Một vài dấu ấn của tân Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại ĐH Quốc gia HN
(Dân trí) - Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội vừa được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - một "ghế nóng" mà dư luận đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng.
Trước đây, ngày 19/07/2016, trong lễ nhậm chức làm Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, ông Nguyễn Kim Sơn đã bày tỏ trong bài phát biểu của mình: "Bằng ít nhiều kinh nghiệm quản lý, sự nhận thức và cả dự cảm, trách nhiệm của bản nhân, tôi hiểu rằng: cả vinh quang và thử thách lớn lao đang chờ phía trước".
Lúc đó, ông Sơn cho rằng, thách thức lớn nhất đối với ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là: Thách thức phát triển, thách thức vượt lên chính mình, thách thức hội nhập quốc tế. Đối với một cá nhân, ý chí mạnh mẽ, niềm đam mê lâu dài bền bỉ là nhân tố quan trọng dẫn tới thành công, thì đối với một tổ chức như ĐHQGHN, kiên trì định hướng, triết lý phát triển dựa trên tiêu chí chất lượng và sự sáng tạo, đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa, không bao giờ vơi cạn khát vọng phát triển hướng tới đẳng cấp hàng đầu châu Á là nhân tố mang tính quyết định thành công.
Và việc mà ông Sơn đưa ra tiến hành làm ngay là triển khai các chính sách quản trị nhân sự để sao cho cán bộ không chỉ là những người có trình độ chuyên môn cao, làm việc tận tụy, mà tất cả đều hăng hái sáng tạo, khát vọng thể hiện mình.
Không chỉ đào tạo sinh viên biết phát triển bản thân, biết chung sống trong cộng đồng, có thể làm việc tốt nhất theo các chuẩn nghề nghiệp của ASEAN và quốc tế, mà còn có những phẩm chất của người trí thức trong thời đại mới: trách nhiệm, dấn thân, lo toan gánh vác việc lớn của đất nước. Đồng thời, phải đưa ĐHQGHN thực sự là môi trường tự do học thuật, tự do sáng tạo.
Chính những thể hiện "khát vọng" đó, trong 10 năm lãnh đạo ( 4 năm phó giám đốc và 5 năm làm giám đốc 2012-2021), ông Nguyễn Kim Sơn đã cùng các đồng sự và cán bộ, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội tạo ra những dấu ấn không nhỏ trong sự phát triển.
Người trực tiếp "chỉ huy" kỳ thi Đánh giá năng lực đầu tiên ở Việt Nam
Kỳ thi đánh giá năng lực đầu tiên của Việt Nam được ĐHQGHN khởi xướng và tiên phong thực hiện từ năm 2014, thử nghiệm năm 2015 và triển khai rộng 2016, 2017 mà ông Sơn đã chỉ huy tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực người học - được xã hội đánh giá cao về một kỳ thi trên máy tính.
Từ năm 2017, mô hình này đã được chuyển giao cho Bộ GD&ĐT sử dụng trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi này, để tăng chất lượng, số lượng đầu vào, ĐHQGHN đã phát triển khoa học kiểm tra đánh giá, đổi mới các phương thức tuyển sinh khác để tuyển sinh đại học và sau đại học, cũng như đổi mới toàn bộ hệ thống đo lường đánh giá trong hoạt động đào tạo.
Triển khai giáo dục theo hướng "Cá nhân hóa"
Bên cạnh việc phát triển các ngành nghề đào tạo mới, nắm bắt xu hướng của đào tạo thế giới, cung cấp nguồn nhân lực cho Việt Nam, trên cương vị lãnh đạo của mình, ông Sơn đã trực tiếp chỉ đạo triển khai quan điểm giáo dục mới trong ĐHQGHN đó là: Giáo dục cho từng người, giáo dục cá nhân hóa, cá thể hóa.
Ông Sơn cho biết, "Cá nhân hóa" trong giảng dạy là phát huy tính sáng tạo và những năng lực sư phạm vượt trội của từng giảng viên với những phương thức truyền đạt sở trường và tốt nhất mà học có thể, là một sự lựa chọn phương pháp để áp dụng cho từng học viên, phù hợp với từng đối tượng, phát huy được năng lực tự phát triển của từng đối tượng, phát huy vai trò chủ động của người học, tạo động lực để người học tham gia tích cực vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo đó, hoạt động giảng dạy ở ĐHQGHN được triển khai trên cơ sở đổi mới triết lý đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phát huy tối đa năng lực của từng cá nhân, trên nền tảng công nghệ dạy học tiên tiến, học liệu số và hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại.
Việc triển khai giáo dục cá thể hóa mới chỉ là bước đầu, nhưng ông Sơn đã tạo ra hướng đi nhiều triển vọng ở ĐHQGHN, tạo ra được một khí thế, niềm cảm hứng trong đổi mới sáng tạo; gia tăng tinh thần trách nhiệm quốc gia, trách nhiệm xã hội của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Điều này tạo ra những giá trị khó có thể đo đếm được.
Hiện nay, theo xếp hạng của Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) thì các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hội nhập quốc tế của ĐHQGHN đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Vị trí xếp hạng của ĐHQGHN liên tục gia tăng trong các năm gần đây, thuộc nhóm 801-1000 Xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education 2021, ĐHQGHN cũng thuộc nhóm 801-1000 trong 3 kỳ xếp hạng liên tiếp (2019 - 2021) trong Bảng Xếp hạng đại học thế giới của QS.
Ngoài ra, ĐHQGHN cũng lần đầu tiên vào nhóm 101-150 trong bảng Xếp hạng 50 trường đại học trẻ (Top 50 under 50) của QS kỳ xếp hạng 2021.
