Lùm xùm "giáo sư âm nhạc" Ngọc Sơn: Không có chuyện gì mà ầm ĩ lên thế!

(Dân trí) - Tôi không có thiện cảm với ca sĩ Ngọc Sơn, nhưng vì quá nhiều người đang vô lý "đánh hội đồng" danh hiệu "Giáo sư âm nhạc" Ngọc Sơn mà tôi xin có một vài ý kiến để có cái nhìn công bằng về cụm từ Giáo sư âm nhạc hiện nay.

PGS.TS Ngô Tứ Thành, Viện Sư phạm kỹ thuật – Đại học Bách Khoa Hà Nội đã gửi tới Dân trí bài viết bày tỏ quan điểm của ông về vụ lùm xùm "giáo sư âm nhạc" Ngọc Sơn hiện nay.


Ca sĩ Ngọc Sơn gây choáng trong dư luận về ghi chức danh giáo sư âm nhạc

Ca sĩ Ngọc Sơn gây "choáng" trong dư luận về ghi chức danh "giáo sư âm nhạc"

Những bất cập hệ thống Giáo sư Việt Nam

Trước hết cần phải trả lời rõ câu hỏi: "Giáo sư” là chức danh, chức vụ hay nghề nghiệp?

Giáo sư chức danh

Nếu xem Giáo sư (GS) là chức danh thì Giáo sư là một ghi nhận, tôn vinh …có giá trị khi được nhà nước PHONG TẶNG... Danh hiệu này đi suốt cuộc đời, không phụ thuộc tuổi tác, đang làm việc hay đã nghỉ hưu, không hạn chế số lượng và cũng không thể tước bỏ trừ trường hợp rất đặc biệt.

Giáo sư chức danh giống như danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú…chỉ có hình thức PHONG TẶNG, VINH DANH không thể có BỔ NHIỆM.

Giáo sư chức vụ

Nếu xem Giáo sư là một chức vụ khoa học, thì phải được cơ quan quản lý giáo dục cao nhất BỔ NHIỆM trong thời gian giảng dạy ở trường Đại học nếu xứng đáng với tiêu chuẩn đã qui định.

Khi vị Giáo sư đó về hưu, chuyển công tác khác, hoặc không xứng đáng nữa thì miễn nhiệm và tuyển chọn để bổ nhiệm người khác.

Giáo sư nghề nghiệp

Ở Miền nam, trước năm 1975 dưới chế độ cũ, Giáo sư không phải BỔ NHIỆM, không PHONG TẶNG mà chỉ là từ dùng để chỉ NGHỀ NGHIỆP cho người đi dạy học. Hiện nay theo “quán tính” ở các tỉnh Miền nam, người dân vẫn quen gọi những giáo viên trung học của chế độ cũ là Giáo sư.

Do lịch sử để lại, ở Việt Nam hiện nay, Giáo sư vừa là chức danh, vừa là chức vụ …. vừa là từ dùng chỉ nghề nghiệp.

Bất cập quản lý

Cho đến bây giờ (tháng 8/2017), Việt Nam vẫn xem Giáo sư vừa là chức danh, vừa là chức vụ, vừa phong tặng vinh danh vừa bổ nhiệm. Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước tổ chức PHONG TẶNG trao giấy chứng nhận cho các Giáo sư ở Văn Miếu Quốc tử giám, sau đó Giáo sư về lại các trường xin BỔ NHIỆM.

Những người đã nhận sổ hưu hơn 20 năm vẫn có trong danh sách PHONG TẶNG & BỔ NHIỆM Giáo sư là “chuyện thường ngày ở Huyện”. Nhiều vị cán bộ lãnh đạo không tham gia giảng dạy vẫn để mọi người xứng danh là Giáo sư …

Những bất cập kể trên đã tác động đến tâm tư trong mọi tầng lớp xã hội, họ không còn “tâm phục khẩu phục” về các quy chuẩn của nhà nước về Giáo sư mà “trăm hoa đua nở”.

Tháng 3/2016 Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm Giáo sư và những cuộc tranh luận trái chiều về Giáo sư ngày càng trở nên gay gắt vẫn chưa ngã ngũ.

Bất cập về phía người dân.

Do quan niệm Giáo sư là từ dùng để chỉ để nghề nghiệp nên rất nhiều người tự ghi mình là Giáo sư. Nếu nhà nước khảo sát trên toàn quốc Việt Nam, số cá nhân “tự phong” Giáo sư không phải là ít.

Trường hợp Phạm Văn Hưng tự lập ra Học viện kinh tế sáng tạo rồi tự gắn mác Giáo sư là một ví dụ. Nếu như không xuất hiện video clip Phạm Văn Hưng chửi tục lăng mạ người học, bị giới truyền thông phản đối thì biển Giáo sư Hưng đến bây giờ vẫn chưa bị gỡ xuống.


Bằng khen phong tặng Ngọc Sơn là Giáo sư âm nhạc. Ảnh: Vietnamnet.

Bằng khen phong tặng Ngọc Sơn là Giáo sư âm nhạc. Ảnh: Vietnamnet.

Luận bàn về "Giáo sư âm nhạc" Ngọc Sơn

Ngọc Sơn không phạm luật khi ghi là "Giáo sư âm nhạc"

Bản thân Ca sĩ Ngọc Sơn chỉ xem Giáo sư âm nhạc là cụm từ chỉ nghề nghiệp, không hề tự phong như mọi người chỉ trích. Khi sang Nhật dạy nhạc, ở đó họ gọi Ngọc Sơn là giáo sư dạy nhạc.

Về Việt Nam, Ngọc Sơn chỉ ghi khiêm tốn nghề nghiệp là Giáo sư âm nhạc. Cũng như Phạm Văn Hưng, nếu Ngọc Sơn không phải là người nổi tiếng chắc chắn sẽ không bị mọi người tham gia chỉ trích đánh Hội đồng như thời gian vừa qua.

Nếu ca sĩ Ngọc Sơn phạm luật vì tự phong là Giáo sư âm nhạc thì rất nhiều cán bộ đã về hưu hoặc không tham gia giảng dạy nhưng vẫn ghi trên danh thiếp là Giáo sư cũng phạm luật. “Mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật”.

Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam không phạm luật

Hội nghệ nhận và thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen cho Ngọc Sơn vì: "đã có nhiều hoạt động xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa VN”. Đây là bằng khen hoàn toàn không phải quyết định phong tặng hay bổ nhiệm Giáo sư âm nhạc cho ca sĩ Ngọc Sơn.

Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam đang làm một việc không sai luật, nhưng nếu như ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam mà thu hồi bằng khen của ca sĩ Ngọc Sơn thì chính Ông Dũng lại phạm luật.

PGS.TS Ngô Tứ Thành

Viện Sư phạm kỹ thuật – Đại học Bách Khoa Hà Nội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm