơ là bố em trả hết nợ để em được đi học tiếp để sau này làm bác sỹ chữa bệnh cho mọi người”. Không biết rằng rồi ra, ước mơ ấy có quá xa vời với cô học trò xứ Mường ham học này không.

Văn Lực

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm