Muôn cung bậc cảm xúc đón Tết xứ người của du học sinh
(Dân trí) - Với nhiều du học sinh Việt Nam, Tết chính là lúc họ cảm thấy nhớ nhà da diết và mong mỏi những ngày tháng sum họp bên người thân, gia đình.
Ngậm ngùi đón Tết "trực tuyến"
Với những người con xa quê, việc trở về với gia đình ngày cuối năm, cùng nhau sum họp, chuẩn bị cho cái Tết rộn ràng có lẽ là điều được mong chờ nhất. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn ấy. Dịch bệnh, khoảng cách địa lý, những công việc còn dang dở và nhiều mối lo khác khiến họ đành lỡ "chuyến tàu quê" mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Hoàng Huy (du học sinh Hàn Quốc) chia sẻ: "Đón không khí Tết Nhâm Dần qua trực tuyến, cảm nhận không thể trọn vẹn. Mình chỉ có thể lên mạng xã hội và đọc báo để nhìn thấy không khí mua sắm rộn ràng, các món ăn truyền thống được chuẩn bị ra sao. Nhưng chỉ xem thôi, nhìn thôi chứ không được chạm vào, không được thưởng thức, vì vậy Tết càng trở nên cô đơn và nỗi nhớ nhà như thêm da diết".
Huy tâm sự: "Nhớ nhà lắm, rất muốn về ăn tết, sum họp bên gia đình nhưng dịch bệnh chưa hết, bên Hàn rất hạn chế chuyến bay. Muốn về thì phải lên Đại sứ quán đăng ký, có lý do chính đáng. Vì vậy, đành nén tâm trạng nhớ quê, mong tết, hẹn lại năm sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát".
Huy cho biết thêm: "Bên đây có hội đồng hương nên cũng thường gặp được người Việt Nam, nói ngôn ngữ của mình cho đỡ nhớ quê. Gần đến Tết là có rất nhiều hoạt động, có tổ chức nấu nướng, ăn uống, sư thầy đến cho chữ ngày tết".
Thông thường vào dịp cuối năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ phối hợp Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Tết Cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, mọi hoạt động tập trung đông người đều đã phải hủy bỏ.
Đối với Hoàng Huy, không đâu hạnh phúc bằng bữa cơm cùng gia đình. Huy thích những giây phút kể cho bố mẹ nghe về những nơi mình đã đi qua, những điều mình đã làm được. Những lúc nhớ gia đình da diết, Huy luôn có bố mẹ, bạn bè động viên.
Ước mong "đi để trở về" đúng nghĩa
Phạm Trần Minh Ngọc, 20 tuổi, du học sinh Pháp cũng có năm thứ 3 đón tết xa gia đình. Tuy thời gian đủ lâu để Ngọc có thể mạnh mẽ vượt qua "Tết vắng nhà" nhưng năm nay, nỗi nhớ nhà như trở nên gấp bội.
"Nhớ những ngày khi còn ở Việt Nam, không khí tràn về khắp mọi con đường làng, mọi góc nẻo của đất nước Việt Nam. Hễ ra đường thì ta sẽ nhận ra ngay ngày xuân đang về mà không cần ai nhắc nhở hay thư mời hội họp nào.
Không ai bảo ai, người người đều biết mình sẽ làm gì để đón xuân, dù có đơn sơ đến mấy. Hàng xóm thi đua nhau tân trang nhà cửa, đánh bóng các lư trầm, bát hương, dọn lại bàn thờ…", Minh Ngọc bồi hồi kể lại.
Ngọc nhớ đến khoảnh khắc rộn ràng, háo hức khi cùng mẹ chuẩn bị mâm cơm đêm giao thừa, nhớ khoảnh khắc họ hàng sum họp, chúc tụng nhau những lời ấm áp, tràn đầy hy vọng.
Ở nơi xứ người, Tết với Ngọc là cùng nhóm bạn du học sinh Việt Nam tự nấu vài món ăn đơn giản, cùng đón giao thừa. Cô chỉ có thể cảm nhận không khí Tết mỗi lần gọi điện về cho bố mẹ, tâm sự đủ điều, đến lúc tắt máy rồi mà lòng cứ thắt lại những nỗi nhớ niềm thương.
