Môn Vật lý đòi hỏi ngắn gọn và đủ

Làm thế nào để không mất điểm một cách oan uổng khi làn bài thi Đại học môn Vật lý? TS Nguyễn Ngọc Long, Giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ mách nước cho các em trong lời khuyên dưới đây.

Theo xu hướng gần đây, các thầy ra đề không để cho thí sinh (TS) có thể chép nguyên xi một đoạn nào mà hỏi kiến thức trong các phần khác nhau của sách, đòi hỏi TS suy luận, tổng hợp và chọn lọc để trả lời.

Tuy nhiên, đề ra theo kiểu gì thì Lý thuyết Vật lý cũng vô cùng quan trọng.

Học lý thuyết không phải là học thuộc lòng mà phải nắm vững bản chất hiện tượng Vật lý, các định luật trong các hiện tượng ấy và cố gắng vận dụng các định luật để giải thích vào đời sống thực tế.

Khi học sách giáo khoa (SGK), HS nên tự  tóm tắt ý chính (khi chấm thi, giám khảo chỉ chấm theo ý đúng sai chứ không theo câu chữ trong SGK vì vậy thí sinh không cần học thuộc lòng mà chỉ cần hiểu. Lý thuyết Vật lý trong đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.

Thí sinh nên biết tất cả Vật lý (dĩ nhiên là nội dung chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12). Nếu có gì còn yếu trong kiến thức lớp 10 (Cơ học), lớp 11 (Điện, Từ); phần “áp suất” thậm chí nằm trong chương trình lớp 6 và phần “Công” còn nằm ở chương trình lớp 8...

Học ôn là một chuyện, khi làm bài là chuyện hoàn toàn khác. Xin cảnh báo: Các TS thường để “rơi rụng” điểm  một cách  rất lãng phí vì vậy cần chú ý các điểm sau: Câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau, câu lạ để cuối cùng mới xét đến.

Có một hiện tượng tai hại là  thí sinh thường lao ngay vào câu lạ nhất rất mất thời gian mà nhiều khi không giải được; hãy bắt đầu từ câu dễ nhất để lấy sự phấn khích và cảm hứng cho bài tiếp theo khó hơn.

Một điều nữa là thí sinh  cần biết các thầy chấm bài thế nào.

Người hỏi thi (thầy chấm) hỏi không phải vì không biết điều đó mà hỏi là vì muốn xem TS có biết không và biết như thế nào.

Tuy nhiên, rất nhiều TS lại cho rằng những điều dễ như thế, thầy biết  rồi không cần phải giải  thích, không phải trình bày đầy đủ mất thời gian. Đương nhiên vì thế mà nhiều TS mất điểm oan vì sự thiếu cẩn trọng của mình.

Một điều nữa TS nên lưu ý là làm câu nào dứt điểm câu đấy, ghi vào giấy thi luôn, không để xong cả bài thi mới chép thì sẽ không kịp.

Khi trả lời lý thuyết nếu còn những điều mình phân vân cũng cứ viết vào bài làm, bài tập nếu  chưa chắc chắn cũng cứ ghi vào không bỏ qua một chi tiết nào (thầy sẽ chấm và cho điểm những phần đúng).

Khi làm bài, cho  dù đặt các phép tính, công thức hay phương trình..., TS nhất thiết phải lý giải các phép tính, công thức, phương trình đó dựa theo định luật Vật lý nào là cơ sở.

Giám khảo sẽ cho điểm cả 2 phần tính toán và lý giải, chớ để mất điểm nào trong cả 2 phần ấy.

Làm bài tập phải viết đủ các công thức Vật lý, đổi đơn vị, kết quả cuối cùng phải có đơn vị, nếu quên sẽ mất điểm, hình vẽ phải rõ ràng; khi làm 1 câu ngắn gọn TS nên chép trong 1 mặt giấy kẻo sót khi mở trang. Làm giấy nháp cũng phải cẩn thận.

Lỗi TS thường mắc là hình vẽ không rõ ràng, quên đơn vị, tính nhầm số.

Theo TS Nguyễn Ngọc Long
(Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội)
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm