Miễn nhiệm Hiệu phó theo... cảm hứng?
(Dân trí) - Chỉ trong một buổi sáng, bà Phương Thị Hằng từ vị trí là hiệu phó trường THPT Yên Ninh đã bị Sở GD-ĐT Thái Nguyên giáng xuống làm giáo viên bình thường, hơn nữa còn bị điều động đến một trường xa nhà hơn chục cây số.
Ít lâu sau, Sở lại ra quyết định điều động bà trở về trường cũ. Với việc tổ chức cán bộ theo kiểu… tùy hứng, sinh mạng chính trị của một công chức đã bị xúc phạm nghiêm trọng.
Trường THPT Yên Ninh (xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) được thành lập từ tháng 3 năm 2002 trên cở sở nâng cấp trường THCS Yên Ninh. Sau khi trường được thành lập, bộ máy lãnh đạo của nhà trường có ông Lê Văn Nhâm, Hiệu trường vừa được bổ nhiệm, và bà Phương Thị Hằng, Hiệu phó trường THCS Yên Ninh.
Thế nhưng, đến tháng 2/2006, Sở GD-ĐT Thái Nguyên đột nhiên có công văn số 177 “chấm dứt hiệu lực chức vụ Phó hiệu trưởng trường THPT Yên Ninh đối với bà Phương Thị Hằng” mà không hề nêu rõ lý do. Văn bản này là một trong rất nhiều công văn, giấy tờ thiếu khách quan “ông Sở” “ưu ái” dành cho một giáo viên chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Làm Hiệu phó 3 năm không có quyết định bổ nhiệm!
Theo hồ sơ tại Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Thái Nguyên, bà Phương Thị Hằng sinh năm 1960, người dân tộc Tày, trình độ chuyên môn: 10 + 3 và ĐH Ngữ văn hệ ĐH tại chức trường ĐH Thái Nguyên (tốt nghiệp năm 1981).
Năm 1995 bà Hằng được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng trường PTCS Yên Ninh, đến tháng 12/1999 bà tiếp tục được đề bạt giữ chức vụ này theo quyết định 394 của Sở GD-ĐT Thái Nguyên do Giám đốc Lê Duy Vỵ ký.
Đến tháng 3/2002, khi trường THCS Yên Ninh được nâng cấp thành trường THPT, bà Hằng tiếp tục được lãnh đạo Sở cho tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng. Trong suốt 3 năm liền trên cương vị là Hiệu phó, bà Hằng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tằng nhiều giấy khen của địa phương và của Sở GD-ĐT Thái Nguyên.
Trong Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục do Bộ GD-ĐT tặng cũng ghi rõ chức vụ: Phó hiệu trưởng trường THPT Yên Ninh - Phú Lương - Thái Nguyên. Ngày 26/7/2007, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Duy Vỵ, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên cũng khẳng định: “khả năng làm việc của cô Hằng luôn hoàn thành nhiệm vụ, không có sai phạm gì”.
Theo hồ sơ “trích ngang” như trên, ít ai nghĩ rằng, là cán bộ lãnh đạo trường THPT Yên Ninh trong suốt mấy năm liền nhưng bà Hằng chưa một lần được Sở GD-ĐT Thái Nguyên thực hiện thủ tục bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm theo đúng quy trình!
Chỉ đến tận tháng 2/2006 (sau khi thành lập trường THPT Yên Ninh được 3 năm), bà Hằng mới được Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở gọi lên để cùng lúc “tống đạt”cho 2 quyết định dành cho sinh mạng chính trị và vị trí công tác của mình: Quyết định số 81 “thuyên chuyển bà Phương Thị Hằng, giáo viên trường THPT Yên Ninh đến nhận công tác tại UBND huyện Phú Lương, kể từ ngày 1/3/2006” và Công văn số 177 với nội dung “thực chất trường THPT Yên Ninh cho đến nay chưa có chức danh hiệu trưởng”!
Chỉ trong một khoảnh khắc, bà Hằng từ một cán bộ lãnh đạo, là Hiệu phó, đã bị đánh tuột xuống làm giáo viên bình thường. Không những thế, Sở còn điều động bà Hằng đến một trường xa nhà hơn chục cây số. Những việc làm nêu trên của Sở GD-ĐT Thái Nguyên, thông qua các công văn, quyết định hành chính, phải chăng là hành động trù dập một cán bộ công chức mặc dù không có khuyết điểm nhưng là “cái gai” trong mắt ai đó?
Sai phạm về quy trình tổ chức cán bộ
Bà Vũ Thị Hoà, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Thái Nguyên, thừa nhận với chúng tôi: “Trong quá trình kiện toàn về công tác tổ chức và bộ máy, chúng tôi đã quên thực hiện quy trình bổ nhiệm lại Hiệu phó tại trường THPT Yên Ninh. Trong suốt thời gian dài, chúng tôi đã quên 2 việc: Chưa điều động chị Phương Thị Hằng về Phòng GD-ĐT Phú Lương để làm cán bộ quản lý và không làm quy trình bổ nhiệm Hiệu phó mới tại trường Yên Ninh, tất nhiên cũng không làm thủ tục bổ nhiệm chị Hằng làm Hiệu phó”. Khẳng định này của bà Trưởng phòng TCCB có lẽ không cần phải bình luận nhiều. Rõ ràng công tác tổ chức cán bộ tại trường THPT Yên Ninh đang có vấn đề.
Xin được nói thêm rằng, trường THPT Yên Ninh (tiền thân là trường THCS) từ trước đến nay vốn có nhiều vấn đề sai phạm liên quan đến năng lực quản lý và công tác tổ chức. Hầu hết các “đời” hiệu trưởng tại trường này đều có đơn thư tố cáo, thậm chí có hiệu trưởng còn bị Hội cha mẹ học sinh phản ánh là “lăng mạ” họ trước cuộc họp. Đã có 2 hiệu trưởng bị xử lý kỷ luật.
Từ những bất ổn trên, lãnh đạo Sở GD-ĐT Thái Nguyên không ít lần đã phải tiến hành thanh tra, kết luận là có sai phạm. Tuy nhiên, việc xử lý các sai phạm đến nay vẫn chưa được triệt để. Theo một số cha mẹ học sinh, sở dĩ việc xử lý chưa đến nơi đến chốn là vì một số cá nhân sai phạm chưa “hạ cánh an toàn”.
Bà Hoà cho biết, năm học 2005-2006, Sở đã tiến hành rà soát lại đội ngũ quản lý của nhà trường và thấy cán bộ quản lý thiếu, yếu, mất đoàn kết nội bộ. Bà Hoà cho rằng “nếu chị Hằng còn ở lại Yên Ninh thì nhà trường rất khó làm việc”!
Theo Phòng TCCB, việc Hội cha mẹ học sinh có đơn thư phản ánh hiệu trưởng “vô lễ” với họ và kiến nghị xử lý sai phạm về thu chi tài chính cũng do mất đoàn kết nội bộ, thông tin trong nhà trường để lọt ra ngoài làm cho tình hình không ổn định. Với lập luận nêu trên của bà Hoà, phải chăng những sai phạm về tổ chức cán bộ, sai phạm trong công tác thu chi tài chính của một số hiệu trưởng ở đây cần phải được ém nhẹm, “xử lý nội bộ” và “kiểm điểm rút kinh nghiệm” ???
Mặt khác, năm 2002 bà Hằng là cán bộ quản lý, Phó hiệu trưởng trường THCS Yên Ninh. Khi nâng cấp lên trường THPT Yên Ninh bà vẫn làm Phó hiệu trưởng nhưng không có quyết định bổ nhiệm. Đến năm 2006, Sở đột nhiên đánh tuột chức vụ của bà Hằng từ Phó hiệu trưởng xuống “phó thường dân”, bị điều động đi nơi khác.
Chức vụ không còn, uy tín và danh dự của một cán bộ công chức, một Hiệu phó bị xúc phạm trước phụ huynh, học sinh, trước tập thể Hội đồng Sư phạm và dư luận xã hội. Việc tổ chức cán bộ của quý Sở đối với cán bộ công chức dưới quyền như vậy liệu có vẹn chữ Tình và đạt chữ Lý?
Trần Đức