"Mỗi chặng đường nơi xứ người là một bài học quý báu cho người trẻ, trong đó có bài học về tình thân, gia đình. Có đi thật xa mới biết nhớ nhà, thêm trân trọng nơi trở về", Minh Ngọc nhấn mạnh.
Nhớ hương vị quê nhà với Tết xa nhà đầu tiên
Lần đầu tiên xa quê hương, Ngọc Bích, du học sinh Hà Lan trải lòng, khi bước qua Hà Lan, ra khỏi vòng tay gia đình mới cảm nhận rõ sự chênh vênh, lạc lõng nơi xứ người.
Lúc mới sang, bị sốc rất nhiều thứ, từ văn hóa đến khẩu vị món ăn, nhưng bản thân mình phải tự cân bằng lại. Tủi thân là điều đương nhiên của một du học sinh xa quê, ai cũng phải gặp, nên phải chấp nhận.
Cô bộc bạch: "Ăn Tết xa nhà, ai không trong hoàn cảnh ấy có lẽ khó lòng mà thấu hiểu được, khó lòng mà cảm nhận trọn vẹn cái mùi vị cô đơn ấy. Tết xa nhà, thèm đủ thứ, thèm một bữa tất niên đoàn viên; thèm cái hơi khói quê hương trong nồi bánh chưng, bánh tét, thèm được đi đây, đi đó cùng gia đình, người thân, thèm cái khoảnh khắc giao thừa, thèm phong bao lì xì đỏ, thèm lắm cả nồi thịt kho, củ hành muối của bà, của mẹ, nhưng thèm khát nhất, có lẽ là hương vị của gia đình, của tình thân".
Lưu giữ phong tục Việt
Dù xa quê hương và một lòng khắc khoải nỗi nhớ Tết, thế nhưng cứ mỗi dịp Tết đến là Thuyên Nguyễn (du học sinh Đức) vẫn luôn cố gắng lưu giữ phong tục đón Tết.
Thuyên chia sẻ: "Cứ thành thông lệ, cứ mỗi khi đến Tết là du học sinh chúng mình tranh thủ đặt mua bánh chưng ở chợ của người Việt tại Đức, rồi nấu những món ăn đặc trưng ngày Tết như hành muối, giò lụa, bánh tét, củ kiệu, thịt kho...
Chúng mình cũng cùng nhau bày biện trang trí mâm ngũ quả, cúng Giao thừa như khi ở Việt Nam. Khi thời khắc Giao thừa điểm, mình sẽ gọi điện về cho bố mẹ ở Việt Nam để chúc mừng năm mới, chúc sức khỏe đến bố mẹ".
"Vào ngày mùng Một hoặc mùng hai Tết hàng năm, sau một ngày dài đi học và đi làm thì các hội du học sinh của chúng mình đồng hương thường mời đến nhà ăn tiệc.
Mọi người chọn một địa điểm (nhà hàng hay quán ăn nào đó), mời tất cả đến chung vui. Mọi người thường nấu một số món đặc trưng mang đậm mùi vị Tết như: Bánh tét, heo quay, thịt kho...
Mình thì thích nhất là bánh chưng các chị làm, mỗi năm chỉ có ngày Tết mới được ăn chứ ngày thường hiếm khi có chỗ bán", Thuyên chia sẻ về ngày Tết của mình tại xứ Đức xa xôi.
Điều mà Thuyên, Ngọc Bích, Minh Ngọc hay Hoàng Huy cũng như hầu hết sinh viên Việt Nam ở nước ngoài nói chung hy vọng, mong mỏi nhất là dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong thời gian sớm nhất để có thể trở về nhà dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, họ cũng mong bố mẹ và gia đình ở nhà luôn mạnh khỏe, đó là nguồn động viên tinh thần lớn lao nhất của những người con xa quê.
Dù sống ở phương trời nào, làm gì, thì Tết vẫn là khoảng thời gian tuyệt vời để người Việt Nam bên nhau, mọi người cùng nhau vui chơi, tâm sự về năm vừa qua, để lấy sức mới và thực hiện kế hoạch cho năm tới.
Với những người Việt Nam sẽ vẫn vẹn nguyên tình yêu quê hương, đất nước lòng tự hào về dân tộc Việt Nam.