Chiếm 0,02% dân số thế giới, vì sao người Do Thái đoạt hơn 100 giải Nobel?
(Dân trí) - Đây là một con số đáng nể, tại sao một dân tộc nhỏ bé như Do Thái lại trở nên ưu việt tới vậy? Phải chăng do trí thông minh thiên bẩm và nguồn gen vượt trội?
Trong khi cả thế giới ca ngợi thành công của những nhà khoa học Do Thái thì các nhà giáo dục học lại dành nhiều lời khen cho phương pháp giáo dục toàn diện và hiệu quả của những bà mẹ Do Thái.
Được xem là một trong những dân tộc thông minh nhất thế giới, tuy nhiên người Do Thái không phải là thiên tài ngay khi lọt lòng mẹ, tất cả là nhờ cách dạy con tuyệt vời của các bậc cha mẹ.
1. Không gán ghép những từ tiêu cực cho con
Cha mẹ Do Thái không bao giờ gán ghép những từ mang nghĩa tiêu cực cho con cái như "Con là người xấu/Con là đồ lười". Thay vào đó, họ sẽ nói rằng: "Một đứa trẻ ngoan ngoãn như con tại sao lại gây ra hành vi đáng tiếc như vậy?".
Người Do Thái ý thức và nắm bắt rất rõ những khuyết điểm, hành động xấu của con, nhưng trước mặt người ngoài và trước mặt trẻ, họ không chỉ trích mà sẽ tìm cách uyển chuyển hơn để truyền đạt. Ngoài ra, họ sẽ khéo léo uốn nắn, dạy dỗ lại con cái mà không để người ngoài can thiệp.
Những bà mẹ Do Thái luôn khen ngợi con, ngay từ khi trẻ được sinh ra và chưa hiểu ngôn ngữ của cha mẹ. Mọi động tác của trẻ như biết nói hoặc biết vẽ đều sẽ nhận được những lời khen ngợi từ cha mẹ. Đặc biệt, trẻ em Do Thái thường được khen ngợi ở chốn đông người để các em có thể cảm nhận sự hiện diện và vị trí của mình trong xã hội.
Nếu thành tích của trẻ ấn tượng hơn, các em sẽ nhận được sự vỗ tay, chúc mừng từ tất cả thành viên trong gia đình. Người Do Thái tin rằng việc được khuyến khích sẽ nâng cao lòng tự trọng, thúc đẩy tinh thần và cung cách làm việc của trẻ.
2. Dạy con tôn thờ trí tuệ
Người Do Thái có một tôn chỉ sống đặc biệt: "Người có trí tuệ là người hạnh phúc. Địa vị của học thức còn cao hơn địa vị của Quốc vương"… Trong văn hóa lâu đời của dân tộc này, trí tuệ, kiến thức luôn được sùng bái và coi trọng hết mực.
Bố mẹ Do Thái luôn dạy con cái: "Nếu nhà mình bị cháy, con cần mang theo trí tuệ của mình, vì trí tuệ sẽ mãi mãi ở bên cạnh con, không ai có thể lấy trí tuệ của con".
Họ dạy con biết quý trong sách vở, chăm chỉ học hành để có kiến thức uyên bác. Không chỉ cổ vũ, bố mẹ còn hướng dẫn con khả năng tự học, tiếp nhận kiến thức thông qua nhiều hình thức như thu thập, lựa chọn tài liệu hợp lí, giao lưu với nhiều người để học hỏi,... Với người Do Thái, không bao giờ là quá muộn cho việc học tập.
3. Cha mẹ không kiểm soát, áp đặt trẻ
Với người Do Thái, mô hình “giáo dục một chiều”, khi mà cha mẹ hay thầy cô luôn ra lệnh cho trẻ mà không hiểu đứa bé muốn gì là một phương pháp phản giáo dục.
Dù là ở trường hay ở nhà, chúng ta cũng nên lấy đứa trẻ làm trung tâm cho việc dạy và học. Trước khi lên kế hoạch dạy điều gì và dạy như thế nào, hãy thử tìm hiểu xem bé muốn gì và dạy theo thiên hướng của trẻ.
Sự áp đặt của cha mẹ cũng như thầy cô rất dễ gây nên sự nhàm chán đối với trẻ. Từ sự chán nản, các biểu hiện tiêu cực hơn như: chống đối, bất hợp tác, nghịch ngợm, quậy phá... sẽ dễ dàng xuất hiện. Vì vậy, sự tương tác hai chiều là rất cần thiết trong quá trình dạy và học.
Trẻ Do Thái thường tự quản lý thời gian của mình và cha mẹ Do Thái cảm thấy không cần thiết phải lập trình từng thời gian hoạt động cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái cũng không có thói quen can thiệp vào hoạt động của con nên nếu trong quá trình con và bạn chơi với nhau, trẻ có những xung đột thì người lớn cũng ít khi can thiệp mà để cho các bé tự giải quyết.
4. Dạy con tự lập ngay khi còn nhỏ
Người Do Thái có câu nói nổi tiếng là: "Bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con", ý nói hãy chỉ hướng dẫn, tư vấn cho con, đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc. Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) vì điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con và chỉ đầu độc con mà thôi. Đây cũng là cách người Do Thái áp dụng trong việc rèn luyện tính tự lập và quyết đoán của con cái mình ngay từ khi còn nhỏ.
Sara Imas, tác giả của cuốn sách "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" đã viết: "Tình yêu đối với con cái của một số cha mẹ Trung Quốc giống như hình tử cung, họ luôn muốn bao bọc chúng trong tình yêu thương vô điều kiện của mình suốt cuộc đời.
Còn tình yêu của các bậc cha mẹ Do Thái đối với con cái tựa như hình một đống lửa, tình yêu đó được dằn sâu trong lòng dưới vẻ ngoài sắt đá và cứng cỏi. Họ chỉ là một ngọn lửa rực sáng, soi rọi con đường phía trước cho con cái, để chúng có thể tự học cách sinh tồn và vươn lên trong cuộc đời".
5. Uốn nắn thay vì trừng phạt
Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ không phạt trẻ bằng cách lấy khỏi trẻ thứ gì đó. Thay vào đó, họ đặt ra một vài quy tắc nhất định khiến trẻ phải tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Vì vậy, tư duy của trẻ không gói gọn trong sự nghiêm khắc hay những hình phạt của cha mẹ, mà trẻ học được cách điều chỉnh bản thân theo hướng tốt hơn.
Cha mẹ Do Thái hiểu rằng con mình đang trong quá trình lớn lên, khám phá và học hỏi. Nên việc trẻ phạm sai lầm là chuyện bình thường và họ chấp nhận những sai lầm đó của trẻ. Ngoại trừ trong những tình huống gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng thì trẻ em Do Thái hoàn toàn được tự do khám phá và được quyền làm sai.
Nếu buộc phải trừng phạt con, cha mẹ Do Thái cũng tránh mỉa mai, móc nhiếc bọn trẻ. Họ cho trẻ có một không gian yên tĩnh để suy xét lại hành động, lời nói của mình, từ đó trẻ mới dễ dàng tiếp thu lời nói của cha mẹ.
Khi lên cơn nóng giận, cha mẹ Do Thái chọn cách lánh mặt hoặc giữ im lặng, sau đó khi đã bình tĩnh, họ chọn cách nói ra tâm trạng của mình cho con hiểu.
Đặc biệt, họ không bao giờ nổi giận với con trước mặt người khác đồng thời tìm cách xoa dịu để bù đắp cho trẻ, đôi khi chỉ là bằng một nụ hôn, một cái ôm, hoặc một câu nói "Mẹ yêu con".