Nam sinh Ấn Độ chế tạo vệ tinh nhẹ nhất thế giới
(Dân trí) - Vệ tinh nhẹ nhất thế giới do sinh viên Riyasdeen Samsudeen tại Tamil Nadu, Ấn Độ chế tạo sẽ được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng trong dự án sắp tới.
Riyasdeen Samsudeen, sinh viên năm hai ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, bang Tamil Nadu, Ấn Độ đã đánh bại hơn 1.000 thí sinh từ 73 quốc gia trong cuộc thi thiết kế không gian toàn cầu do NASA tổ chức vào cuối tháng 12/2020.
Hai vệ tinh FEMTO do Riyasdeen Samsudeen chế tạo có tên Vision Sat V1 và V2. Mỗi vệ tinh có khối lượng 33mg, chiều dài 33mm, có thể đo 17 tham số.
Sản phẩm của Riyasdeen Samsudeen là các vệ tinh dạng khối với 11 cảm biến có thể được ứng dụng để nghiên cứu trong môi trường vi trọng lực. Hai vệ tinh được làm từ nhựa nhiệt dẻo polyetherimide in 3D.
Riyasdeen Samsudeen lựa chọn nhựa nhiệt dẻo polyetherimide như phép thử để xem liệu vật liệu này có thể thay thế vàng và titan trong các thành phần phức tạp của vệ tinh hay không. Việc tìm nguyên liệu thay thế cho hai nguyên tố trên sẽ giúp hạ giá thành sản xuất vệ tinh.
Thiết kế vệ tinh FEMTO có khối lượng nhỏ hơn 100mg và thuộc loại thiết bị có chi phí sản xuất thấp. Vệ tinh do Riyasdeen Samsudeen thiết kế đã được NASA lựa chọn trong dự án vũ trụ năm 2021.
Vệ tinh V1 sẽ được sử dụng trong chương trình mang tên Sứ mệnh tên lửa SR-7 của NASA, sẽ được phóng tại Virginia vào tháng 6/2021. Vệ tinh V2 sẽ được ứng dụng trong kế hoạch Sứ mệnh khinh khí cầu RB-6 dự kiến được phóng lên vũ trụ vào tháng 8.
Ông MK Stalin, lãnh đạo đảng Dravida Munnetra Kazhagam, Ấn Độ, khen ngợi thành quả của Riyasdeen, khẳng định đây là niềm tự hào của cả bang và toàn dân tộc.