Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhiều hoạt động dành cho giáo viên phát triển chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học đã diễn ra thời gian qua, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.

Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số là điều kiện tất yếu để xây dựng trường học thông minh trong thời đại 4.0. Để thực hiện điều đó, không thể thiếu quá trình nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý nhà trường.

Thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục - 1

Chuyển đổi số được chú trọng trong lĩnh vực giáo dục (Nguồn: Freepik).

Khoa học công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành giáo dục. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa trải qua 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, việc ứng dụng các giải pháp số đã trở thành hướng đi mới trong việc dạy và học.

Tại cuộc họp về dự thảo Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025" được tổ chức tháng 11/2021 do Bộ GD và ĐT chủ trì, ngành giáo dục đã khẳng định tính cấp thiết, thời sự của chuyển đổi số trong giáo dục.

"Ngành giáo dục xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục. Đây không phải công việc một sớm một chiều có thể thực hiện, song phải bắt đầu ngay và làm thường xuyên. Kỳ vọng 5-10 năm sau, công cuộc chuyển đổi số của ngành sẽ đạt kết quả", lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, thời gian qua, nhiều chính sách về chuyển đổi số được ban hành. Hiện có 63 cơ sở và 710 phòng giáo dục đào tạo đã triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho giáo dục. Ngoài ra, 82% các trường thuộc khối phổ thông đã sử dụng phần mềm để quản lý trường học. Trong thời gian giãn cách xã hội, có hơn 7 triệu học sinh tham gia học trực tuyến. Việc học và dạy online cũng được duy trì sau khi bước vào "bình thường mới".

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình chuyển đổi số vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập như: việc tiếp cận về kiến thức trực tuyến ở vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn; chưa có sự đồng nhất về phương tiện điện tử đáp ứng việc dạy và học; hệ thống pháp lý và ứng dụng các phần mềm quản lý chưa hoàn thiện.

Từ đó, Bộ GD và ĐT đề ra giải pháp mang tính chiến lược nhằm hạn chế những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số; hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục; xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ hiện đại đáp ứng việc dạy và học; hoàn thiện hệ thống pháp lý.

Trong đó, việc nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số là điều rất quan trọng. Việc bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ, khuyến khích sáng tạo các giải pháp số trong dạy học đối với đội ngũ này sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của thời đại.

Giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số giáo dục

Nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học và quản lý nhà trường, vừa qua, Bộ GD và ĐT phối hợp Microsoft Việt Nam tổ chức Lễ phát động Diễn đàn "Đổi mới sáng tạo Giáo dục Việt Nam trên nền tảng công nghệ thông tin 2022 - 2023" (Education Exchange Vietnam - viết tắt E2 Việt Nam).

Mục đích của diễn đàn là tạo một sân chơi dành cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục toàn quốc để giao lưu, học hỏi, chia sẻ và phát triển chuyên môn nghề nghiệp về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà trường, giảng dạy và học tập.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục - 2
Diễn đàn "Đổi mới sáng tạo Giáo dục Việt Nam trên nền tảng công nghệ thông tin 2022 - 2023" chính thức được phát động (Ảnh: Microsoft).

E2 Việt Nam là "sân chơi" do Microsoft Việt Nam tổ chức hằng năm, với tiền thân là cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ GD và ĐT phối hợp Microsoft Việt Nam tổ chức từ năm 2014.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: "Tôi tin tưởng rằng diễn đàn sẽ là hoạt động thiết thực trong công tác phát triển bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nhà trường và tăng cường năng lực ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy và học của cán bộ, giáo viên, học sinh".

Cũng tại buổi Lễ phát động Diễn đàn E2 Việt Nam, Microsoft đã vinh danh và trao chứng nhận cho 12 "Trường học điển hình Microsoft" (Microsoft Showcase School) và 519 "Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft" (Microsoft Innovative Educator Expert - viết tắt là MIEE) trong năm học 2022 - 2023.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giáo dục - 3
Microsoft vinh danh các "Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft" năm học 2022 - 2023 (Ảnh: Microsoft).

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành - một trong 12 trường đạt danh hiệu "Trường học điển hình Microsoft 2022" chia sẻ, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dạy học là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành.

"Chúng tôi rất tự hào khi được công nhận là Trường học điển hình Microsoft. Điều này đã ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, là động lực để chúng tôi tiếp tục đổi mới, sáng tạo và cống hiến cho giáo dục nước nhà", bà Anh nói thêm.

Diễn đàn E2 Việt Nam sẽ diễn ra từ 30/10/2022 đến 25/3/2023. Bên cạnh cuộc thi E2, diễn đàn năm nay còn mở rộng quy mô hơn với chuỗi hoạt động tập huấn, sự kiện, hội thảo,… dành cho nhiều lãnh đạo giáo dục cấp sở - phòng GD và ĐT, cán bộ quản lý cấp trường, các giáo viên, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm