Ngành Luật Kinh tế, cơ hội việc làm có nhiều?

(Dân trí) - HV Tài chính hay HV Ngân hàng có tuyển sinh khối D1 cho các ngành Kinh tế không? Ngành Tài chính ngân hàng có bị bão hòa trong tương lai? Thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ thi đại học? ĐH Bách khoa Hà Nội có phân ngành sau khi trúng tuyển?

Năm nay HV Tài chính hay HV Ngân hàng có tuyển sinh khối D1 cho các ngành kinh tế không? Hay chỉ tuyển khối D1 cho ngành Ngôn ngữ Anh kinh tế? (namnt2208@gmail.com)

Theo lãnh đạo của 2 trường, tuyển sinh năm nay của trường giữ ổn định như các năm trước, ngành thi và khối thi không thay đổi.

Tôi có cháu gái đang học lớp 12 chuyên Pháp ở Hải Dương. Năm nay cháu muốn thi vào Đại học Ngoại thương. Tôi nhờ ban tư vấn tuyển sinh cho biết cháu có thể đăng kí vào ngành nào và triển vọng của các ngành đó sau khi ra trường. Nếu đủ điểm chuẩn vào trường mà không đủ điểm vào ngành đã đăng kí thì có thể chuyển vào những ngành nào? (liverius2997@yahoo.com.vn)

Cháu bác có thể đăng ký vào ngành Kinh tế đối ngoại bởi ngành này tuyển sinh tiếng Pháp. Học ngành Kinh tế đối ngoại, sinh viên sau khi ra trường có thể trở thành cán bộ hoạch định chính sách hoặc cán bộ làm việc tại bộ phận Kinh tế Đối ngoại và hợp tác quốc tế của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương (các Bộ, Ban, Ngành, Sở…). Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo Đại học, Viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Kinh tế, thương mại và tài chính quốc tế; cán bộ nghiên cứu, tư vấn tại các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước trong lĩnh vực Kinh tế quốc tế và Kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, có thể là cán bộ quản lý, chuyên viên tại các doanh nghiệp (trong và ngoài nước) có liên quan đến các yếu tố quốc tế như xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư quốc tế, kinh doanh quốc tế… Do vậy, cơ hội việc làm rất lớn.

Nếu thí sinh đủ điểm vào trường theo từng khối thi nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đã đăng ký thi ban đầu thì đăng ký chuyển sang các ngành và chuyên ngành cùng khối thi còn chỉ tiêu.

Cháu có nguyện vọng thi vào các trường khối ngành kinh tế, cháu đọc trên báo được biết ngành ngân hàng hiện đang có xu hướng bão hòa. Vậy nếu đăng kí vào ngành ngân hàng thì cơ hội xin việc như thế nào. Về chuyên ngành Tài chính quốc tế, năm 2009 đến nay chênh lệch điểm khá nhiều, có năm lên tới 26 điểm. Cháu muốn hiểu rõ hơn về ngành này, cụ thể là về cơ hội xin việc làm, khi ra trường có bão hòa như ngành ngân hàng không. Hơn nữa là ngành này trong năm nay xu hướng "lấy điểm trúng tuyển" sẽ biến động thế nào? (hoaboconganh_bay_tan_tronggio@yahoo.com.vn)

Đó chỉ là dự báo của một số chuyên gia, còn nhiều chuyên gia vẫn nhận định ngành Tài chính ngân hàng vẫn luôn khát nhân lực. Cháu thích ngành ngân hàng thì cháu cứ đăng ký vì nếu làm đúng nghề mình thích, cháu sẽ có nhiều cơ hội thành công. Cơ hội xin việc làm tùy thuộc vào năng lực của chính bản thân cháu và nhiều cơ hội khách quan khác đem lại.

Chuyên ngành Tài chính ngân hàng Tài chính - Ngân hàng là một ngành khá là rộng. Ngành học này liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch, luân chuyển tiền tệ chính vì vậy nó có rất nhiều các lĩnh vực chuyên ngành hẹp mà tuy thuộc vào mục tiêu đào tạo của từng trường. Sinh viên ra trường có thể làm việc tại các Ngân hàng Nhà nước, Bộ tài chính. Nhiệm vụ của người tốt nghiệp ở lĩnh vực này là định hướng các chiến lược chính sách, chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa cho Chính phủ.

Ngành Tài chính ngân hàng là ngành “nóng” của nhiều trường đại học nên điểm chuẩn luôn luôn cao do thí sinh lượng sức mình để đăng ký dự thi vào. Do vậy, thường mấy năm trở lại đây, điểm chuẩn ngành này thường dao động từ 1 - 2 điểm.

Chỉ còn 1 tháng nữa là bắt đầu nộp hồ sơ thi ĐH. Vậy khi nào các trường ĐH mới thông báo các thông tin tuyển sinh, Bộ GD mới thông báo lịch thi. Và nếu thông báo thì em phải xem ở đâu?. (huong_kenh@yahoo.com.vn)

Hiện nay các trường đang dần dần thông báo phương án tuyển sinh. Sau hội nghị tuyển sinh ngày 14/2, Bộ GD-ĐT sẽ chính thức công bố phương án tuyển sinh năm 2012, đến cuối tháng 3, Bộ sẽ công bố cuốn “Những điều cần biết” về tuyển sinh trong đó có lịch nộp hồ sơ, lịch thi và đầy đủ thông tin của các trường. Em có thể theo dõi trên mục Giáo dục - báo điện tử Dân trí để biết thông tin cụ thể.

Trường đại học Bách khoa Hà Nội phân ngành ngay sau khi trúng tuyển hay là học 1 năm sau đó mới được phân vào ngành mà mình đã trúng tuyển? (hocngu_baothu@yahoo.com.vn)

ĐH Bách khoa Hà Nội xét điểm chuẩn trúng tuyển theo khối thi và nhóm ngành. Bên cạnh điểm chuẩn cho từng nhóm ngành trường sẽ đưa ra điểm sàn cho mỗi khối thi. Thí sinh không đạt điểm chuẩn vào nhóm ngành đăng ký nhưng đạt điểm sàn của khối thi sẽ được xét tuyển vào một nhóm ngành hoặc vào chương trình có điểm chuẩn thấp hơn nếu thí sinh có nguyện vọng. Trường phân ngành ngay sau khi thí sinh trúng tuyển vào trường.

Cho em hỏi học ngành Luật Kinh tế ở ĐH Mở Hà Nội thi sau này sẽ như thế nào? Việc làm ra sao? (boy_cute9x67@yahoo.com)

Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, ngoài việc trở thành luật sư (kinh tế, dân sự, tranh tụng trách nhiệm đối với sản phẩm…), những công việc tương đồng cũng có thể thích hợp với bạn như: Làm chủ doanh nghiệp; kinh doanh chứng khoán; cố vấn tài chính; thẩm định giá; giám đốc quản trị rủi ro; bảo hiểm; ngân hàng…

Theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những nội dụng trọng yếu của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020: "Từ nay đến năm 2015, phát triển số lượng khoảng 12.000 luật sư, mỗi năm được từ 800 đến 1.000 luật sư, trong đó tại mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn phát triển được từ 2 đến 3 luật sư”.

Chiến lược đề ra mục tiêu là đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng từ 18.000 - 20.000 luật sư, đạt tỷ lệ số luật sư trên số dân khoảng 1/4.500 đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tại mỗi địa phương có khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội có từ 30-50 luật sư, bảo đảm tham gia 100% số lượng các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; số luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế là khoảng 150 người.

Như vậy, cơ hội việc làm của ngành Luật trong tương lai rất cao. Chúc bạn thành công.

Ban Tư vấn tuyển sinh