Mục không có trong hồ sơ dự thi
(Dân trí) - Đó chính là thông tin mà hầu hết trường ĐH, CĐ nào cũng có thông báo: Số chỗ ở trong ký túc xá. Nhưng mục này không tồn tại trong hồ sơ dự thi và cũng không chiếm được sự lưu ý của thí sinh. Mặc dù, chỉ vì bỏ qua thông tin này, đã có nhiều thí sinh phải từ giã giấc mơ ĐH.
Trong hồ sơ dự thi của thí sinh hiện nay, mục được coi trọng nhất là mục 2 và mục 3 là những mục thuộc về lĩnh vực chọn trường. Liên quan đến lĩnh vực chọn trường, mặc dù không giữ một vị trí nổi bật nhưng không phải vô cớ mà gần 200 trường ĐH, CĐ hiện nay đều công bố con số này: đó chính là số lượng chỗ ở trong mỗi ký túc xã mà nhà trường có thể “tải” được sau mỗi mùa tuyển sinh.
Tuy nhiên, thí sinh khi tìm hiểu “Những điều cần biết”, gần như không mấy khi chú ý đến thông báo này, phần lớn trong số họ chỉ chăm chú xem ký hiệu trường, mã ngành, khối thi, địa chỉ trường, chỉ tiêu…
Theo lời của một chuyên gia tuyển sinh Bộ GD- ĐT thì đương nhiên con số này không thể tồn tại trong hồ sơ dự thi nhưng cũng là một con số rất biết nhắc nhở thí sinh trong việc chọn trường nào vừa sức. Trường vừa sức không chỉ là trường vừa với năng lực học của thí sinh mà còn phải là trường vừa với năng lực kinh tế của gia đình thí sinh đó. Hiện nay, các thí sinh khi chọn trường mới chỉ chú ý đến vế thứ nhất và bỏ qua vế thứ hai này. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều cảnh ngộ đáng buồn là đỗ ĐH nhưng không thể theo học ĐH.
Tính toán về chi phí cho một sinh viên, nếu không được ở trong ký túc xá thì mỗi tháng, số tiền tối thiểu mà họ phải bỏ ra để trang trải cho việc thuê nhà trọ sẽ không dưới 200 nghìn, cùng với các khoản tiền ăn uống và chi tiêu lặt vặt khác, mỗi tháng một sinh viên sẽ phải “ngốn”của gia đình họ ít nhất là 700 nghìn. Như vậy, số tiền phải trang trải cho chỗ ở sẽ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số tiền chi tiêu của mỗi sinh viên.
Trong khi đó, thu nhập bình quân của mỗi hộ nông dân một năm là ở mức trên dưới 6 triệu, tức là một tháng họ chỉ làm ra khoảng 500 nghìn. Khi đó, khoảng tiền 200 nghìn bị “mất không” như vậy đã trở thành một số tiền quá lớn. Nếu không tính toán một cách “khoa học”, sinh viên đó đương nhiên sẽ phải từ giã giảng đường vì cha mẹ họ không thể gánh nổi.
Việc chọn trường của thí sinh hiện nay mới chỉ “lao” theo 3 thông số cơ bản là tỷ lệ chọi, điểm chuẩn, chỉ tiêu. Mối quan tâm hàng đầu của thí sinh cũng chỉ là làm sao cho đố được ĐH. Còn những gì diễn ra sau đó không mấy khi được họ nghĩ đến.
Một giảng viên của trường ĐH Ngoại thương cho biết lớp sinh viên do anh phụ trách năm nào cũng có một vài em vì hoàn cảnh kinh tế không cho phép nên đã phải bỏ dở giữa chừng. Rất lãng phí vì để đỗ được vào ĐH Ngoại thương đâu phải là đơn giản gì. Các sinh viên cùng lớp và cả nhà trường cũng hết sức tạo điều kiện nhưng không thể kéo dài trong suốt 4 năm học. Được biết ĐH Ngoại thương cũng là trường thông báo không có chỗ ở cho sinh viên trong ký túc xá.
Để tạo điều kiện cho những sinhviên nghèo có điều kiện được tiếp tục theo học, các Ngân hàng chính sách xã hội hiện nay cũng đã hình thành một hệ thống dành cho sinh viên vay. Tuy nhiên, cũng chỉ có rất ít sinh viên dám vay tiền đi học. Lý do vì những sinh viên này vốn lớn lên trong điều kiện kinh tế khó khăn, sự tự ti về khả năng trả nợ là điều không thể tránh khỏi. Nhất là với những người mà vay 1, 2 triệu thôi cũng phải mất nhiều năm mới có thể trả nợ thì vay tiền là việc rất to tát. Rất hiếm khi những người này dám làm chuyện “mạo hiểm” vay tiền nếu không chắc về khả năng trả nợ. Cùng đó, các thủ tục vay tiền cũng không hề đơn giản. Việc có đủ khả năng kinh tế để theo học hay không chủ yếu vẫn do các gia định tự cân đong đo đếm là chính
Thế cho nên, vì một mục không có trong hồ sơ dự thi, sau mỗi mùa tuyển sinh năm nào cũng có những câu chuyện buồn về sĩ tử “gãy cánh” giữa giảng đường ĐH.
Số chỗ ở trong KTX của một số trường ĐH năm 2007:
ĐH Quốc gia Hà Nội: 1.500 chỗ ở KTX/ 4.900 chỉ tiêu vào trường
Học viện Ngân hàng: 500/1870
Học viện Quản lý Giáo dục: 300/500
Học viện Tài chính: 450/2300
ĐH Công đoàn: 300/1100 (KTX chỉ dành cho sinh viên hệ chính sách và cán bộ đi học)
ĐH Giao thông vận tải: 600/ 3470
ĐH Lâm nghiệp: 800/1150
ĐH nông nghiệp 1: 1500/ 2900
ĐH Xây dựng: 400/3100
CĐ Công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội: 1300 chỗ ở trong KTX cho 800 chỉ tiêu
CĐ Công nghiệp Nam Định: 650/750
CĐ Công nghiệp Sao đó: 1200/1000
CĐ Công nghiệp Thái Nguyên: 500/400
CĐ Công nghiệp thực phẩm: 1000/500
CĐ Công nghiệp và Xây dựng: 1500/550 |
Lê Châu