Một kỳ thi quốc gia: Sẽ tiếp tục gây tốn kém, tiêu cực nếu....

(Dân trí) - “Việc tổ chức "kỳ thi quốc gia" sẽ tiếp tục gây tốn kém, tiêu cực và ít có cơ hội đem lại kết quả thực, cho dù có áp dụng việc chấm thi chéo giữa các trường THPT hay giao cho trường đại học nào đó chấm thi. Nhưng nếu...”.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia công tác tuyển sinh và am hiểu giáo dục Việt Nam, PGS.TS Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, hiện đang làm việc với cương vị nhà khoa học tại ĐH Bayreuth - CHLB Đức (giai đoạn 2011 - 2015) góp ý về phương án tổ chức một kì thi quốc gia để phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015, ông cho rằng: “Việc tổ chức "kỳ thi quốc gia" sẽ tiếp tục gây tốn kém, tiêu cực và ít có cơ hội đem lại kết quả thực, cho dù có áp dụng việc chấm thi chéo giữa các trường THPT hay giao cho trường ĐH nào đó chấm thi.

Nhưng nếu hiểu "thi quốc gia" là việc thi có giá trị công nhận ở cấp quốc gia, tức là các thí sinh không nhất thiết phải thi chung đề, thi cùng thời gian, nhưng kết quả thi được công nhận trong toàn quốc và có thể so sánh được, thì lại rất hữu ích”.

PGS.TS Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam

PGS.TS Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam.

Thi theo “bài thi”

Ông có thể phân tích rõ hơn về phương án kỳ “thi quốc gia” mà ông cho là hữu ích?

Đây là một phương án khả thi, có tính bền vững cao, lại hợp với xu thế của thời đại, là một bộ phận không tách rời của mô hình giáo dục tiên tiến mong muốn ở Việt Nam.

Chúng ta hãy thử hình dung kinh phí cho một "kỳ thi quốc gia trong năm nào đó". Với cách làm hiện nay, mỗi kỳ thi đều phải chuẩn bị lại gần như từ đầu, ít có sự kế thừa về hạ tầng kỹ thuật giữa các kỳ thi (trừ bàn ghế ở các phòng thi), nên rất tốn kém và lãng phí.

Nếu chuyển đổi kỳ thi này thành "Thi điện tử" do những trung tâm khảo thí nào đó thực hiện độc lập và tự động trên máy tính (và có cơ chế chia sẻ thông tin cho các trường ĐH, CĐ), thì chi phí sẽ thấp hơn nhiều, có thể cho phép thí sinh thi nhiều lần trong năm, đảm bảo tính thực chất của kết quả thi và hạ nhiệt kỳ thi một cách rõ rệt.

Tôi tin rằng, nếu đưa phương án này ra đấu thầu, sẽ thấy ngay tính khả thi của nó vì công nghệ thông tin ở Việt Nam đã phát triển khá mạnh và việc xây dựng ngân hàng đề thi cũng không khó khăn gì. Hãy sử dụng kinh phí tổ chức kỳ thi quốc gia ở cấp tỉnh để đầu tư cho trung tâm khảo thí độc lập, sẽ thấy ngay hiệu quả của phương án.

Vậy phương án này thi theo bài thi hay môn thi?

Với phương án đã nêu, thi theo bài thi (kiểm tra không chỉ về kiến thức, kỹ năng, mà còn về cách tiếp cận, tư duy, phương pháp, ứng dụng thực tiễn, v.v...) là một lựa chọn phù hợp và có tính đột phá.

Về thời gian, chúng ta cần chuẩn bị để một số địa phương có thể áp dụng phương án này vào năm 2015 - 2016 trở đi. Những địa phương nào chưa chuẩn bị kịp, có thể áp dụng sau một chút và trước mắt vẫn thực hiện phương án thi như năm 2014.

Trước mắt nên duy trì các Hội đồng coi thi

Nếu tổ chức một kỳ thi ngay trong năm 2015 tới, khâu tổ chức thi là một vấn đề rất quan trọng, ông có góp ý gì về vấn đề này?

Trước mắt (trong 1 - 2 năm tới), nên duy trì các Hội đồng coi thi, chấm thi theo tỉnh. Để hạn chế các tiêu cực có thể xảy ra, cần đặc biệt kiểm soát khâu coi thi và khâu làm phách. Cũng cần chấm kiểm tra một số bài thi nhất định trước khi công bố kết quả thi.

Về chiến lược lâu dài, cần thành lập các đơn vị khảo thí độc lập, tổ chức thi theo bài thi, trên máy vi tính, thi thành nhiều đợt và đưa dữ liệu vào "kho tài nguyên điện tử chung - có thể chia sẻ và lưu trữ lâu dài". Lúc này thi cử vẫn rất quan trọng, nhưng sức nóng của nó sẽ giảm. Đây là cách làm mong đợi, là một đột phá của ngành giáo dục đào tạo nước ta.

Chuyên gia giáo dục cho rằng: Nhiều Học bạ tốt nghiệp lớp 12 thiếu độ tin cậy

Chuyên gia giáo dục cho rằng: Nhiều Học bạ tốt nghiệp lớp 12 thiếu độ tin cậy.

Có nhiều ý kiến cho rằng nên lấy thêm kết quả học bạ để xét tốt nghiệp THPT, còn ông?

Trong tình hình hiện nay ở nước ta, nhiều "học bạ" còn thiếu độ tin cậy cần thiết (kể cả ở trường công lập và ngoài công lập). Vì vậy, chỉ nên căn cứ vào kết quả học tập như một trong số các nguồn thông tin để phân luồng người học. Không nên căn cứ vào "học bạ" để xét tốt nghiệp. Đây là một lời khuyên chua xót, nhưng nó không chỉ giúp cho việc đánh giá thực chất người học, cải thiện rõ rệt động lực học tập, mà còn hạn chế những tiêu cực trong suốt quá trình đào tạo.

Thí sinh thi không đạt, có thể thi lại sau vài tháng, không phải đợi chờ như bây giờ, nên nếu bị trượt cũng không buồn rầu như bây giờ. Thí sinh thi đạt, thì được cấp Bằng tốt nghiệp, trong đó nên ghi thông tin về cả kết quả học tập (bình quân cấp cuối hoặc bình quân từng cấp) và kết quả thi tốt nghiệp. Điều này sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc tuyển sinh hay tuyển dụng sau này.

Bài thi được tổ chức tại đơn vị khảo thí độc lập

Tổ chức một kìthi quốc gia ngay trong năm tới theo phương án “Bài thi” mà chưa có sự chuẩn bị chu đáo sẽ khóphù hợp với học sinh, ngoài ra cóthểxảy ra chồng chéo giữa kỳthi quốc gia với Đề án tuyển sinh riêng của các trường?

Phần lớn các trường ĐH, CĐ hiện nay là trường đa ngành (tổ chức đào tạo nhiều ngành học). Mỗi ngành hoặc nhóm ngành sẽ đòi hỏi năng lực đầu vào khác nhau. Vì vậy, "năng lực đầu vào" rất đa dạng.

Nếu dựa vào "học bạ" để xét tuyển, thì thực lực của thí sinh có thể còn là ẩn số. Vì vậy, phương án này có thể được một số trường áp dụng để tuyển sinh vào những ngành "khan hiếm người học".

Nếu dựa vào "kết quả thi tốt nghiệp" để xét tuyển, thì có thể bị hạn chế đầu vào. Lý do là bảng điểm tốt nghiệp của thí sinh có thể không phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo (chẳng hạn, do khác nhau về môn thi).

Trong mấy năm tới, nhiều Trường từ tốp “giữa” trở lên sẽ tổ chức thi riêng. Trong đó các môn thi, nhóm môn thi vào từng ngành sẽ đa dạng hơn so với hiện nay. Do tính đa ngành khá phổ biến hiện nay, nên nhiều trường ở tốp "giữa" hoặc "trên" có thể tổ chức cả thi tuyển đối với một số ngành, xét tuyển đối với một số ngành. Từ đó dẫn đến yêu cầu xếp hạng ngành học, chứ không hẳn chỉ là trường học.

Dự báo, sau khi các trung tâm khảo thí được thành lập và đi vào hoạt động, nhiều trường ĐH, CĐ sẽ phối hợp với các trung tâm này để tuyển sinh bằng hình thức "thi từ xa, qua máy vi tính", mà không cần phải đến trường hay làm bài trên giấy. Đây nên được xem là một giải pháp tuyển sinh phổ biến ở nước ta trong tương lai không xa.

Như vậy, để tạo thuận lợi cho cả thí sinh và trường ĐH, CĐ, đồng thời giảm thiểu chi phí, lãng phí và hạ nhiệt mùa thi, việc đổi mới thi là rất quan trọng. Trong đó, "bài thi" sẽ ưu việt hơn nhiều so với "môn thi và việc tổ chức "thi điện tử" tại các đơn vị khảo thí độc lập ở địa phương là một lựa chọn khách quan, có tính bền vững và đạt hiệu quả cao.

Nếu tổ chức phương án Một kỳ thi quốc gia như ông nói ở trên thì vai trò Bộ GD-ĐT ở đây như thế nào để đảm bảo các trường tuyển sinh và đào tạo có chất lượng?

Theo Luật GDĐH, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ cần xây dựng tài liệu hướng dẫn các trường thực hiện theo đúng Luật này.

Bộ GD-ĐT cần thắt chặt chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực của các trường. Chuẩn bị giải quyết tốt các tình huống giải thể trường ĐH, CĐ và sự hồi sinh của các trường dạy nghề hay trung cấp chuyên nghiệp sau vài năm nữa do hiệu quả của việc đổi mới tạo ra.

Xin trân trọng cám ơn PGS.TS!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm