Nâng cao ứng xử văn hóa trong nhà trường

(Dân trí) - Nâng cao chất lượng xây dựng quy ước ứng xử văn hóa trong nhà trường theo hướng đi vào các vấn đề thiết thực trong trường, xuất phát từ ý kiến của học sinh chứ không chỉ là lấy từ điều lệ, nội quy nhà trường.

Đây là một trong những lưu ý của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương trong quá trình mở rộng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (XDTHTT-HSTC).

Bộ GD-ĐT cho biết, kết quả kiểm tra phong trào thi đua “XDTHTT-HSTC” tại một số tỉnh thuộc 6 vùng thi đua cho thấy cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp và an toàn hơn nhiều so với trước. Ở nhiều nơi, diện tích đất nhà trường được mở rộng, tường rào, cổng trường được xây mới hoặc chỉnh trang lại; các phòng học được đầu tư tốt hơn, thiết bị dạy học được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau.

Việc xây dựng đủ nhà vệ sinh được đặc biệt chú trọng; nhiều lãnh đạo ở một số địa phương đã có sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao tổ chức thực hiện phong trào này. Các ban ngành đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện “3 đủ” cho học sinh, hầu như không còn tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở.

Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cũng được ghi nhận là thân thiện hơn. Học sinh tích cực trong giao tiếp, tự tin trong học tập, rèn luyện và vui chơi. Hầu hết các nhà trường đều chú trọng giáo dục kỹ năng sống thông qua một số công việc cụ thể. Việc xây dựng nội quy của giáo viên, nội quy của học sinh dựa trên điều lệ trường học, xây dựng và ban hành quy tắc ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường đã tạo môi trường giáo dục thân thiện, phòng ngừa bạo lực và tệ nạn xã hội tốt hơn.

Đặc biệt, 100% các tỉnh được kiểm tra có số lượng HS bỏ học giảm rõ rệt; số hiệu trưởng, hiệu phó được tập huấn về đổi mới công tác quản lý đạt trên 90%; tỷ lệ giáo viên được tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy tăng; 5 tỉnh có tỷ lệ HS giỏi học kỳ I năm học 2010-2011 tăng so với năm học trước.

Tuy nhiên, cũng theo kết quả kiểm tra, tại các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa, việc tổ chức các hoạt động tập thể còn nhiều khó khăn. Một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến phong trào này. Kết quả học tập, rèn luyện của HS trong trường không đồng đều. Cá biệt, vẫn còn học sinh bỏ học vì thiếu sự động viên của gia đình hoặc do học lực yếu.

Một số trường còn thiếu giáo viên. Tình trạng dạy học theo kiểu đọc chép đã giảm song vẫn còn. Ở một số nơi, việc ứng dụng CNTT trong dạy học còn mang tính hình thức, thay vì độc-chép chuyển sang nhìn-chép. Nhận thức của một số cán bộ, giáo viên trong trường, cơ quan quản lý giáo dục ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức…

Chính vì thế để giải quyết những mặt hạn chế trên, ngoài vấn đề nâng cao ứng xử văn hóa trong nhà trường thì các địa phương cũng cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho HS và nâng cao năng lực giảng dạy kỹ năng sống cho cán bộ, giáo viên. Xây dựng hệ thống câu lạc bộ để tạo điều kiện cho HS chủ dộng, tích cực tham gia học tập thông qua các hoạt động.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị mỗi tỉnh cần xây dựng mô hình THTT-HSTC ở mỗi cấp học để nhân rộng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sáng kiến, kinh nghiệm trong từng trường, trong tỉnh. Đặc biệt là cần phải cụ thể hóa nội dụng trường học an toàn, đi học an toàn…

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm