“Mê hồn trận” tuyển sinh

Dù đã có thay đổi so với năm học trước nhưng tuyển sinh lớp 10 vẫn là gánh nặng đối với phụ huynh và gần 70.000 học sinh lớp 9 ở TPHCM. Nhiều phụ huynh bức xúc: họ phải quyết định và chịu trách nhiệm về một việc quan trọng cho con em họ khi không đủ thông tin, thời gian.

Nét mới của tuyển sinh lớp 10 năm nay là: tập huấn trước cho giáo viên để hướng dẫn cho học sinh và phụ huynh; cho học sinh không có hộ khẩu thành phố cũng được đăng ký vào học trường công lập ở TPHCM; dành ra một tuần để phụ huynh điều chỉnh nguyện vọng (từ 23-29/4/2005). Thế nhưng công tác tuyển sinh vẫn “rối như tơ vò” bởi theo các phụ huynh, thời gian chỉ có 4 ngày để đăng ký (từ 12-16/4) không đủ để phụ huynh có những quyết định chính xác trước một “mê hồn trận” thông tin tuyển sinh mà họ không biết tham khảo ở đâu.  

 

Ông Phạm Thế Mỹ, có con đang học lớp 9 trường Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh: Tôi không biết cách ghi 4 nguyện vọng

 

Tôi là dân lao động, chữ nghĩa không nhiều, có biết gì đâu. Mấy hôm trước, cô giáo bắt tôi phải tự ghi đăng ký nguyện vọng cho con tôi. Nhìn bảng điểm tuyển sinh lớp 10 của các trường năm trước mà con đưa tôi tham khảo, tôi hoa cả mắt. Mà điểm chuẩn tuyển sinh là dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, giờ chưa thi, lấy đâu làm căn cứ chọn trường? Ngộ nhỡ nếu lỡ nó thi rớt thì làm sao?

 

Hỏi cô giáo biết đăng  ký trường nào bây giờ thì cô nói nên đăng ký trường nào vừa sức con tôi. Hỏi con thì cháu lại nói: bố ghi đại đi, sắp hết hạn rồi! Thế là tôi ghi đại, toàn trường gần nhà (cô giáo bảo thế mà).

 

Hôm qua, con tôi về bảo là tôi ghi sai rồi, nguyện vọng (NV) 1,2 là trường công lập, mà tôi ghi bán công! NV3, 4 ghi trường “dở” hơn trường ở NV 1,2 nhưng “bố lại ghi NV 3,4 toàn trường xịn hơn”. Trường dở hơn còn không đậu, lấy gì đậu trường xịn. Có ai nói cho tôi biết đâu và tôi đã ghi sai hết.  

 

Bà Nguyễn Thị A., có con đang học lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn: Chẳng biết đường nào mà lần

 

Hôm đi họp phụ huynh, cô giáo nói nên chọn trường phù hợp với sức học của cháu và chọn trường gần nhà theo đúng tuyến dễ vô hơn. Mà con tôi học hơi yếu, trường gần nhà như Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân…  toàn là trường có điểm chuẩn cao, con tôi sao vô nổi?

 

Bà bạn tôi nói cho học bán công, ghi NV3, 4 thôi, đừng ghi NV 1,2 , có gì dễ “chạy” trường hơn. Nhưng con tôi hiếu động, nghịch ngợm, vô bán công tôi không yên tâm.

 

Cô giáo lại “bàn” rằng ghi NV 1, 3 vào cùng một trường, còn NV 2,4 bỏ trống. Ghi vậy lợi hơn. Tôi chẳng biết đường nào mà lần. Mà nguyện vọng của cháu và của cả gia đình tôi là chỉ muốn cháu vào trường Lê Quý Đôn thôi. Thế là chúng tôi hạ quyết tâm, mấy tháng còn lại cháu sẽ ráng học, còn tôi ghi hết 4 NV là vô trường Lê Quý Đôn, ghi trường khác trái tuyến không cho vô cũng vậy.  

