Độc giả viết:

Muốn hiểu nghề thì phải "nhìn tận mắt, sờ tận tay"để tránh vỡ mộng, trả giá

(Dân trí) - Làm kế toán, làm thợ điện, làm thợ hàn, làm kỹ sư xây dựng, làm công nhân là làm gì? Nếu được nhìn tận mắt, sờ tận tay sẽ góp phần giảm tỷ lệ học sinh chọn nhầm, chọn sai nghề nghiệp.

Sau khi đọc bài báo "Lý do khiến 222.500 thí sinh chỉ xét tốt nghiệp, né xét tuyển đại học" đăng tải trên Dân trí, độc giả Nguyễn Thịnh đã có bài viết chia sẻ về khía cạnh tìm việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học dựa trên kinh nghiệm của bản thân.

Độc giả Nguyễn Thịnh cho biết, hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp của Nhật Bản.

Tính đến thời điểm này, tôi đã có kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản 3 năm, làm việc tại doanh nghiệp liên doanh với Nhật bản ở Việt Nam 11 năm, vậy tổng là 14 năm làm việc liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài. Và cũng đã trải qua kinh nghiệm làm việc tại 5 công ty khác nhau ở các vị trí: Phiên dịch tiếng Nhật, quản lý sản xuất, trợ lý giám đốc, quản lý kaizen và iso nhà máy.

Vậy tôi xin đi vào chủ đề chính và chia sẻ chút ít kinh nghiệm liên quan đến mảng sau khi tốt nghiệp của các bạn sinh viên mới ra đi làm.

Tại sao chia sẻ của tôi lại liên quan đến bài viết trên? Bài viết trên liên quan đến yếu tố đầu vào, còn chia sẻ của tôi liên quan đến yếu tố đầu ra, nên về cơ bản, có liên quan mật thiết với nhau.

Nếu chọn sai, con em bạn sẽ phải trả giá…

Tôi xin bắt đầu từ câu chuyện của bản thân. Xuất phát điểm của tôi rất thấp về học vấn, tôi học không giỏi.

Thời của tôi, những năm 2001, việc thi đỗ đại học là một điều rất khó khăn, chỉ những bạn học khá và giỏi mới có cơ hội bước chân vào cao đẳng - đại học. Nếu ai đỗ đại học, thì cả họ, cả làng thấy tự hào, như bách khoa, tài chính, ngoại thương... thì còn tự hào hơn nhiều lần.

Muốn hiểu nghề thì phải nhìn tận mắt, sờ tận tayđể tránh vỡ mộng, trả giá - 1

Nếu được nhìn tận mắt, sờ tận tay sẽ góp phần giảm tỷ lệ học sinh chọn nhầm, chọn sai nghề nghiệp.

Thế nên với học lực của mình, tôi chỉ đỗ trung cấp điện, học xong, cũng với cái bằng trung bình, tôi không thể nào xin vào ngành điện được, thế là tôi đi làm công nhân cho một công ty cổ phần.

Lương thấp, điều kiện làm việc gian khổ, trèo cao, môi trường làm việc nóng bức, chế độ nghèo nàn.. nhưng vì trình độ vậy, nên chỉ xin được những chỗ làm như vậy thôi. Muốn thay đổi thì chỉ có cố gắng trong quá trình làm việc và tìm hướng phát triển bản thân khác đi, nếu không, thì cuộc sống sẽ mãi như vậy. 

Đến đây, tôi xin rẽ ngang sang để phân tích cho các bạn về chủ đề: học nghề, học trung cấp, học việc để đi làm ngay.

Các bạn trẻ hầu như chủ yếu học hết lớp 12, thì chưa một lần được vào tham quan, học hỏi hoặc tìm hiểu về nghề nghiệp, nhà máy hay các phân xưởng sản xuất, xây dựng, sửa chữa.

Chính vì thế, việc định hướng nghề nghiệp còn khá mơ hồ. Khi học nghề xong, ra trường đi làm hoặc xin đi làm công nhân luôn thì thường khá là thất vọng về định hướng mình đã chọn. Việc này nếu có một bản điều tra về tỉ lệ bỏ việc ở các doanh nghiệp thì sẽ nắm được.

Việc đi làm kiếm tiền bằng lao động chân tay, nó không dễ dàng như các bạn ấy tưởng tượng. Vất vả, làm liên tục, làm thâu đêm theo ca... và kết quả hưởng được là lương thấp, phải làm việc nhiều. Đấy là đời sống của công nhân, của tầng lớp lao động chân tay.

Đương nhiên, đấy là lựa chọn của các bạn ấy, thất vọng có, chịu đựng có, muốn tìm một công việc khác cũng có, nhưng với trình độ và khả năng như vậy, làm ở đâu cũng thế, không khác nhau là mấy.

Nên các bạn thường sẽ có những chiều hướng như sau: Sau khi đi nhảy việc vài công ty, thấy các chế độ có vẻ không thay đổi gì thì đành chấp nhận tiếp tục làm việc để duy trì cuộc sống (chịu đựng cố gắng làm việc với tâm thế không vui vẻ cho lắm), hoặc có một số bạn sẽ chán, bỏ việc, đi học gì đó khác đi (phát sinh đi học tiếp) hoặc một số bạn sẽ tiếp tục duy trì công việc đó suốt đời với các chế độ hiện tại với tâm thế "công nhân thì chỉ được như vậy, phải thích nghi thôi".

Có lẽ, không ít bạn lúc này cảm nhận được lựa chọn không đúng, nhưng gần như không còn thời gian và động lực để thay đổi sang một cuộc sống khác.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Ở đầu vào. Tức là con đường chuyển giao từ THPT sang bước học nghề, học cao đẳng, học đại học hay đi làm ngay. Bước chuyển đổi và định hướng này vô cùng quan trọng. Nếu chọn sai, con em bạn sẽ phải trả giá bằng thời gian, tiền bạc, công sức và cả tương lai sau này.

Làm thế nào để định hướng nghề nghiệp cho đúng?

Hỏi thầy cô? Hỏi bố mẹ? Hỏi anh chị? Hay xem trên mạng? 

Việc hỏi ai, ai định hướng cho các bạn ấy vô cùng quan trọng? Bố mẹ có kinh nghiệm không? Thầy cô đã bao giờ làm việc ở nhà máy, ở công ty, ở các doanh nghiệp bao giờ chưa? Liệu có thể đưa ra những lời khuyên phù hợp cho định hướng nghề nghiệp của các bạn ấy hay không?

Tôi không đổ lỗi tại ai, nhưng nếu có thể, các khóa tham quan, định hướng nghề nghiệp từ khi bước chân vào cấp 3 để hình dung, định hình về ngành nghề tương lai sẽ thế nào? Làm kế toán là làm gì? Làm phòng mua bán, làm bên thợ điện, làm thợ hàn, làm kỹ sư xây dựng, làm công nhân nhà máy là làm gì.. thì tốt biết mấy.

Sau khi đã hiểu phần nào về nghề nghiệp đó, thì cần học trường nào, lĩnh vực nào để có thể đáp ứng công việc đó, các bạn sẽ được định hướng, từ đó mới chọn môn, chọn trường.

Ở nước ngoài thường từ cấp 1 đã có những buổi ngoại khóa, tham quan các nhà máy, xí nghiệp, công ty để phần nào cho học sinh hiểu được công việc, nghề nghiệp, kỹ thuật đang được vận hành sản xuất ra sao.

Việc này tôi thấy không phải là khó, chỉ cần các trường liên kết với một số công ty, nhà máy ở địa phương, tổ chức các buổi tham quan thực tế, thì việc trực quan hóa tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay sẽ góp phần cho định hướng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên được tốt hơn, giảm tỷ lệ chọn nhầm, chọn sai con đường tương lai của mình.

Đây chỉ là một giải pháp cơ bản cần thiết, còn đủ thì đương nhiên chưa. Với một vấn đề, cùng nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nhau thì mới có kết quả tốt được.

Phía trên tôi đã đề cập đến việc các bạn học nghề hoặc không học nghề rồi đi làm luôn.

Những tình huống tuyển dụng thực tế: Bạn trẻ không phù hợp tiêu chí doanh nghiệp

Còn khía cạnh các bạn đi học đại học và sau đó là hành trình đi xin việc thì sao?

May mắn, trong thời gian làm việc của mình, tôi có tham gia vào khá nhiều cuộc phỏng vấn từ công nhân cho đến các vị trí nhân viên, kỹ sư, phiên dịch… Tôi đã gặp các tình huống: Tuyển dụng công nhân có tỉ lệ chọi khá khắc nghiệt, cho dù là vị trí thấp nhất trong một doanh nghiệp hay công ty.

