Gia Lai:
Mái ấm nuôi dưỡng hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi
(Dân trí) - Nhiều năm qua, mái ấm Thiên Ân (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) là nơi che chở cho hàng trăm em nhỏ người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, ít học, hoặc bị cha mẹ bỏ rơi...
Nhờ vòng tay che chở của các sơ ở mái ấm Thiên Ân, các em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật... đều lớn lên trong niềm vui và trở thành người có ích cho xã hội.
Cảm động tấm lòng người sơ
Đặt tại thôn 4, xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, mái ấm Thiên Ân cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 9km. Mái ấm được sơ Nguyễn Thị Kim Chi thành lập từ năm 2010.
Thuở nhỏ, vì kinh tế gia đình khó khăn, sơ Chi lớn lên trong vòng tay yêu thương của các sơ ở Giáo xứ Thọ Thành (xã Hòa Phú, thành phố Buôn Mê Thuột).
Lớn lên, sơ đi học chuyên ngành Sư phạm Mầm non và học ngành Trồng trọt (Đại học Tây Nguyên) với mục đích mang kiến thức về để giúp những mảnh đời bất hạnh. Hoàn thành khóa học, sơ Chi tiếp tục học một khóa học thành sơ trong vòng 6 tháng.
Năm 2007, sơ Chi về đảm nhiệm công việc tại Tu viện Phao Lô Thiên Ân.
Khi ở Tu viện Phao lô Thiên Ân, sơ Chi có nhiều dịp được đi dạy cho bà con người đồng bào dân tộc thiểu số cách trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Lúc này, sơ Chi chứng kiến những đứa trẻ theo chân cha mẹ đi làm. Không được học chữ, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên những đứa trẻ nhỏ này bị ốm yếu, suy dinh dưỡng rất nhiều.
“Đứa nào cũng đầu trần, chân đất. Các con theo cha mẹ lên rẫy nên khi cha mẹ đi làm thì các con phải tự lo cho nhau. Chúng thiếu ăn, thiếu mặc và hầu hết đều không biết chữ, không biết nói tiếng phổ thông”, sơ Chi bộc bạch.
Nhiều đêm trằn trọc về những đứa trẻ “không tương lai”, sơ đã quyết định thành lập mái ấm Thiên Ân. Lúc này, sơ Chi được người thân giới thiệu một nơi rộng khoảng 1.000 m² tại thôn 4 (xã Chư Á).
Sau khi được sự cho phép của chính quyền địa phương, sơ đã vận động các nhà hảo tâm quyên góp để xây dựng nhà nuôi dạy trẻ mồ côi và đặt tên là “mái ấm Thiên Ân”.
Đến nay, mái ấm Thiên Ân là mái nhà chung của 180 đứa trẻ với nhiều hoàn cảnh khác nhau. 40 nhân viên là phụ nữ, đàn ông, người già neo đơn. Mái ấm còn là nơi cưu mang những bà mẹ lỡ lầm có bầu, không nơi nương tựa.
Nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ em nghèo khó
Sơ Chi bộc bạch: “Mái ấm này như một cuốn sách. Mỗi đứa trẻ là một một hoàn cảnh, một câu chuyện trong đó. Có những câu chuyện buồn, nhiều nước mắt.
Có đứa nhà nghèo có nguy cơ bỏ học giữa chừng, có đứa bị bỏ rơi, có đứa bệnh tật và có cả những đứa trẻ về với mái ấm khi còn đỏ hỏn và hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây như một mái nhà để che chở, bảo vệ, chăm sóc các con trước giông tố cuộc đời khi các con còn quá nhỏ chưa đủ sức đương đầu.
Các em lớn lên trong tình thương và sự đùm bọc của các sơ. Không những thế, các em còn được học nghề để tìm những công việc phù hợp với sở trường của từng em. Các sơ mong muốn, khi rời mái nhà này thì các em có thể tự lo cho bản thân và là người có ích cho xã hội.
Có lẽ với tình thương dạt dào của các sơ, nên những đứa trẻ lớn lên ở đây rất mạnh dạn khi giao tiếp với người lạ.
Em Lê Thị Hoài Thư cho biết: “Em là người đồng bào, em được sơ Chi nhận về nuôi khi còn rất nhỏ và tên của em cũng là do sơ Chi đặt cho. Học hết lớp 9, em không học nữa mà học nghề. Sơ Chi truyền lại cho em cách làm bánh mì. Từ đây, em bắt đầu nhận nhiệm vụ làm bánh mì trong mái ấm để phục vụ bữa ăn cho các em nhỏ ở đây.”
Một hoàn cảnh khác là em Nhip, người Jrai ở xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vì điều kiện gia đình khó khăn có nguy cơ đứt gánh con chữ, nên năm 13 tuổi Nhip được cha mẹ gửi vào mái ấm. Nhờ tình yêu của các sơ, Nhip tốt nghiệp Trung cấp Mầm non và trở về mái ấm dạy chữ cho các em nhỏ nơi đây.
“Em muốn học thêm cái chữ về phụ các sơ dạy bảo các em. Em lớn lên trong vòng tay yêu thương của các sơ nên bây giờ để đáp trả công ơn ấy, em muốn về đây phụ các sơ chăm sóc các em nhỏ hơn. Dạy cho các em biết chữ, mai sau nếu không đi học cao thì cũng biết để học cái nghề, nuôi sống bản thân mình”, em Nhip chia sẻ.
Hầu hết các công việc ở mái ấm đều là do những người đã được mái ấm chăm sóc hoặc là người khuyết tật, không có việc làm được các sơ tạo điều kiện làm tại đây.
Chị Y Hrul, người Xê Đăng ở làng Đak Lech (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) cho biết: “Mình vốn là mẹ đơn thân phải nuôi tới 3 đứa con thơ. Nhà nghèo lắm, không có đất ở, đất làm ăn. Gần 2 năm qua, mình được các sơ chở che, tạo công ăn việc làm. Ở mái ấm này, mình thường chăm sóc các em bé sơ sinh bị gia đình bỏ rơi. Từ ngày về đây, mẹ con mình có chỗ ở, con cái thì được đi học. Tết năm vừa rồi mình cũng đón Tết cùng các sơ ở đây. Mình biết ơn các sơ lắm.”
Sơ Chi cho biết: “Ở đây, việc khó nhất là khai thác được điểm mạnh của các em. Một số em không có bằng cấp để đi học nghề, sơ cho đi học các tiệm điện, cơ khí, mở lò bánh mì giúp các em sống bằng nghề đó. Nhờ vậy, có một số em có đồng ra, đồng vào gửi về cho gia đình mình.”
Chia tay mái ấm vào giữa trưa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ ríu rít theo chân nhau đi học về, mừng rỡ khoe với các sơ những điểm 10. Những đứa trẻ học buổi chiều thì đang rửa chén bát, chuẩn bị áo quần để chuẩn bị kịp giờ vào lớp. Ngôi nhà chung ấy luôn rộn ràng tiếng cười trẻ thơ.
Phạm Hoàng