 

Bà Huỳnh Thị Ngọc Thuỷ, có con đang học trường Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh: Tôi phải đi “hàng ba”

 

Con tôi học giỏi và tôi cũng đã có kinh nghiệm từ năm trước khi anh ruột tôi chọn trường cho con. Nhưng đến lượt mình, năm nay tôi vẫn thấy mình đang “bơi” giữa rừng thông tin tuyển sinh. Nhà tôi ở quận Bình Thạnh, nhưng năm tới tôi sẽ về Q.8. Cô giáo bảo ghi theo hộ khẩu hiện tại, vào những trường Gia Định, Phan Đăng Lưu. .. Nhưng năm tới tôi sẽ chuyển hộ khẩu qua quận 8. Vậy theo tiêu chuẩn gần nhà, tôi sẽ phải chọn quận nào?

 

Trong khi đó, nguyện vọng của con tôi lại muốn vào trường Bùi Thị Xuân hoặc Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 3 vì sức học của cháu giỏi. Cả nhà tôi gần như bỏ hết việc, chạy đôn chạy đáo trong 4 ngày vẫn không tìm được lối ra. Cuối cùng tôi phải “đi hàng ba”, ghi 4 nguyện vọng ở cả 3 quận Bình Thạnh, quận 8 và quận 3. Thật chẳng ra làm sao!

 

Ông Phan Ngọc Mẫn, có con đang học lớp 9 trường Hoàng Văn Thụ: Không yên tâm với chọn lựa của mình

 

Việc tôi ghi nguyện vọng cho con học trường nào hiện nay hoàn toàn là do thủ tục yêu cầu, chứ thật ra nếu được chọn lựa giữa việc ghi hoặc không ghi nguyện vọng thì tôi sẽ không ghi nguyện vọng nào hết. Bởi vì tôi hoàn toàn không yên tâm với lựa chọn của mình. Chính xác hơn là tôi không thấy rằng mình có nhiều cơ sở chắc chắn khi lựa chọn nguyện vọng, dù rằng tôi đã bỏ ba đêm để nghiên cứu hồ sơ, thông tin tuyển sinh trên báo chí, kết hợp với việc xem lại sức học của con mình.

 

Tôi vẫn còn nhiều thắc mắc, mơ hồ về tuyển sinh lớp 10. Thứ nhất là với chuyện ghi  nguyện vọng. Theo tâm lý phụ huynh thì NV1 sẽ là chọn lựa đầu tiên tương đối đúng với thực lực con em, và đa số nguyện vọng sẽ rơi vào các trường mọi năm có điểm chuẩn cao. Nhưng, đổi lại thì tỉ lệ “chọi” ở các trường đó cũng nhiều hơn. Vậy nên, sẽ xuất hiện tâm lý “thủ”.

 

Trong đợt điều chỉnh, sẽ có nhiều phụ huynh có “bước lùi” bằng cách đổ xô ghi tên vào những trường “ít tên tuổi” hơn. Vô hình trung, điểm chuẩn của trường này được “đẩy” lên cao mà đòn bẩy đó chỉ là do số người nộp đơn nhiều chứ không phải bằng hiệu quả đào tạo mà trường đó mang lại. Con số đó là số “ảo”, điểm tuyển sinh đó là “điểm ảo”!

 

Tôi kiến nghị: nếu được thì nên cho đăng ký nguyện vọng sau khi thi tốt nghiệp. Chúng ta đã có một kỳ thi tốt nghiệp để tổng kết thực lực của  9 năm học tập, tại sao không dùng nó để đánh giá mà lại để phụ huynh đoán trước? Mặt khác, chúng ta nói rằng sức học của con em thì phụ huynh phải biết và theo dõi; nhưng có ai biết chắc chuyện thi cử của con em mình ra sao mà có thể đưa ra dự đoán chính xác?

 

Theo Sài Gòn Tiếp Thị