Một ngày ở lớp học đặc biệt của thầy giáo viết chữ bằng miệng
Bị dị tật từ nhỏ, đôi chân bị khoèo, đôi tay không cầm nắm được vì bị liệt gân nhưng anh Phùng Văn Trường (35 tuổi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ngày ngày vẫn ngồi xe lăn dạy học miễn phí cho các em học sinh ở địa phương, khiến cho biết bao người cảm phục.
“Thầy giáo” Trường ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ Hà Nội) bị teo cơ bẩm sinh.
Trong thôn người người, nhà nhà biết chuyện đều cảm phục tinh thần nghị lực thầy giáo ngồi xe lăn, viết chữ bằng miệng dạy học sinh.
Lớp học của thầy giáo dạy chữ đặc biệt này không có giờ cố định, cứ sau mỗi giờ tan học ở trường, các em học sinh có thể đến bất kỳ lúc nào và học bao lâu ở nhà anh tùy thích.
Thường thì lịch học vào buổi trưa khoảng 11h đến 12h, buổi chiều 4h30 đến 6h30, có khi học đến 9h tối.
Hơn 3 năm, anh Trường ngồi xe lăn, miệt mài viết chữ bằng miệng, giảng bài cho các em học sinh trong thôn.
Viết chữ bằng miệng nhưng từng nét chữ của anh gọn gàng và rất đẹp.
Cả lớp học có hơn 10 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Ở đây, các em học sinh được luyện viết chữ, làm toán và tập đọc miễn phí.
Anh hướng dẫn các học sinh làm bài, viết chữ rất tận tình và sát sao. Khi giảng bài, anh phải ngồi trên xe lăn, viết bằng miệng.
Em Phùng Văn Long (lớp 4B, TH Nam Phương Tiến A) là học sinh có chữ viết đẹp nhất ở lớp, Long nói: "Cháu học từ lớp 2 ở đây, rất sung sướng khi được chú Trường kèm cho cách luyện chữ, chú dạy rất dễ hiểu".
Nhiều khi học muộn, các em học sinh mang bánh, mang cơm đến để vừa học vừa ăn.
Mỗi khi tan học "thầy" Trường lại lăn xe ra tận cổng nhà tiễn các em học sinh và dặn dò đi đường cẩn thận.
Anh Trường là con cả trong gia đình có 4 anh chị em, năm 33 tuổi, anh và chị Hương (40 tuổi) lấy nhau trong sự vui mừng của gia đình, làng trên xóm dưới.
Hiện anh sống với bố mẹ, cùng vợ và đứa con 4 tháng tuổi. Trong ảnh: Ông Mười và bà Năm trêu đùa đứa cháu nội Phùng Thiên Trường Quảng mới được 4 tháng tuổi.
Dạo gần đây, sức khỏe bắt đầu yếu dần nhưng anh không dám đi khám vì lo nếu phát hiện ra nhiều bệnh lại không có tiền chữa. Nhiều phụ huynh đã bày tỏ mong muốn được trả phí dạy học cho các cháu (mỗi tháng 100.000đ/cháu) để Trường có thêm thu nhập để đảm bảo cho sức khỏe để dạy học cho các cháu nhỏ.
Theo Thành An
Lao Động