"Cú hích" thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ
Có lẽ, đổi mới về quản lý khoa học công nghệ của ĐHQGHN thời gian qua là dấu ấn mạnh mẽ mang tầm quốc gia của ông Sơn, đó là đẩy mạnh các nhóm sản phẩm khoa học và công nghệ theo bốn nhóm lĩnh vực lớn: Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học tự nhiên và y dược; khoa học công nghệ và kỹ thuật.
Đặc biệt, ĐHQGHN đã chú trọng triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực mà ĐHQGHN có thế mạnh là khoa học giáo dục và khoa học quản lý, trong đó có nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho Bộ GD&ĐT, các tỉnh và các trường phổ thông trong cả nước về phương thức, quản lý đào tạo và đổi mới phương pháp dạy học.
Định hướng đó đã tạo "cú hích" đến hệ thống nghiên cứu khoa học, hiện nay, ĐHQGHN đã có gần 100 nhóm nghiên cứu cấp đơn vị và 30 nhóm nghiên cứu mạnh.
Hệ thống phòng thí nghiệm được quy hoạch với tổng số 216 phòng thí nghiệm, trong đó, có 10 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQGHN; 10 phòng thí nghiệm hợp tác doanh nghiệp và 10 phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế… hướng tới tạo ra các nghiên cứu tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước và các sản phẩm khoa học và công nghệ ứng dụng trong thực tiễn, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Trên phương diện tổ chức của ĐHQGHN, đây là một thời kỳ tái sắp xếp hệ thống theo hướng hợp lý hơn. Đặc biệt là phát triển hệ thống, trong đó có những đơn vị thành viên mới được thành lập và phát triển như Trường Đại học Y Dược; các viện nghiên cứu khoa học thành viên như Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Trần Nhân Tông cùng một số đơn vị thành viên trực thuộc khác cũng được thành lập, tái cấu trúc trong thời gian qua tạo ra một thực thể kết nối, bổ sung, hỗ trợ mạnh như thời điểm này.
Tiếp "cú hích" về phát triển khoa học đó, năm 2017, lãnh đạo ĐHQGHN đã "dũng cảm" tiếp nhận Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc hoạt động trong hơn 10 năm qua.
Hiện nay, đường hướng để phát triển khu Hòa Lạc đã có những kết quả bước đầu. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã cấp tín dụng để ĐHQGHN xây dựng các công trình thiết yếu như Khu các phòng thí nghiệm liên ngành, Trung tâm Thông tin Thư viện…
Với cương vị là giám đốc ĐHQGHN, ông Sơn cho biết, sứ mệnh của ĐHQGHN không chỉ ở việc phát triển các ngành khoa học công nghệ mới, các ngành khoa học liên ngành, liên lĩnh vực, các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, khoa học sự sống… mà còn đặc biệt coi trọng phát triển các khoa học nhân văn, tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước, xã hội và con người.
Một trong những nhiệm vụ khoa học lớn tầm quốc gia mà ĐHQGHN mà ông Sơn đã thực hiện trong thời gian lãnh đạo của mình là: Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đã mang lại hiệu quả thực tiễn, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề sinh kế, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh… cho các tỉnh Vùng Tây Bắc.
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia "Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam", do ông Sơn đề xuất bắt đầu khởi động triển khai từ năm 2018, với sản phẩm kỳ vọng là Bộ sách đặc biệt lớn, cung cấp thông tin toàn diện và hệ thống về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
ĐHQGHN đã tham gia sáng lập và là thành viên chủ chốt triển khai có hiệu quả Đề án "Hệ tri thức Việt số hóa" là hệ sinh thái số có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam.
Người thầy tài năng mới có thể dẫn dắt và dạy dỗ được tài năng
Là một người đặc biệt quan tâm tới đào tạo tài năng thế hệ trẻ, phát biểu trong lễ khai giảng năm học mới tại trường THPT chuyên khoa học tự nhiên, ông Sơn quan niệm: Tài năng chỉ qua tôi rèn hun đúc đặc biệt mới có "Ngọc bất trác bất thành khí" (ngọc mà không qua đẽo gọt thì không thành đồ quý).
Các thầy cô là những người thợ đẽo ngọc, chuyển hóa từ đá quý sang ngọc sáng long lanh. Các em hãy cố gắng làm tốt từng việc một, học tập toàn diện để phát triển bản thân, để chuẩn bị cho một cuộc sống hạnh phúc của chính mình trong tương lai phía trước. Và điều đặc biệt các em cần làm là xác lập tầm nhìn cho mình, cần phải biết LẬP CHÍ.
Ông Sơn cho rằng, làm nhà giáo là một vinh dự, làm nhà giáo để dẫn dắt vun đắp cho nhân tài còn vinh dự gấp bội phần. Các bậc cao nhân đại trí thức xưa chỉ ao ước có được người hiền tài để dạy dỗ. Ông mong các thầy, các cô làm tròn được sứ mệnh mà đất nước giao phó, không phụ lòng kỳ vọng gửi gắm của các bậc phụ huynh.
Các thầy, các cô cần có tấm lòng đủ rộng lớn để bao dung cho những khác biệt, đủ tinh tế để nhận thấy cái phi thường, đủ nhạy cảm để chia sẻ, đủ khéo léo để dẫn dắt, đủ tình yêu để nâng đỡ.
Cái mà ông Sơn rất tâm huyết nhất trong giáo dục chính là triết lý, tinh thần giáo dục mang tính gốc rễ, bền vững và lâu dài, với tư tưởng đổi mới khoa học hiện đại, hy vọng tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục tạo dấu ấn tốt đẹp của mình trong ngành giáo dục thời gian tới.