Mở rộng tầm nhìn về đào tạo hướng tới phát triển đồng thịnh vượng
(Dân trí) - Xu hướng công nghiệp 4.0 với thay đổi về số hóa, cộng hưởng với đại dịch Covid-19 đang tạo ra kịch bản gián đoạn kép của thị trường lao động, đòi hỏi người lao động phải được tiếp cận các cơ hội học tập và phát triển để không bị bỏ lại phía sau.
Sự hợp lực từ "tam giác phát triển"
Trong mỗi quốc gia, cấu trúc xã hội bao gồm 3 thành phần chính là Nhà nước pháp quyền, Kinh tế thị trường và Tổ chức xã hội. Đó là một "tam giác phát triển" mà mỗi đỉnh đều có vai trò và vị trí nhất định và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Ngày 28/10 vừa qua, Diễn đàn đa phương - MSF 2021 với chủ đề "Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung Việt Nam, dưới sự hợp tác kỹ thuật của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam và Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng - LIGHT phối hợp tổ chức đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham dự của hơn 400 đại biểu. Diễn đàn lần này kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương với sự cộng hưởng từ các chủ thể của "tam giác phát triển" trong việc nâng cao năng lực, bồi dưỡng nhân tài nhằm chuẩn bị cho lực lượng lao động thích ứng tốt hơn, biến thách thức thành thời cơ khi đồng thời chúng ta vừa đối mặt với dịch bệnh Covid-19 và chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết Việt Nam hướng tới một nền kinh tế số bao trùm, đòi hỏi phải đảm bảo có sự tham gia đầy đủ của mọi người, kể cả nhóm yếu thế. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là sự khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số. Qua thống kê, 9 tháng đầu 2021, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo hiện tương đối thấp, chỉ đạt 26,1%.
Theo Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT - Chủ tịch mạng lưới Mnet, Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là 2 "đợt sóng" lớn thử thách mọi thành quả, nỗ lực của chúng ta thời gian qua. Người lao động, nhóm người di cư, khu vực phi chính thức sẽ bị "va đập", tác động nặng nề, và có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Đồng quan điểm, tại sự kiện, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam mong muốn cùng thảo luận với các bên về cơ hội mới mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại cho người lao động, đặc biệt là nhóm đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội học tập và phát triển, từ đó đóng góp tích cực, hữu ích, cùng chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Mở rộng tầm nhìn về đào tạo hướng tới phát triển đồng thịnh vượng
Tại Samsung, với triết lý "Công ty chính là con người" - "Nhân sự là vạn sự", các hoạt động đào tạo nhân tài luôn được ưu tiên đầu tư và phát triển đa dạng.
Ông Kim Dae Wook, Giám đốc Đào tạo và Phát triển của Samsung Việt Nam cho biết, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Samsung cần nhất ở người lao động là ý thức học hỏi để đáp ứng yêu cầu và quyết tâm tự nâng cao năng lực của mình. Vì vậy, Samsung Việt Nam đã tiến hành các khóa đào tạo đa dạng cho nhân viên, từ cơ bản đến nâng cao, không chỉ giúp nhân viên học được các nội dung liên quan đến công việc mà còn giúp họ chuẩn bị cho tương lai - một tương lai mà không ai bị bỏ lại phía sau.
Đặc biệt, với quan điểm phát triển đồng thịnh vượng, Samsung mở rộng tầm nhìn hướng tới đối tượng thụ hưởng đào tạo là các doanh nghiệp Việt Nam tiềm năng trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Từ năm 2015, Samsung đã phối hợp cùng Bộ Công thương triển khai chương trình tư vấn đào tạo nâng cao năng lực của các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam. Đến cuối tháng 9 năm 2021, đã có 322 doanh nghiệp được tư vấn cải tiến. Năng lực của các doanh nghiệp cung ứng được cải thiện đồng nghĩa với việc họ sẽ đóng góp lại để nâng cao chất lượng sản phẩm của Samsung. Cao hơn nữa, đó là sự đóng góp vào bức tranh phát triển bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung.
Đặc biệt, trong suốt những năm vừa qua, Samsung Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa nhằm hỗ trợ và tạo nền tảng phát triển cho thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận nhiều hơn đến công nghệ.
"Với thông điệp Cùng bạn kiến tạo tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với thế hệ trẻ Việt Nam trong hành trình làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đồng thời triển khai các hoạt động đa dạng tại địa phương trên tinh thần đồng thịnh vượng", ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết.
Một số chương trình lớn có thể kể đến là Cuộc thi "Samsung Solve for Tomomorrow" nhằm khuyến khích các em học sinh ứng dụng kiến thức của phương pháp giáo dục STEM để đưa ra những giải pháp có tính thực tiễn cho những vấn đề xã hội và cộng đồng tại địa phương; dự án xây dựng "Ngôi trường Hy vọng Samsung" nhằm mang đến các cơ hội tiếp cận với chương trình giáo dục toàn diện cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; dự án "Huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới"; cùng với đó là nhiều chương trình khác dành cho các bạn trẻ như: Dự án "Không gian chia sẻ S Hub" tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng; "Không gian công nghệ S Hub Kids" dành cho các em học sinh yêu thích các môn học STEM; chương trình "Tài năng Samsung" hợp tác với các trường Đại học...