Nan giải bài toán cử nhân thất nghiệp

Số liệu tổng kết tình hình kinh tế- xã hội quý I/2015 cho thấy nền kinh tế đang ấm lên, với sự hồi phục đáng kể của khối doanh nghiệp cũng như chỉ số tăng trưởng GDP cao (6,03%), chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức độ hợp lý. Đó là cơ sở để dự báo kinh tế năm 2015 phát triển tốt. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ở mức cao vẫn là vấn đề nóng.

Số
  thanh niên đăng ký tìm kiếm việc làm là rất đông

Số thanh niên đăng ký tìm kiếm việc làm là rất đông

Tại phiên giải trình của Chính phủ ngày 24-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận báo cáo Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: tổng số người tốt nghiệp có trình độ ĐH, CĐ năm 2011 là 318.400 người; năm 2012 là 402.300 người; năm 2013 là 425.200 người.

Giai đoạn 2011-2014, số lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng lên qua các năm, so sánh năm 2014 với năm 2010, tỷ lệ lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng 38%. Tuy nhiên, vẫn theo Bộ trưởng Luận, số lao động trình độ ĐH, CĐ trong độ tuổi lao động thất nghiệp thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm, Cụ thể, số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%.

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì đến thời điểm 31-12-2014, dân số cả nước là 90,7 triệu người, trong đó có 54,4 triệu người thuộc lực lượng lao động. Cả nước đã có khoảng 1,2 triệu lao động thiếu việc làm (tỉ lệ 2,45%, trong đó khu vực thành thị là 1,18% và nông thôn là 3,01%) và gần 1 triệu lao động thất nghiệp chiếm 2,08%. Như vậy, số việc làm tạo ra dù tăng nhưng không theo kịp số người có nhu cầu tìm việc, vì vậy tỉ lệ thất nghiệp vẫn nóng bỏng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp nói chung và đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường nói riêng đã được các nhà quản lý, chuyên gia phân tích. Tuy nhiên, việc giải quyết vẫn rất nan giải. Cùng với đó là chất lượng lao động cũng có vấn đề.

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Đã vậy, vẫn diễn ra tình trạng mất cân đối cung - cầu. Thị trường lao động chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, trong khi đó tại nhiều nơi đang phải đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao.

Mặc dù vẫn có ý kiến khác nhau về thực tế thất nghiệp, nhất là đối với bộ phận lao động là sinh viên tốt nghiệp ra trường, nhưng nhìn chung việc giải quyết là khó khăn. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học Lao động và Xã hội), Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, Việt Nam sẽ có khả năng tạo thêm được 6 triệu việc làm (1/10 số việc làm tăng thêm đến năm 2025 của toàn bộ khối ASEAN), do tác động của xây dựng cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, 60% trong số việc làm này là việc làm yếu thế.

Trở lại vấn đề cử nhân thất nghiệp, theo Quy chế thực hiện 3 công khai mà Bộ GD-ĐT triển khai từ năm 2009, các trường ĐH, CĐ phải công bố trước xã hội về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường một năm.

Đáng chú ý, trong những công bố cách đây chưa lâu của một số trường đại học thì vấn đề sinh viên tốt nghiệp ra trường hình như… không căng thẳng. Ví dụ, ngày 4-12-2014, Trường ĐH Mở TP.HCM công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm khá cao: Trong 16 ngành đào tạo chính quy của trường thì các ngành có tỉ lệ thấp nhất là Xã hội học, Công tác xã hội, Đông Nam Á học thì cũng có tới là 72% có việc làm. Còn cao nhất là các ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng đều đạt tỉ lệ 96%.

Các ngành đào tạo hệ cao đẳng đạt tỉ lệ 88%. Với trường Đại học Hồng Bàng, con số còn "nổi bật” hơn khi công bố tỉ lệ sinh viên khóa 2009 - 2013 ra trường có việc làm của 18 ngành đào tạo đại học là 100%.

Ngược lại, trong số các trường báo cáo công khai năm học 2014 - 2015 về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, thì con số trường ĐH Hà Tĩnh công bố là khá khiêm tốn: Đối với khoá sinh viên 2010 - 2014 ngành SP Toán 33,5%, SP Vật lý 20%, SP Hoá 24,1%, SP Tiếng Anh 63,2%, GD Chính trị 20,7%, GD Tiểu học 50,9%, GD Mầm non 32,8%, Công nghệ thông tin 38,5%, Quản trị kinh doanh 31,7%, Kế toán 31,7%.

Như vậy, con số công bố về tỷ lệ sinh viên ra trường một năm vẫn thất nghiệp (hoặc có việc làm) của các trường rất khác nhau. Điều đó khó biết đâu thực đâu hư, dẫn tới tìm giải pháp xử lý là không dễ dàng gì. Đó là chưa nói đến bệnh thành tích thích con số đẹp, hoặc là thống kê không chính xác.

Nói về nguyên nhân các tân cử nhân khó tìm được việc làm, khó trụ tại một cơ sở lâu dài, ông Đàm Quang Thắng- Tổng giám đốc Cty TNHH Agricare Việt Nam cho rằng, cả 4 yếu tố là trình độ chuyên môn, thông tin, kiến thức thực tế, kỹ năng thực hành xã hội của họ đều có sự thiếu hụt.

Chính vì thế, theo giới chuyên gia lối thoát cho tình trạng thất nghiệp của tân cử nhân là thực hiện giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng. Đáng chú ý tại phiên giải trình ngày 24-4, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa lại cho rằng, Bộ chỉ tham mưu giúp Chính phủ về chính sách, tạo hành lang pháp lý trong điều hành thị trường lao động chứ không phải là cơ quan giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Nhưng, phát biểu đó đã được chính đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng) đặt vấn đề ngược lại: Vậy Bộ LĐTBXH đã tham mưu gì cho Chính phủ để tạo ra cơ chế phối hợp với các bộ ngành, các doanh nghiệp để đưa ra các dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, từ đó có hướng đào tạo ngành nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn?

Giải quyết việc thất nghiệp nói chung và nói riêng về bộ phận tân cử nhân cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhưng quan trọng là "quả bóng trách nhiệm” không bị đá qua đá lại. Chỉ có như vậy tình hình mới được cải thiện.

Theo Đại đoàn kết