1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nghệ An “loay hoay” với giãn cách học sinh

(Dân trí) - Trong khi phụ huynh băn khoăn với việc kê thêm bàn, tách lớp thì các trường cũng "loay hoay" giãn cách học sinh để phòng dịch Covid-19.

Phụ huynh băn khoăn

Từ ngày 4/5, hai bậc học còn lại ở Nghệ An là Tiểu học và Mầm non chính thức trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học phòng chống dịch Covid-19.

Cũng giống như các cấp học khác, hai bậc học này cũng phải đảm bảo các quy định về phòng dịch, bao gồm cả việc giãn cách chỗ ngồi.

Nghệ An “loay hoay” với giãn cách học sinh - 1
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An (ở giữa) kiểm tra thực hiện giãn cách ở các trường học.

Chị Nguyễn Thị Mai (xã Nghi Kim, TP Vinh) cho biết: “Nhà tôi có 2 cháu, một cháu học lớp 4, một cháu học lớp 2.

Theo quy định mới thì hai cháu học hai buổi, nhà trường không tổ chức bán trú nên ngày 4 lượt đưa đón hai con đi học. Vất vả một chút nhưng để đảm bảo an toàn cho các cháu thì hai vợ chồng cũng cố gắng sắp xếp công việc được.

Nghe nhà trường thông báo sẽ kê thêm bàn ghế vào phòng học để đảm bảo giãn cách, tôi sắm bình nước, sát khuẩn, khẩu trang và dặn dò con thêm cũng yên tâm phần nào”.

Trong khi đó, chị Song Hà (phường Vinh Tân, TP Vinh) lại hết sức băn khoăn khi nhận được thông tin nhà trường sẽ tổ chức bốc thăm để tách học sinh tổ chức thêm lớp mới để đảm bảo giãn cách theo quy định.

Nghệ An “loay hoay” với giãn cách học sinh - 2
Để đảm bảo công tác phòng dịch, ngoài việc giãn cách học sinh, các trường học trên địa bàn Nghệ An bố trí đủ máy đo thân nhiệt, bồn rửa tay, sát khuẩn...

“Các cháu quen cô, quen bạn rồi, giờ nhỡ bắt trúng thăm phải sang học lớp ghép như vậy sẽ rất hụt hẫng. Nghe cháu bảo nếu phải tách lớp thì không đi học, tôi vừa thấy tội, vừa thương con quá bởi sau thời gian dài nghỉ học, cháu rất háo hức trở lại trường gặp bạn, gặp cô”, chị Hà cho hay.

Các phụ huynh có con học tiểu học cũng tỏ ra băn khoăn và cho rằng việc giãn cách trong lớp không phải là biện pháp phòng dịch tối ưu trong các trường học hiện nay.

“Các cháu còn bé, lại hiếu động, nhanh quên. Trong lớp thì ngồi cách xa nhau nhưng ra chơi lại ùa vào, ôm vai bá cổ nhau. Nhà trường, giáo viên quản lý được trong lớp chứ có quản lý, nhắc nhở được các cháu suốt thời gian ở trường không?”, chị Lê Chung (phường Hà Huy Tập, TP Vinh) đặt câu hỏi.

Nghệ An “loay hoay” với giãn cách học sinh - 3
Ngày đầu tiên đến trường sau kỳ nghỉ dài, các học sinh được giáo viên nhắc nhở việc mang khẩu trang, sử dụng bình nước riêng, sát khuẩn...

Nhiều phụ huynh cũng đồng quan điểm, Nghệ An là tỉnh chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19 trên địa bàn, về dịch tễ thì vẫn cơ bản an toàn.

Việc tổ chức giãn cách bằng việc tách lớp có thực sự cần thiết bởi sẽ gây xáo trộn không nhỏ đối với cô và trò khi phải mất một thời gian để làm quen với lớp mới, cô mới.

Các trường “toát mồ hôi” thực hiện giãn cách

Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Sở đã có hướng dẫn giãn cách cụ thể cho các trường, các địa phương. Các trường cũng có thể chủ động trong quá trình giãn cách, tuy nhiên cần cân nhắc khi thực hiện để tránh làm xáo trộn việc dạy và học cũng như tâm lý của phụ huynh, học sinh.

Thực hiện quy định về giãn cách, các trường học ở Nghệ An đã chia thời gian học cho các khối lớp thành 2 buổi riêng, học cả thứ 7, không tổ chức bán trú và các hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, ở những trường có sỹ số học sinh/lớp học lớn, việc giãn cách học sinh trong lớp học hết sức khó khăn.

Nghệ An “loay hoay” với giãn cách học sinh - 4
Ngày 4/5, học sinh tiểu học và mầm non tại Nghệ An là hai bậc học cuối cùng trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ chống dịch Covid-19.

Ngoài thực hiện các quy định phòng dịch, giãn cách trong lớp học, tổ chức các lớp ra chơi tại chỗ, Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Vinh) thành lập mỗi khối thêm 1 lớp để đảm bảo công tác phòng dịch.

Đây cũng là phương án được khá nhiều trường lựa chọn tuy nhiên sau khi có ý kiến của phụ huynh, trường đã dừng việc tách lớp và tìm phương án khác.

Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP Vinh, Nghệ An) tổ chức phân khối theo buổi học, bố trí các lớp cách nhau 1 phòng học, kê thêm bàn ghế trong lớp để đảm bảo khoảng cách tối thiếu giữa các học sinh là 1m.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức giờ ra chơi luân phiên giữa các lớp, cách nhau 10 phút, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm có mặt ở lớp học suốt buổi để quản lý, nhắc nhở học sinh giữ khoảng cách an toàn.

Nghệ An “loay hoay” với giãn cách học sinh - 5

Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP Vinh, Nghệ An) đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp. (Ảnh: L.H)

“Đối với khối lớp 5, do sĩ số lớp học khá đông, khó đảm bảo giãn cách trong lớp học nên nhà trường có kế hoạch tổ chức bắt thăm để bố trí 1 lớp mới.

Tuy nhiên, khi đưa ra tham khảo ý kiến phụ huynh thì phần lớn không đồng tình do lo sợ xáo trộn tâm lý, ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Bởi vậy, nhà trường phải thay đổi phương án, bố trí giãn cách chỗ ngồi trong lớp, đối với lớp đông học sinh nhất thì chuyển lên học ở phòng hội đồng”, bà Trần Thị Mận - Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

Ông Phùng Đức Nhân - Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho biết: “Nếu phải tách lớp thì thực sự rất khó khăn cho Phòng và các trường trên địa bàn.

Bên cạnh gây xáo trộn tâm lý các cháu, các trường cũng không đủ giáo viên để bố trí người đứng lớp tăng thêm này bởi hiện định biên các trường, đặc biệt là tiểu học còn thiếu, mới chỉ đạt 1,09 giáo viên/lớp.

Thuận lợi của thị xã Cửa Lò là các trường mới xây, phòng học khá rộng rãi. Phòng cũng chỉ đạo các trường rà soát, chọn phòng học rộng để tăng thêm bàn ghế, đảm bảo giãn cách trong trường học”.

Nghệ An “loay hoay” với giãn cách học sinh - 6
Với việc dọn tủ ra ngoài lấy không gian để kê thêm bàn ghế, các trường học tại Nghệ An cố gắng đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m giữa các học sinh trong lớp. Tuy nhiên cũng có trường tách học sinh, tổ chức thêm lớp mới để đảm bảo giãn cách.

Theo tính toán của Sở GD&ĐT Nghệ An, kinh phí chi trả cho giáo viên để tách lớp thực hiện yêu cầu giãn cách học sinh cho các cấp học trong toàn tỉnh đến giữa tháng 7 là khoảng 30 tỷ đồng.

Với điều kiện khó khăn hiện nay thì ngân sách tỉnh không có kinh phí để cấp bù, bởi vậy ngành giáo dục đang kêu gọi cán bộ, giáo viên “mỗi người phải làm việc bằng 2” trong thời điểm này.

Hoàng Lam