Ngày xuân ngẫm chuyện Tết thầy

Câu chuyện về đạo thầy trò ngày nay đã có nhiều đổi khác, chuyện Tết thầy cũng có nhiều cách hiểu, cách quan niệm hơn.

Truyền thống trọng thầy, trọng chữ không chỉ gắn với ngày Tết mà còn xuất phát từ lịch sử và truyền thống xây dựng đất nước của người Việt Nam. Câu nói “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” vẫn thường được nhắc nhở như một giá trị truyền thống tốt đẹp khi Tết đến xuân về. Tuy nhiên, mối quan hệ thầy-trò nay đã khác và chuyện Tết thầy nên chăng cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn.

Khác với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, ngày Tết cổ truyền Việt Nam mang đậm tính chất cầu lộc, cầu an và chúc phúc. Trong những ngày lễ tạ ơn đó thì cha mẹ, thầy cô là những người gần gũi và có công dìu dắt ta nên người.

Lý giải về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình của Viện Ngôn ngữ và Từ điển học cho biết: “Cha mẹ là những người sinh thành nên chúng ta. Còn người thầy, là những người đã có công dưỡng dục, truyền dạy cho chúng ta trưởng thành thành những người giỏi giang, có ích. Và mùng 3 vẫn là ở trong ba ngày Tết. Lúc đi Tết thầy, đó là lúc điều kiện tương đối rảnh rang. Sau khi lo việc thờ cúng tổ tiên, chúc tụng những người trong gia đình mình thì một trong những người tuy không phải ruột thịt nhưng đối đãi mình cũng giống như ruột thịt: đó là những người thầy. Việc “mùng 3 Tết thầy”như lời nhắc nhở rằng chúng ta lớn lên, chúng ta trưởng thành là bởi rất nhiều người bên cạnh chúng ta, trong đó có người thầy”.
 
Tuy vậy, câu chuyện về đạo thầy trò nay có nhiều đổi khác, chuyện Tết thầy cũng có nhiều cách hiểu, cách quan niệm hơn. Giáo dục đang được xã hội hóa, mối liên hệ giữa thầy - trò cũng gần gũi hơn về mặt không gian và thời gian. Không còn chuyện như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát xưa kia đến thăm thầy giáo Chu Văn An “khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm”.

Thầy - trò bây giờ có thể gặp nhau dễ dàng hơn, thậm chí nếu không gặp trực tiếp có thể liên lạc qua các phương tiện hiện đại như điện thoại, email hay mạng xã hội. Phụ huynh cũng có thể liên lạc với thầy cô giáo bất cứ lúc nào.

Anh Nguyễn Trương Quý - biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ chia sẻ: “Tôi nghĩ công nghệ đã làm thay đổi chúng ta. Vì thế, nó cũng làm cho câu chuyện đầu năm đến thăm thầy cũng giảm. Tất nhiên, không vì thế mà sự tôn trọng thầy giảm đi. Tết tôi vẫn đến thăm thầy cô giáo, nhiều khi cũng là niềm vui. Thầy cũng như cha mẹ mình, là bậc bề trên, nhiều khi họ cũng muốn gần gũi, gặp gỡ . Có nhiều khó khăn của tuổi tác hay sự cô độc khi về già nên mình phải lắng nghe câu chuyện của họ nhiều hơn”.

Cốt lõi giá trị truyền thống trọng thầy, trọng chữ của người Việt là đáng quý. Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Phương Lựu nhấn mạnh: tôn trọng thầy, quý thầy là giá trị mà các thế hệ người Việt Nam nên gìn giữ. Nhưng do hoàn cảnh khách quan cần hiểu sự tôn quý không thể theo cách nghĩ như ngày xưa nữa.

“Câu nói của dân gian đã ghi lại tâm thức của một dân tộc, vẫn còn đúng với bây giờ. Nhưng đừng hiểu như ngày xưa. Nói một cách thực tế, nếu ngày xưa mùng 3 anh không đi đến thầy là anh sai. Nhưng bây giờ, thậm chí là học trò thân yêu, nhưng nếu nhỡ chưa đến thăm mình thì cũng đừng trách. Bây giờ có nhiều việc, ngay cả đối với thầy thì cũng có nhiều thầy cô chứ đâu chỉ có mỗi mình”, Giáo sư Phương Lựu bày tỏ.

Nhà giáo Đặng Anh Đào - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cho rằng, chuyện Tết thầy không nên hiểu cố định là ngày mùng 3 nữa. Mỗi dịp thầy trò gặp nhau đều quý, cũng không nên quan trọng chuyện quà tặng, vật chất. Giá trị của người thầy vẫn là tri thức và tấm lòng truyền lại cho học sinh: “Bao giờ tôi cũng có những người bạn trẻ, làm cho tôi cảm thấy mình phải làm việc và đuổi theo họ. Không làm việc thì không có niềm vui. Mình phải làm sao giúp đỡ sinh viên của mình tốt nhất và vô tư nhất. Cho nên, có thể nói tôi đã có những học sinh dù chỉ gặp thoáng trong đời, ví dụ chỉ hướng dẫn luận văn tiến sĩ, thạc sĩ cho họ trong mấy tháng nhưng dù họ đi ra nước ngoài, tôi có dịp sang thì bao giờ cũng đón tôi đến nhà, thậm chí là nuôi cô giáo”.

Mối quan hệ thầy - trò hiện nay được đặt trong bối cảnh chung với nhiều mối quan hệ khác nhau trong dòng chảy cuộc sống nhanh và rộng. Chuyện Tết thầy cũng có nhiều cách nghĩ và thể hiện khác với lối nghĩ truyền thống trước đây. Tuy nhiên, những giá trị tốt đẹp của tình thầy trò vẫn rất thiêng liêng, cao cả và mỗi người nên tìm cho mình một cách ứng xử phù hợp để đền đáp công ơn của thầy cô.
 
Theo VOV News