"Một nghề thì sống, đống nghề thì chết"
(Dân trí) - "Nghề nào cũng là nghề cao quý và nghề nào cũng được tôn vinh. Một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Do đó, các em hãy tìm hiểu về khả năng, thế mạnh, sở thích của mình để lựa chọn nghề phù hợp.
Đó là chia sẻ của TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH khi nhắn nhủ các em học sinh, sinh viên trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Đông Anh, Hà Nội) tại Lễ Bế giảng cho 511 em học sinh sinh viên tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng khóa học 2019-2021 và Khai giảng hệ Cao đẳng liên thông khóa học 2021-2022 sáng ngày 3/4.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng An Bình - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ cho hay, tổng số học sinh, sinh viên được công nhận tốt nghiệp đợt 2 này là 511 em, trong đó trình độ cao đẳng 75 em và trình độ trung cấp 436 em.
Học sinh, sinh viên nhà trường có thuận lợi là luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho đào tạo theo hướng đồng bộ và hiện đại, đặc biệt với các nghề trọng điểm gồm: Công nghệ Ô tô, Điện tử công nghiệp, Quản trị mạng, Điện công nghiệp và Cắt gọt kim loại, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí.
Nhà trường đã thiết lập được mối quan hệ hợp tác với trên 40 doanh nghiệp có liên quan đến các nghề Nhà trường đào tạo. Uy tín của nhà trường được khẳng định, công tác tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu mà hội đồng tuyển sinh nhà trường đề ra.
Trường đã triển khai thành công mô hình đào tạo trung cấp song song với đào tạo Văn hóa Phổ thông cho học sinh tốt nghiệp THCS, đã nhận được lòng tín nhiệm của cha mẹ học sinh khi lựa chọn trường cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ là địa điểm cho các con học tập và rèn luyện.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn nhất định mà điển hình là tư tưởng chuộng bằng cấp.
"Tư tưởng chuộng bằng cấp, thích học đại học vẫn còn phổ biến trong nhận thức của người dân nói chung và học sinh, sinh viên cao đẳng khóa 12 hệ 2,5 năm, trung cấp khóa 12, niên khóa 2018 - 2021 và cao đẳng liên thông khóa 13 nói riêng nên số lượng học sinh, sinh viên xin thôi học giữa chừng vẫn còn không ít", ông cho hay.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mất cân đối trong cơ cấu đào tạo nghề của Nhà trường. Học sinh, sinh viên tập trung chủ yếu ở một số nghề như: Công nghệ Ô tô, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, Kỹ thuật chế biến món ăn. Một số nghề số lượng học sinh, sinh viên chưa đạt quy mô tuyển sinh đề ra như: Hàn, Cắt gọt kim loại, Cơ điện tử.
Phát biểu tại lễ bế mạc, em Nguyễn Phạm Minh Đức - học sinh lớp Trung cấp Điện 12 chia sẻ: "Hôm nay, khi được nhận tấm bằng Trung cấp nghề trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. Đặc biệt hơn nữa, khi chúng em đăng ký tham gia học tiếp chương trình Cao đẳng Liên thông, nhà trường tổ chức cho chúng em được tiếp xúc với các doanh nghiệp tuyển dụng, điều đó thêm cho chúng em cảm thấy sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn. Chúng em vô cùng phấn khởi, xúc động".
Chúc mừng 511 học sinh sinh viên khóa học 2018-2921 vừa tốt nghiệp, thầy Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ tin tưởng rằng, với ý chí quyết tâm của các em học sinh trung cấp khóa học 2018-2021 đang học tập tại trường, các em sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới.
TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH nhắn nhủ các em học sinh sinh viên đã tốt nghiệp sẽ mang kiến thức kỹ năng ra thị trường lao động làm nghề với phương châm yêu nghề, yêu ngành. Và khẳng định, Tổng cục tạo cơ hội học tập suốt đời cho các em.
Ông cũng nhắn gửi tới các em học sinh, phụ huynh đang băn khoăn trước ngưỡng cửa cuộc đời rằng: "Nghề nào cũng là nghề cao quý và nghề nào cũng được tôn vinh. Một nghề thì sống, đống nghề thì chết". Do đó, các em hãy tìm hiểu về khả năng, thế mạnh, sở thích của mình để có lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất, cùng với sự hỗ trợ định hướng của thầy cô, nhà trường.
Đồng thời, đề nghị nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, tạo mọi điều kiện tối đa để các em học sinh sinh viên học tập, học nghề tốt nhất.
Đào tạo thực hành 70% - lý thuyết 30%
Cũng trong khuôn khổ chương trình diễn ra Lễ khai giảng hệ cao đẳng liên thông khóa học 2021-2022. Hiệu trưởng nhà trường cho hay, chương trình đào tạo của trường tập trung hướng vào hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh sinh viên nên kết cấu chương trình bố trí 70% thời lượng cho thực hành và 30% thời lượng cho lý thuyết.
Học sinh, sinh viên được trải nghiệm và trực tiếp làm việc thực tế tại doanh nghiệp sản xuất chương trình đào tạo dành từ 12 - 15 tuần/khóa học cho mô đun: Thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp. Nhiều học sinh, sinh viên đã được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau khi kết thúc đợt thực tập tại doanh nghiệp.
Trong đó, hệ Cao đẳng đào tạo trong thời gian 2,5 năm với tổng số tín chỉ từ 90 - 105/chương trình đào tạo. Tỉ trọng cho các môn học, mô đun chuyên môn nghề chiếm 80%. Sinh viên có từ 600 - 720h đi thực tập tại doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên được thể nghiệm trong môi trường làm việc thực tế, giúp sinh viên tự tin đảm nhiệm vị trí công việc sau khi tốt nghiệp.
Với trình độ trung cấp, học sinh trung cấp khóa 12 là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, vì vậy nhà trường đã phối hợp với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo chương trình 2 trong 1, đảm bảo sau 3 năm học, học sinh ra trường được cấp 2 bằng: Bằng trung cấp và Bằng Trung học phổ thông quốc gia.
Đội ngũ giáo viên giảng dạy đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt các nghề trọng điểm, 100% giáo viên có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3/5; Nhiều giảng viên tham gia Hội giảng các cấp và đạt các thành tích cao như thầy Đoàn Văn Điệp - nghề Điện công nghiệp - giải nhất Hội giảng nhà giáo GDNN thành phố Hà Nội năm 2020, thầy Trần Ích Bảo - nghề Điện tử công nghiệp, thầy Lê Văn Thọ - nghề Cắt gọt kim loại - giải Nhì Hội giảng nhà giáo GDNN thành phố Hà Nội năm 2020 , cô Đoàn Hạnh Hằng - giáo viên môn Tiếng Anh - giải Ba Hội giảng nhà giáo GDNN thành phố Hà Nội năm 2020. Đoàn giáo viên Nhà trường đạt giải Ba toàn đoàn trên tổng số 72 cơ sở GDNN tham gia Hội giảng.
Hiện tại, quy mô đào tạo VHPT hệ giáo dục thường xuyên của trường tương đương với 1 trường THPT cỡ trung với tổng số 25 lớp: 10 lớp 10, 07 lớp 11 và 08 lớp 12 với tổng số học sinh trên 1.100 em. Trường có khu giảng dạy dành riêng cho đào tạo VHPT, các lớp được trang bị smartTV để khai thác thông tin liên quan của các môn học, lắp đặt camera để kiểm tra, giám sát hoạt động giảng dạy và học tập của thầy và trò, lắp đặt điều hòa nhiệt độ, đảm bảo môi trường trong lành, mát mẻ cho học sinh học tập đạt kết quả tốt nhất.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, đại diện trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ đã ký kết hợp tác với đại diện doanh nghiệp trong việc tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, tạo cơ hội cho học sinh thực tập, rèn nghề, làm việc tại các doanh nghiệp.