GS.TS. Đinh Quang Báo:
Lương giáo viên tăng, chưa chắc chất lượng giáo dục tăng theo!
(Dân trí) - Các nước Đức, Anh, Mỹ kiên trì chính sách “mạnh tay” chi tiền nhằm nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong nhiều năm nhưng kết quả giáo dục vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, lương giáo viên (GV) ở các nước thành công nhất trong giáo dục trên thế giới không cao hơn một số ngành - chỉ đủ sống trên mức trung bình cộng. Đó là thông tin được đưa ra trong tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông và đề xuất cho Việt Nam” của GS.TS. Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội gửi tới Hội thảo Giáo dục 2017.
Lương giáo viên không cao, Phần Lan vẫn có nền giáo dục đáng mơ ước nhất?
Bài học từ thất bại cũng như từ thành công trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở một số nước đều là ở chính sách GV. Đức, Anh, Mĩ rút ra bài học đó từ thất bại trong nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; Phần Lan, Canada, Nhật, Hàn Quốc bài học rút ra từ thành công.
Đó là kết luận từ nghiên cứu của tổ chức McKinsey sau “cú sốc PISA” của nhiều nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Bài học rút ra từ nghiên cứu này là không phải cứ chi nhiều tiền hơn thì thành công nhiều hơn khi giải bài toán nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Nước Anh đã tăng chi tiêu cho giáo dục trên mỗi đầu học sinh gần gấp 3 lần kể từ năm 1970 đến nay, đã thực hiện tăng quyền tự chủ cho trường; đổi mới sách giáo khoa, kiểm tra đánh giá, giảm sĩ số lớp học, tuyển sinh,... Dù kiên trì các giái pháp đó nhiều năm nhưng kết quả giáo dục vẫn không thay đổi. Mỹ, Úc cũng có chính sách như Anh nhưng kết quả cũng tương tự.
Nghiên cứu của McKinsay đã chỉ ra bí quyết từ các nước có thành công nổi bật trong chất lượng giáo dục phổ thông như Phần Lan, Canada, Nhật, Singapore, Hàn Quốc là cần thực hiện 3 chính sách: Tuyển những GV giỏi nhất, tạo điều kiện để GV phát huy hết năng lực, trợ giúp kịp thời khi học sinh có sa sút trong học tập.
Tuyển GV giỏi nhất bằng cách thu hút sinh viên tốt nghiệp sư phạm giỏi nhất, tuyển sinh vào sư phạm những học sinh phổ thông giỏi nhất, tăng trình độ đào tạo GV tối thiểu là cử nhân đại học sư phạm và thạc sĩ.
Ví dụ, ở Phần Lan, GV tối thiểu có bằng thạc sĩ, Hàn Quốc tuyển dụng GV tiểu học trong tốp 5% cử nhân giỏi nhất; Singapore, Hàn Quốc tuyển sinh vào sư phạm trong tốp 30% giỏi nhất. Để thu hút nhiều ứng viên giỏi nhất vào sư phạm, thu hút GV giỏi nhất, các nước này đã đào tạo GV cân bằng giữa cung - cầu, ngay sau khi được tuyển chọn Bộ Giáo dục đảm bảo chắc chắn có việc làm và như trên đã nói ở một số nước trong khi học ở giai đoạn cuối sinh viên đã được hợp đồng làm công chức nhà nước.
Bằng cách này vừa không tạo áp lực thừa -thiếu GV, kích thích thu hút được tinh hoa vào sư phạm, vừa làm cho dạy học là một nghề cao quý do tính cạnh tranh cao để vinh dự được làm GV. Đào tạo có quy hoạch cân đối cung - cầu là giải pháp để đầu tư kinh phí cao cho đào tạo mỗi sinh viên sư phạm. Tiền đầu tư cho sinh viên sư phạm ở các nước này là rất cao. Lương GV ở các nước thành công nhất trong giáo dục không cao hơn một số ngành nhưng họ đủ sống trên mức trung bình cộng với môi trường làm việc thực sự dân chủ khuyến khích tự do sáng tạo nghề nghiệp là bí quyết để có đội ngũ GV chất lượng cao - chìa khóa vạn năng thành công giáo dục.
Giáo viên luôn được bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp
Ở các nước có thành tích giáo dục phổ thông hàng đầu thế giới nêu trên có chính sách tạo điều kiện GV được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
Ví dụ, Singapore dành cho GV 100 giờ mỗi năm để được bồi dưỡng, Phần Lan mỗi tuần GV được dành 1 buổi để bồi dưỡng; tạo môi trường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học cũng là biện pháp quan trọng để liên tục bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp GV.
Mỗi trường là một tổ chức phát triển nghề nghiệp. Ví dụ, Singapore phân công GV giỏi giám sát, bồi dưỡng GV khác; Phần Lan, Nhật tổ chức các nhóm GV dự giờ lớp học của nhau và cùng chuẩn bị bài giảng, cùng nghiên cứu tác động cải tạo thực tiễn hoạt động giáo dục của chính mình và của nhà trường.
Đó là lí do để một nhà giáo rút ra nhận xét: “Khi một GV giỏi người Mĩ nghỉ hưu gần như tất cả các kế hoạch giảng dạy và phương pháp giảng dạy mà GV đó tạo được cũng nghỉ hưu theo. Khi một GV Nhật nghỉ hưu, GV đó để lại một di sản”. (trích theo Nguyễn Thành Huy từ “The ECONOMIST”).
Những phân tích trên cho thấy chất lượng của một hệ thống giáo dục không thể vượt qua chất lượng của đội ngũ GV trong hệ thống đó. Các nghiên cứu tại Tennessee và Dallas (Mỹ) đã chỉ ra rằng nếu bạn nhận những học sinh trung bình và giao các em này cho những GV nằm trong tốp 20% GV giỏi nhất thì cuối cùng các em này sẽ lọt vào 10% số học sinh có thành tích tốt nhất. Nếu giao cho những GV nằm trong tốp 20% GV kém nhất thì các em sẽ đội sổ. Chất lượng GV ảnh hưởng tới thành tích học tập của HS nhiều hơn mọi yếu tố khác (Dẫn theo nguồn trên).
Đề xuất cho Việt Nam: Thu hút người giỏi, giỏi nhất vào Sư phạm!
Để phát triển đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, có nhiều giải pháp được giải quyết đồng bộ. Hãy chọn lấy giải pháp cốt lõi của cốt lõi. Đối với Việt Nam hiện nay giải pháp tiên quyết đó là:
1. Thu hút người giỏi, giỏi nhất vào sư phạm để đào tạo thành GV giỏi bằng cách khảo sát, qui hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại GV phổ thông để xác định, điều chỉnh cân bằng cung - cầu. Tiếp đó điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm bảo đảm đầu ra có việc làm.
2. Khi cân bằng cung - cầu được thiết lập thì các trường sư phạm không phải gồng mình chạy theo số lượng, sẽ có điều kiện đổi mới phương thức đào tạo theo tiếp cận gắn đào tạo với thực tiễn tác nghiệp và đầu tư cao hơn cho việc đào tạo mỗi sinh viên sư phạm. Cần phải quán triệt điều này, nếu không việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm lại là thảm họa thiếu kinh phí cho các cơ sở đào tạo GV do suất đầu tư kinh phí trên đầu sinh viên không tăng như hiện nay.
3. Quy hoạch lại mạng lưới sư phạm để xây dựng các cơ sở đào tạo GV với quy mô đảm bảo đào tạo chất lượng cao mọi chuyên ngành, mọi trình độ đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học nhờ có đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng ngũ giảng viên. Sư phạm là “máy cái của máy cái” nên nếu có đầu vào tốt, mô hình sư phạm tiên tiến tất yếu sẽ có đầu ra giỏi bổ sung, thay thế, cải tạo đội ngũ GV.
4. Chế độ với đội ngũ GV: Trước hết thu nhập của GV phải đủ sống ở mức trung bình khác trong tương quan xã hội sao cho họ toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho nghề giáo dục. Trong lúc hạn hẹp về tiền thì cần biết chọn mục đầu tư. Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số 1.
Cùng với yếu tố vật chất là tạo môi trường làm việc sao cho GV vừa có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng, tự bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp. Biên chế GV không chỉ và không lấy trọng tâm là số người mà trọng tâm là biên chế về chất lượng nghề nghiệp. Theo cách này sẽ tạo được sự cạnh tranh sàng lọc lành mạnh, khách quan. Đo, đánh giá chất lượng bằng chuẩn nghề nghiệp và cạnh tranh của GV là cạnh tranh với chuẩn nghề nghiệp. Đó cũng là cách làm cho chuẩn nghề nghiệp đi vào cuộc sống nhà trường, cuộc sống nghề nghiệp của chính từng GV. Sợ chuẩn phải không còn là cảm xúc của mỗi GV nữa. Thêm nữa, cùng với “giáo viên giỏi nhất”, một giải pháp đòn bẩy tạo đột biến chất lượng giáo dục Việt Nam là “cán bộ quản lý trường học giỏi nhất”.
GS.TS. Đinh Quang Báo
Nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội