Ngành Khoa học đất học như thế nào?

(Dân trí) - Cho em hỏi, ngành khoa học đất đào tạo như thế nào? Nghề này ra trường làm việc ở đâu? (Học sinh lớp 12 Nguyễn Thanh Bình, Thành phố Lào Cai)

Trả lời:

Ngành Khoa học đất, trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản hiện đại và thực tế ở Việt Nam, kiến thức cơ sở về địa chất, khoáng vật, phân tích các đối tượng đất, nước, phân bón, thực vật; những kỹ năng thông qua nghiên cứu khoa học và thực tập thiên nhiên, phân tích và nhận biết các mối quan hệ trong các quá trình hình thành đất, các loại đất ngoài thực địa và phương pháp đánh giá, tổng hợp các số liệu phân tích.

Lý giải mối quan hệ biện chứng giữa các quá trình trong đất - nước - phân bón và cây trồng. Kiến thức chuyên sâu về Khoa học đất và môi trường đất theo hướng sử dụng hợp lý tài nguyên cho sự phát triển nông lâm nghiệp và môi trường trên quan điểm sinh thái học và phát triển bền vững; quy hoạch sử dụng đất đai, đánh giá tác động của các quá trình sử dụng đến tài nguyên và môi trường đất.

Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học hoặc làm công tác quản lý ở các trường đại học, cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu, các bộ, ngành, các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Khoa học và Công nghệ; trực tiếp lập các dự án về quản lý và sử dụng đất, đề xuất các biện pháp cải tạo và đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến môi trường đất-nước, đến các hệ thống nông nghiệp, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và quy hoạch môi trường đất hoặc trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên đất, nước. Các lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, hoặc được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Một số hướng nghiên cứu khoa học chủ yếu: Hoá học đất, dinh dưỡng khoáng và cây trồng; Các quá trình thoái hóa đất và biện pháp cải tạo đất thoái hóa: Quá trình sa mạc hóa, phèn hóa, mặn hóa, chua hóa đất... ; ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế xã hội, các tác động của sự thay đổi các điều kiện tự nhiên đất, nước, không khí,… ; Xử lý chất thải nông nghiệp, triển khai ứng dụng trong thực tế,… ;

Sự tích lũy, ô nhiễm đất, các quá trình lan nhiễm, tác động đến môi trường và hệ sinh thái, các biện pháp kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường đất; Qui hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đất; Ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu và quản lý tài nguyên đất; Hệ thống nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái học và sản xuất nông nghiệp bền vững; Sinh thái môi trường đất.

Ban Giáo dục (Nguồn ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn – ĐH QGHN)

(Email: tuyensinh@dantri.com.vn)