Môn văn học: Đáp án còn nhiều sơ suất

Đề thi và đáp án môn văn tuyển sinh đại học năm nay của Bộ GD - ĐT vẫn không thoát khỏi sự thiếu chuẩn mực của cách dùng từ, đặt câu... và, thậm chí, cả kiến thức.

1. Đáp án câu 1 đề C, có đoạn: “Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực. Dung lượng tác phẩm ngắn gọn, cô đọng, gây ấn tượng sâu sắc...”.

 

Dung lượng “là sức chứa của vật thể” (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh), “là nội dung tối đa có thể chứa đựng bên trong vật gì... Ví dụ: Tiểu thuyết có dung lượng lớn” (Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học). Như vậy, dung lượng của một tác phẩm chỉ có thể là lớn hay bé, nhiều hay ít, to hay nhỏ..., chứ quyết không phải “ngắn gọn, cô đọng”. “Ngắn gọn, cô đọng” là tính chất, đặc sắc của lời văn, bài văn chứ đâu phải dung lượng của nó.

 

2. Đáp án câu 2 đề C, có ý yêu cầu thí sinh “Khái quát về bài thơ Bên kia sông Đuống” (0,5 điểm).

 

Người soạn đáp án đã khái quát như sau: “Bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm là hoài niệm về quê hương thanh bình trong quá khứ và nỗi xót xa trước quê hương đau thương trong hiện tại”. Với “khái quát về bài thơ Bên kia sông Đuống” này, người soạn đáp án chỉ mới khái quát được nửa đầu bài thơ, bỏ sót mất nửa cuối bài thơ, phần “Bộ đội trở về, cùng nhân dân đứng lên chống giặc” (Sách Văn học 12).

 

3. Một trong hai yêu cầu của câu 2 đề C là “phân tích hai trích đoạn thơ”. Một trong hai trích đoạn là 10 câu thơ trong đoạn Đất Nước trích phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm.

 

Người soạn đáp án yêu cầu thí sinh trước khi đi vào phân tích 10 câu thơ, phải “Khái quát trường ca Mặt đường khát vọng” (0,5 điểm). Đây là một yêu cầu mà chỉ người soạn đáp án mới có thể thực hiện được. Bởi Mặt đường khát vọng là một trường ca đồ sộ, học sinh không được học, không có trong sách giáo khoa (SGK), thậm chí, nhiều thầy giáo cũng chưa biết mặt mũi tác phẩm này, huống hồ là học sinh. Bài học Đất Nước trong SGK chỉ là “trích phần đầu của chương V của trường ca Mặt đường khát vọng” (SGK Văn học 12). Còn đề thi lại chỉ là 10 câu của bài học Đất Nước ấy.

 

4. Đáp án câu 2 đề C, so sánh cách cảm nhận về quê hương đất nước của tác giả trong hai trích đoạn thơ, có đoạn: “Trích đoạn trong Đất Nước thể hiện tư duy chính luận sắc sảo (chữ in nghiêng của đáp án nhằm nhấn mạnh, lưu ý - VT) của tác giả...”.

 

Nhận xét trên chứng tỏ đáp án nhận thức sai về đặc trưng tư duy thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Đất Nước nói riêng và trường ca Mặt đường khát vọng nói chung của Nguyễn Khoa Điềm là thơ, chứ đâu phải là văn chính luận, mà “tư duy chính luận sắc sảo!”. Nếu Đất Nước thể hiện tư duy chính luận sắc sảo của tác giả... thì Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh thể hiện tư duy gì của tác giả?! Thực ra nét riêng trong cách cảm nhận về quê hương đất nước của tác giả Đất Nước đã được SGK và SGK Văn học 12 nói rõ: “Đất Nước là đoạn thơ trữ tình – chính luận...”.

 

5. Câu 1 đề văn khối D (đề D): “... trình bày những nét chính trong sự nghiệp thơ văn của Xuân Diệu”.

 

Đây chỉ là “câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức trong SGK”. Và, mặc dầu tác giả đáp án thừa biết rằng “hai tập Thơ thơGửi hương cho gió... SGK không đề cập đến”, ấy vậy nhưng người soạn đáp án vẫn đưa cái “SGK không đề cập đến” vào đáp án: “... Tác phẩm có Thơ thơGửi hương cho gió”.

 

 

Theo Vũ Trinh

Người Lao Động