Tuyển dụng ở vị trí này do tiêu chuẩn đòi hỏi không cao, nên thường tỉ lệ tham gia rất đông. Trong khi số lượng lấy có hạn, và tiêu chí chọn thường chủ yếu là khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, tức là chỉ mang tính cảm quan, không dựa vào trình độ vì đó là lao động chân tay nên có nhiều bạn, đi phỏng vấn hoài mà không đậu (nhất là bạn nào trông gầy yếu, mắt cận...).

Các công ty tuyển nhiều và thay người cũng nhiều, thường là những công ty có điều kiện làm việc khắc nghiệt như rất nóng (công ty làm về thép), rất ồn (công ty dập kim loại), rất độc (công ty có sử dụng hóa chất, axit, mực in...) thì tỉ lệ vào ra liên tục, do không chịu nổi trong thời gian dài.

Từ những lý do trên mà xảy ra tình trạng người không có việc làm vẫn có nhiều công ty không tuyển được lao động.

Hệ lụy là một nhóm bạn trẻ không có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp cao thì thường kéo thêm các tệ nạn xã hội, ăn bám bố mẹ, thích chơi game…

Tiếp theo về các bạn đã tốt nghiệp cao đẳng - đại học. Mất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành chương trình học, nhưng thử hỏi, có bao nhiêu bạn ra chọn được đúng nghề và làm công việc đúng chuyên môn?

Và bao nhiêu bạn có đủ hành trang phù hợp với tiêu chí nhà tuyển dụng? Và tỉ lệ thất nghiệp, không tìm được việc làm ở nhóm này cũng tăng cao? Tại sao vậy?

Về khía cạnh cá nhân, tôi thấy một số bất cập sau. Việc nhiều bạn sau khi học xong nhưng những kiến thức các bạn được cung cấp tại nhà trường bị thiếu, bị sai lệch so với các yêu cầu của nhà tuyển dụng, nên nó là lý do tại sao các bạn ấy đi phỏng vấn mãi mà không đậu.

Ví dụ học trường công nghiệp khoa cơ khí, nhưng lại không biết vẽ đồ họa (2D) chưa nói đến 3D; học kinh tế ra lại không biết nói câu tiếng Anh nào, học tài chính kế toán ra nhưng hỏi về các phần mềm kế toán nổi tiếng như Misa, Sap... thì lại bảo em chưa dùng bao giờ… Vậy thì các bạn ở trường học cái gì? Đấy là những yêu cầu tối thiểu để bạn bắt đầu đi làm?

Muốn hiểu nghề thì phải nhìn tận mắt, sờ tận tayđể tránh vỡ mộng, trả giá - 2

Nhiều sinh viên ra trường không đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng (Ảnh minh họa).

Do lỗi tại sinh viên lười học hay do chương trình học không có? Tôi không đi sâu vào vẫn đề này mà chỉ muốn đưa ra thực trạng các trường đào tạo ra những thế hệ sinh viên không phù hợp với tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp.

Nó sẽ tạo ra một hiệu ứng là tẩy chay đại học. Vì các thế hệ trước đã học đại học và nói chúng tôi học đại học xong, không xin được việc làm, đang phải làm trái nghề hoặc đang đi làm công nhân hoặc đang đi chạy grab… Nghe như vậy, không ít bạn trẻ thế hệ sau đâu còn động lực để ứng tuyển đại học nữa, đi học nghề cho nhanh, đi làm luôn cho đỡ tốn tiền học.

Tôi vẫn nhớ khẩu hiệu ngày xưa ở trong lớp học nào cũng ghi "Học, Học nữa, Học mãi" nên tôi gửi lời khuyên các bạn đang tuổi đi học thì nên học nhiều nữa vào, còn học gì, học như thế nào thì cần phải giải quyết những vấn đề nêu trên.

Vì một điều chắc chắn là, có học thì tương lai mới tốt hơn được, cuộc sống mới dễ chịu hơn được, lương mới cao hơn được, mới lo cho cuộc sống sau này thoải mái hơn được.

Còn ngay từ tuổi 18, các bạn đã chọn con đường quá dễ dàng, đầu hàng với khó khăn, thì bạn sẽ khá là vất vả ở quãng đường còn lại đấy.

Độc giả Nguyễn Thịnh

Mọi ý kiến đóng góp về giáo dục, độc giả gửi tin, bài về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn. Xin trân trọng cám ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm