Môn Giáo dục công dân bị coi nhẹ: Đi tìm lời giải

(Dân trí)-Giáo dục công dân là môn học “xương sống” trong việc rèn đạo đức cũng như lồng ghép các hoạt động kỹ năng sống. Tuy nhiên, không ít học sinh tỏ ra chán nản khi học môn này. Đây cũng là vấn đề mà Văn phòng Chủ tịch nước đang khảo sát để tìm lời giải đáp.

Cần đổi mới để học sinh bớt… chán

Là một người tâm huyết với nghề và đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để thu hút học sinh (HS), cô N.T.P - giáo viên (GV) Trường THPT Bình Giang (Hải Dương) chia sẻ: “HS không mặn mà với môn Giáo dục công dân vì các lí do khác nhau. Đầu tiên là ở các em quan niệm đây là môn phụ dạng vô thưởng, vô phạt và không thi nên chỉ học cho có. Tiếp nữa là do chương trình học tích hợp quá nhiều thứ khiến các em mệt mỏi trong khi tiếp cận. Đối với các em, những vấn đề, nội dung càng đơn giản càng tốt, còn kiến thức mang tầm cỡ vĩ mô quá thì các em rất khó tiếp thu và nhớ được”.

“Việc gần đây có một số hiện tượng đạo đức học sinh chưa tốt không phải hoàn toàn là do nguyên nhân nội dung chương trình Giáo dục công dân có vấn đề. Ở đây cần phải nhìn nhận là do tác động của nhiều nguyên nhân và trong đó có yếu tố gia đình và xã hội” - Thầy Trần Trọng Đại, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)

Đồng quan điểm này, thầy Ngô Mạnh Ngọc - GV một trường THPT ở Nam Định, người đã có kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề - bày tỏ thêm quan điểm: “HS không hào hứng trong các tiết học. Tuy nhiên không thể đổ lỗi hết về phía các em mà còn là do cơ chế của nhà trường nhìn nhận, đánh giá về môn học này và cách truyền đạt kiến thức của mỗi GV”.

Cũng theo thầy Ngọc, dù là môn phụ, nhưng nếu GV tâm huyết và tìm cách làm mới, khiến bài giảng hấp dẫn thì không có lí do gì HS lại quay lưng với môn học này.

Về nội dung chương trình của môn học này, cô Nguyễn Thị Vân - GV Trường THPT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết: Trong sách có quá nhiều những nội dung từ triết học, pháp luật, các vấn đề về bảo vệ môi trường, giao thông, tình yêu, hôn nhân… được tích hợp lại tất với nhau làm cho HS khi tiếp cận cảm thấy rất căng thẳng.

Đơn cử ở sách cũ các vấn đề Tình yêu - Tình bạn - Hôn nhân, gia đình được tách riêng ra thành những bài riêng biệt và được dạy trong nhiều tiết thì ở chương trình sách hiện tại lại gộp chung vào thành bài: “Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình” làm cho khối lượng kiến thức trong một bài giảng quá nhiều.

Thêm một lí do đó nữa là với số lượng tiết học 1 tiết/tuần mà kiến thức nhiều thì việc HS không muốn học là chuyện không khó hiểu. Không chỉ thế, đối với GV cũng tạo tâm lí vì không có nhiều thời gian giảng giải cho HS cặn kẽ các nội dung đó nên cũng chỉ dạy dưới hình thức “cưỡi ngựa xem hoa” cho xong.
 

Một tiết sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề tâm lý học đường tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM
Một tiết sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề tâm lý học đường tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, TPHCM. (Ảnh: NLĐ)

Cô giáo N.T.P chia sẻ thêm: Chương trình trong sách như thế buộc GV phải thực hiện cho dù biết HS không thể tiếp cận được hết bằng đầy kiến thức trong một tiết học. Không dạy hết thì không đảm bảo chương trình mà cố giảng cho xong thì không khác nào kiểu “nhồi nhét” HS.

Đánh giá thực trạng nội dung của môn học Giáo dục công dân, thầy Trần Trọng Đại - GV Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, đối với lớp 10 và 11 thì kiến thức tương đối ổn, nếu cần thì có thể đổi mới lại một chút. Riêng đối với chương trình lớp 12 thì sẽ nhanh lạc hậu.

“Theo quan điểm của tôi thì phân bố chương trình hiện nay đang áp dụng đối với môn học này là chấp nhận được” - thầy Đại nhấn mạnh.

Giáo viên phải đưa thực tiễn vào bài giảng

Thầy Ngô Mạnh Ngọc cho hay Giáo dục công dân là môn học có vai trò quan trọng trong cách rèn luyện được kĩ năng sống cho HS nên GV cần sử dụng những phương pháp hợp lí để HS say học. Ví dụ dạy về nội dung tình bạn, GV không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt những điều khô khan trong sách giáo khoa mà phải mở ra cho các em đến với các vấn đề to hơn và có ý nghĩa hơn. Ví dụ: Nó liên quan đến việc giao lưu, mối quan hệ ngoại giao giữa các nước trên thế giới… Để làm được điều này buộc người dạy phải đọc nhiều tài liệu khác nhau, tích lũy vốn sống và truyền đạt đến HS bằng niềm say mê thực sự của mình.

“Hiện nay, phương pháp sử dụng giáo án điện tử cũng mang lại hiệu quả cao vì những ví dụ được tìm thấy trực tiếp nhờ kết nối mạng wifi ngay trên lớp học. Tuy nhiên, đây là môn đặc thù dạy các em về kĩ năng sống nên cần có nhiều tình huống để các HS lựa chọn và sau mỗi sự lựa chọn đó giáo viên sẽ chỉ ra cho các em thấy đúng ở đâu và sai ở đâu” - thầy Ngọc chia sẻ cách tạo hứng thú cho HS.

Ở góc độ khác, thầy Trần Ngọc Đại cho rằng, bản thân HS thì không bao giờ thể hiện rằng mình không thích một môn học nào đó. Việc có cuốn hút được các em hay không vẫn phụ thuộc vào người thầy là chủ yếu chứ không phải là nội dung chương trình.

“Ở trường tôi vẫn tổ chức cho học sinh học theo nhóm, để các em tự nghiên cứu, tự tìm tòi. Cho các em làm quen với các bài tập thực nghiệm, tình huống… GV chỉ là người định hướng và chốt lại vấn đề” - thầy Đại nói.

Cũng theo thầy Đại, các trường nên tổ chức các hoạt động lồng ghép để vừa đưa kiến thức Giáo dục công dân vào nhưng các em vẫn được vui chơi thoải mái. Biện pháp này sẽ giúp các em bớt căng thẳng và hứng thú với việc học hành hơn.

Nguyễn Hùng - Phạm Oanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm