Mải kiếm tiền từ việc ít liên quan ngành học, sinh viên lo ngày ra trường
(Dân trí) - Vì mải mê kiếm tiền bằng những việc làm thêm chân tay, nhiều sinh viên năm cuối lo lắng vì không tích lũy được kinh nghiệm gì liên quan đến ngành học.
Ham mê kiếm tiền bỏ quên việc "kiếm" kiến thức
Đối với nhiều bạn sinh viên, việc học là nhiệm vụ chính nhưng đi làm thêm cũng là chuyện được các bạn quan tâm. Đa số các bạn sinh viên hiện nay thường lựa chọn đi làm song song với việc học.
Không thể phủ nhận việc làm thêm sẽ giúp các bạn có thêm các trải nghiệm, va chạm thực tế. Tuy nhiên, nhiều sinh viên bị cuốn vào việc kiếm tiền và dần xem nhẹ kiến thức chuyên môn liên quan ngành học của mình.
Ngô Anh Tú (tên nhân vật được thay đổi - PV) - sinh viên năm cuối Đại học Xây dựng Hà Nội - chọn làm tài xế công nghệ để tranh thủ làm thêm từ năm thứ hai Đại học. Nếu chịu khó tận dụng triệt để thời gian ngoài giờ lên lớp, Tú cũng có thể kiếm được 200.000 - 400.000 đồng/ngày. Số tiền kiếm được đủ để Tú trang trải cuộc sống sinh viên, đôi khi còn không phải nhờ đến sự chu cấp của gia đình.
Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị ra trường, nam sinh này mới thảng thốt nhận ra việc làm thêm suốt vài năm qua không giúp gì được cho mình nhiều cho công cuộc xin việc sau ngày ra trường.
"Em chạy xe công nghệ lúc đó chỉ nghĩ trong đầu kiếm được tiền là vui rồi. Nhiều khi bạn bè đi làm thêm ở các công ty còn không bằng thu nhập em chạy nửa tháng ngoài đường, lúc đó thấy phấn khởi lắm.
Nhưng đến giờ, lúc chuẩn bị ra trường, thấy bạn bè đã sớm tìm được việc ở các công ty mảng xây dựng hoặc chí ít có vài năm kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc em mới hiểu được mình đã sai khi mải kiếm tiền thay vì kiếm kinh nghiệm.
Năm cuối chuẩn bị ra trường, ngoài kiến thức sách vở được học hầu như em không có chút kiến thức thực tế nào về ngành học của mình", Tú bộc bạch.
Tương tự như Tú, Chu Mai (tên nhân vật được thay đổi - PV) - sinh viên ngành Marketing, Đại học Tài nguyên và Môi trường - lựa chọn làm phục vụ tại một quán lẩu để tự lập ngay từ năm đầu đại học.
4 năm qua, Mai cũng ý thức về việc cần va chạm với ngành mình đi học nhưng lại tiếc rẻ việc làm thêm cho thu nhập khá đối với một sinh viên. Chia sẻ với phóng viên, cô cho biết: "Em nhiều lúc muốn tìm việc liên quan ngành học để làm thêm nhưng quán đông khách và bà chủ cũng quý nên em làm ở đó phần lớn năm tháng sinh viên.
Hiện tại em rất lo lắng vì không biết bản thân sẽ thế nào sau khi ra trường. Em cũng đã từng thử đi xin việc ở một số chỗ nhưng hầu hết đều muốn người có kinh nghiệm để bắt tay vào việc ngay trong khi em chỉ có kinh nghiệm phục vụ ở quán ăn.
Kết quả là khi vừa nhìn hồ sơ xin việc, công ty đã nhã nhặn từ chối em. Vài lần như vậy khiến em vô cùng lo lắng vì ô kinh nghiệm liên quan công việc ứng tuyển trong CV của em bỏ trống hoàn toàn".
Làm thêm cũng tốt nhưng phải kiếm được kinh nghiệm
Không phủ nhận hiện nay cơ hội làm thêm ngoài giờ học có nhiều hơn đối với mỗi sinh viên. Và mỗi việc làm thêm đều ít nhiều có ích cho sinh viên ở khía cạnh nào đó từ kỹ năng giao tiếp, khả năng thông hiểu địa bàn, kỹ năng xử lý tình huống...
Tuy nhiên, nếu chọn việc làm thêm chỉ để kiếm tiền phục vụ nhu cầu trước mắt, không giúp cho ngành đào tạo thì các bạn sinh viên có thể bỏ lỡ các cơ hội để phát triển kỹ năng, kiến thức chuyên sâu, áp dụng thực tế và giúp cho việc tìm kiếm công việc sau ra trường thuận lợi hơn.
Chia sẻ về vấn đề này của các bạn sinh viên, chị Nguyễn Trang - Quản lý tuyển dụng miền Bắc của một đơn vị truyền thông lớn cho biết: "Mình cho rằng việc các bạn sinh viên muốn kiếm tiền bằng cách làm công việc chân tay thay vì tìm việc liên quan đến ngành học của mình là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt các công việc này chưa yêu cầu nhiều kinh nghiệm, kiến thức mà vẫn có thể kiếm được thu nhập nhất định.
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc các em sinh viên có thể bỏ qua cơ hội phát triển nghề nghiệp và tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực mà các em đang được đào tạo.
Một số ít có thể dành quá nhiều thời gian đi làm mà không thật sự tập trung vào việc học tập tại trường và tham gia các hoạt động bổ sung kiến thức, kỹ năng cho công việc mục tiêu trong tương lai.
Dưới góc độ của nhà tuyển dụng, mình sẽ quan tâm những CV có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu công việc, vì vậy nếu các bạn ứng tuyển các vị trí không tận dụng được những thứ mà công việc chân tay đem lại cho các bạn thì CV sẽ không được cạnh tranh.
Tuyển dụng không chỉ đánh giá ứng viên qua khả năng làm việc thực tế mà còn qua khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học vào công việc. Những ứng viên có kinh nghiệm thực tế trong ngành học của mình thường được ưu tiên hơn".
Chia sẻ thêm, chị Nguyễn Trang nhận định một số công việc dù là tay chân cũng có thể tích lũy được những kỹ năng nhất định như quản lý thời gian, chăm sóc và làm việc với khách hàng, rèn luyện được sự nhanh nhạy và kỷ luật trong công việc. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tập trung rèn luyện những kỹ năng, kiến thức phù hợp với công việc định hướng sau này của bản thân.
Vì vậy, các bạn sinh viên cần xác định rõ định hướng và mục tiêu nghề nghiệp trước tiên. Sau đó, các bạn cần lên kế hoạch và tìm kiếm các công việc part-time, tham gia vào hội nhóm, câu lạc bộ và các hoạt động ngoại khóa để tích lũy kiến thức và kỹ năng liên quan.
Tóm lại, việc cân nhắc giữa việc kiếm tiền ngay và phát triển nghề nghiệp là điều quan trọng đối với sinh viên. Các bạn nên có chiến lược và kế hoạch rõ ràng để đảm bảo rằng sự lựa chọn của mình phản ánh mục tiêu và giá trị cá nhân của bản thân.