Năm 2020: Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi vào đại học?

(Dân trí) - Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi của các trường? nếu thí sinh dùng kết quả thi của trường này để xét tuyển vào trường khác thì có được không? Rủi ro kỹ thuật khi tổ chức kỳ thi?

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện phương án phương án thi mới tốt nghiệp THPT 2020 để trình Chính phủ quyết định.

Phương án mới của Bộ GD&ĐT là Kỳ thi chỉ tập trung vào mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông cả nước. Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quyền tự chủ được quy định trong Luật.

Năm 2020: Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi vào đại học? - 1

Năm 2020: Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi vào đại học?

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho rằng, với phương án mà Bộ GDĐT đưa ra thì việc tuyển sinh của các trường đại học năm 2020 có thể diễn ra theo các hướng:

Nhóm 1: Một số trường vẫn tuyển sinh theo phương án xét tuyển thông qua học bạ như những năm trước.

Nhóm 2: Một số trường sẽ tuyển sinh căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Nhóm 3: Một số trường ĐH lớn có uy tín đã công bố sẽ tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.

 GS Sơn phân tích, với nhóm 1, kết quả học tập học kỳ 2 năm nay được đánh giá không đồng nhất giữa các trường THPT, giữa các vùng miền do tổ chức dạy và học online.

Vậy nên, việc xét tuyển thông qua học bạ cũng là vấn đề chúng ta cần xem xét về tính khách quan, công bằng, yêu cầu về chất lượng tuyển sinh.

Với nhóm 2, chắc chắn một điều rằng, khi kỳ thi đã tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức và mục tiêu chủ yếu của kỳ thi là phục vụ cho xét tốt nghiệp THPT thì việc xét tuyển sẽ không đáp ứng đầy các mục tiêu như: tính khách quan, công bằng và quan trọng hơn là chất lượng đầu vào .

Với nhóm 3, sẽ có một loạt các câu hỏi đặt ra: Chi phí tổ chức một kỳ thi, rủi ro kỹ thuật trong tổ chức (tính bảo mật, mức độ khó dễ của đề thi,...) do thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tương đối gấp?; một trường tổ chức bao nhiêu môn thi? (vì trước kia trường đã sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển)

Thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi của các trường? (vì thí sinh có nhiều nguyện vọng); nếu thí sinh dùng kết quả thi của trường này để xét tuyển vào trường khác thì có được chấp nhận hay không? Chi phí tổ chức thi, các trường tính toán với nhau thế nào?....

Và một câu hỏi muôn thủa là tình trạng thí sinh ảo sẽ giải quyết ra sao khi các trường tổ chức thi độc lập cũng đồng nghĩa không có các "Nhóm xét tuyển" như những năm trước nữa.

GS Sơn cho rằng, sẽ rất khó khăn cho các trường lúc này khi phải lựa chọn một phương án tuyển sinh khả dĩ nhất khi mà Bộ GDĐT giao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH.

Bởi vậy, theo GS Sơn có 2 phương án tối ưu nhất cho tuyển sinh đại học 2020 là: 

- Phương án 1:  Bộ chủ trì một kỳ thi "3 chung rút gọn" (rút gọn đợt thi, rút gọn số môn thi). Phương án này sẽ thuận lợi nhất cho các trường trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó nhất thiết phải hình thành các nhóm xét tuyển như năm trước để hạn chế tình trạng thí sinh ảo.

- Phương án 2: Bộ GD&DT cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh năm 2020 theo hướng các trường ĐH có cùng khối ngành đào tạo hoặc có các tổ hợp môn thi xét tuyển giống nhau cần hợp tác tổ chức kỳ thi chung của các trường đó.

"Không nên mỗi người mỗi ngựa, mạnh ai người đó chạy. Khi xây dựng phương án tuyển sinh cần tính đến quyền lợi của thí sinh. Đây có thể coi là giải pháp tình huống trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Và nếu nhìn xa hơn thì có thể coi là thời kỳ chuyển tiếp quá độ để tiến tới các trường đại học tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh"– GS Sơn nhấn mạnh.

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm