Đắk Lắk:
Nam sinh phố núi sáng chế robot hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19
(Dân trí) - Nhằm giảm bớt những áp lực cho nhân viên y tế khi phải chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 hay bệnh truyền nhiễm, nam sinh lớp 11 đã sáng chế robot đảm nhận nhiều nhiệm vụ thay con người.
Robot thay nhân viên y tế làm việc ở môi trường dễ lây nhiễm bệnh
Vượt qua 117 sản phẩm dự thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk năm 2021, dự án "Robot hỗ trợ bệnh nhân truyền nhiễm sử dụng công nghệ IOT" của em Nguyễn Quốc Nguyên (lớp 11A9, trường THPT Chu Văn An) xuất sắc đạt giải Nhất
Dự án đã được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao về tính cấp thiết, thực tiễn và ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Đặc biệt, thiết bị có thể giúp đỡ, hỗ trợ cho ngành y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm.
Quốc Nguyên chia sẻ, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và mang đến nhiều lo lắng, áp lực cho cả các y, bác sĩ, nhân viên y tế. Bản thân Nguyên rất trăn trở và mong muốn đóng góp một phần công sức của mình trong công tác phòng chống dịch.
Do đó, Nguyên ấp ủ kế hoạch, lên ý tưởng thực hiện một con Robot có khả năng hỗ trợ, thay thế bác sĩ, nhân viên y tế trong việc điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh có nguy cơ truyền nhiễm cao như: Covid-19, lao phổi, sốt xuất huyết…
Nguyên cho biết thêm, robot sẽ đảm nhận nhiệm vụ tự động vận chuyển thức ăn, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm... từ ngoài vào các vùng bệnh và vận chuyển rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, đồ giặt từ buồng bệnh ra ngoài với tải trọng 50 - 60kg; phun khử khuẩn các buồng bệnh với cảm biến tránh các vật cản, không hư hại đến các vật dụng xung quanh khi di chuyển.
Robot của Nguyên đồng thời giúp y, bác sĩ giao tiếp được với bệnh nhân thông từ xa qua camera gắn trên thiết bị này.
Bước đầu thực hiện mô hình, Nguyên gặp không ít khó khăn khi thiết bị không được như ý muốn, gặp trục trặc ở các bó mạch điện tử khiến cậu học trò đôi lúc cảm thấy chán nản.
Tuy nhiên với sự hỗ trợ, động viên từ các thầy cô giáo nhà trường, nhất là cô giáo dạy Vật lý Nguyễn Thị Hồng Diệp nên Nguyên đã hoàn thiện được robot chỉ trong vòng một tháng rưỡi.
Nguyên bật mí, robot được lập trình tự động điều khiển từ xa qua hệ thống máy tính, điện thoại smartphone có kết nối internet rất tiện lợi. Thiết bị giúp giải quyết các công việc phức tạp, nơi có nguy cơ lây chéo ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lắp ráp nhanh chóng, giá cả lại hợp lý chỉ khoảng 5 triệu đồng/thiết bị.
"Thông qua sản phẩm em cũng muốn góp một phần nhỏ bé của mình giúp giảm bớt công sức lao động cho nhân viên y tế nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 rất dễ lây nhiễm. Em rất mong sản phẩm của em sẽ được lan tỏa và ứng dụng rộng rãi trong ngành y", Nguyên tâm sự.
Xây dựng ứng dụng cộng đồng học ngôn ngữ hiệu quả
Không chỉ Quốc Nguyên mà bạn thân của Nguyên là Trần Minh Giang (lớp 11A10, trường THPT Chu Văn An) cũng đạt giải Ba của Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh với dự án "Ứng dụng mạng xã hội chia sẻ cùng học đa ngôn ngữ".
Chơi thân với nhau từ năm lớp một, Quốc Nguyên và Minh Giang đều chung mục tiêu phấn đấu trong học tập, đam mê tìm tòi và sáng tạo nhiều dự án thiết thực ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trong khi Nguyên thích tìm tòi ở các thiết bị máy móc, động cơ thì Giang lại có niềm đam mê với ngôn ngữ và yêu thích công nghệ thông tin.
Minh Giang cho biết, một mạng xã hội chia sẻ kiến thức về ngôn ngữ là một dự án Giang rất tâm đắc khi vừa mới lạ, vừa thực tiễn và giải quyết rất nhiều nhu cầu hữu ích.
Với việc tạo ra một môi trường học tập và kết nối ở dạng nền tảng mạng xã hội - diễn đàn dành cho những người muốn học một thứ ngôn ngữ, muốn rèn luyện các kỹ năng hay đơn thuần muốn kết bạn, làm quen với những người bạn từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cậu học trò đã lên kế hoạch xây dựng một ứng dụng học tập với tên gọi "Holapapi" (nghĩa là "xin chào" trong tiếng Tây Ban Nha).
"Holapapi" là một ứng dụng cộng đồng, được xây dựng là một mạng xã hội, diễn đàn trên tiêu chí "chia sẻ - giao lưu - học hỏi", các chức năng chính gồm: Tạo bài đăng đa dạng; Tạo chủ đề từ vựng; Đóng góp chủ đề Ngữ pháp và Giao tiếp.
"Trong suốt 2 tháng tạo nên ứng dụng "Holapapi", em đã thử nghiệm, lựa chọn mô hình cơ sở dữ liệu ổn định, phù hợp khi lượng người dùng ngày càng nhiều và các lệnh truy xuất, thuật toán trở nên phức tạp hơn. Hiện "Holapapi" đang có 200 tài khoản cùng với nhiều bài đăng đa chủ đề khác nhau", Minh Giang vui mừng nói.
Cả Quốc Nguyên và Minh Giang từng đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ ở các cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, các em đều có cho mình những kế hoạch, dự định trong tương lai vào mái trường Đại học và không ngừng cố gắng mỗi ngày để đạt được ước mơ của mình.
Bà Huỳnh Thị Kim Huệ - Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An, cho biết, trong thời gian qua, bên cạnh những thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, cũng như chất lượng kỳ thi THPT; nhà trường rất quan tâm đến các cuộc thi khác dành cho học sinh nhất là kỳ thi Khoa học kỹ thuật.
"Thành tích của Quốc Nguyên, Minh Giang và những học sinh khác của trường đạt được đó là cả một quá trình dài phấn đấu, nỗ lực của các em cùng với sự hỗ trợ, chính sách động viên từ nhà trường nhằm khuyến khích các em không ngừng sáng tạo, đạt được những kết quả đáng khen ngợi", bà Huệ cho hay.