Luẩn quẩn học thêm
Vào năm học mới được hai tháng, học sinh đang chuẩn bị cho kỳ kiểm tra giữa học kỳ, nhiều phụ huynh, học sinh tỏ ra vô cùng mệt mỏi khi phải đảm bảo lịch học trên lớp và theo đuổi đưa đón con đến những ca học thêm liên tục. Họ kêu trời vì học thêm quá nhiều mà hiệu quả không biết tới đâu.
Bơ phờ vì học thêm
Theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, khối tiểu học học hai buổi một ngày và chỉ học 5 ngày trong tuần. Hai năm nay các trường tiểu học đã thực hiện Thông tư 30 của Bộ về việc cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học, thay việc chấm điểm cho học sinh (HS) bằng nhận xét, giảm bớt áp lực điểm số cho học sinh. Điều này mang đến hy vọng thay đổi tư duy học thêm nhưng sự thực không như vậy.
Chọn giờ tan trường, chúng tôi tới một số trường tiểu học của Hà Nội để khảo sát vấn đề học thêm thông qua các vị phụ huynh. Cứ 10 người được hỏi thì có đến 9 người xác nhận cho con đi học thêm dưới nhiều hình thức như học gia sư nhà, học nhóm, học thêm cô chủ nhiệm. Thậm chí nhiều phụ huynh còn vừa cho con học thêm ở nhà cô giáo vừa học gia sư các môn cơ bản.
Ngoài số ít phụ huynh không có điều kiện kèm cặp con cái vì điều kiện công việc, còn phần lớn cho rằng học thêm giống như cuộc đua, nếu không con mình sẽ không theo kịp các bạn vì các cháu đều học thêm cả.
Quá giờ tan học khá lâu, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) vẫn còn khá đông phụ huynh chờ đón con. Hỏi ra mới biết, trường tổ chức trông giữ thêm một tiếng cuối buổi chiều đối với những học sinh mà bố mẹ không thể đón con đúng giờ tan trường (16h10 phút), chi phí mỗi tháng 200 ngàn đồng.
Một nữ phụ huynh có con học lớp 2 chia sẻ: Lớp cháu có khoảng gần hai chục bạn ở lại. Nhà tôi thực ra vẫn có thể đón đúng giờ nhưng muốn cho con ở lại để cô hướng dẫn làm bài tập về nhà luôn, vất vả một thể, tối về còn đi học thêm. Cứ bảo bậc tiểu học không giao bài về nhà chứ tôi thấy vẫn nhiều lắm. Vậy còn với những bạn không ở lại học thì sao? Thì nhà trường yêu cầu cam kết đón con đúng giờ. Ra vậy, đây có phải là một biến tấu của học thêm?
Chị M.Tr. - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học T. T. (Đống Đa) chia sẻ: 7h sáng ngày chủ nhật vừa rồi chị đánh thức con gái đang học lớp ba dậy đi học, sững người và trào dâng cảm giác thương con xen lẫn khó xử khi nghe cháu than: Trời ơi sao cứ phải quằn quại học thêm thế hả mẹ! Học suốt tuần rồi, con mệt lắm, mẹ cho con nghỉ đi. Quả thật thấy cháu bơ phờ, mệt mỏi, hai mắt không mở được vì thiếu ngủ mà rối bời.
Nhẩm tính, tuần con có ba buổi học gia sư, hai buổi học võ sau giờ tan học, hai buổi học tiếng Anh và một buổi học thêm cô giáo chủ nhiệm. Chị Tr. lý giải, dù biết chỉ học ở trường con đã vất vả nhưng môn tiếng Anh vô cùng cần thiết sau này nên phải tập trung ngay từ bây giờ, võ là để con vận động, rèn luyện sức khỏe vì thời gian ngồi bó gối trong lớp quá lớn, hơn nữa về nhà không có sân chơi, các cháu hễ ra ngõ nô đùa là hàng xóm không hài lòng, mắng mỏ.
Còn học thêm cô giáo thì… cô thông báo công khai tại buổi họp phụ huynh đầu năm, hầu như mọi người tham gia cả, chẳng lẽ mình lại không, chuyện tế nhị mà.
Chị Q. - phụ huynh HS Trường tiểu học Thanh Lương tâm sự: Nhà em hai vợ chồng công việc không ổn định nên chưa tính đến việc học thêm của con. Nhưng từ đầu năm cô giáo cứ nhắn tin con yếu môn này, cẩu thả môn kia, rồi lại mất trật tự trong lớp, quên đồ dùng học tập… Việc cô giáo quan tâm là tốt, nhưng em nghĩ cũng là cô ngầm nhắc nhở con đi học thêm vì cháu nhà em là số ít trong lớp chưa học thêm.
Biết rõ lợi hại vẫn khó gỡ
Phân tích, lý giải về việc dạy thêm, nhiều giáo viên cho rằng thời gian trên lớp thường không đủ để dạy hết những bài dài, bài khó và luyên tập nên phải dạy thêm để chuyển tải hết nội dung bài học cho học sinh. Còn phụ huynh như phân tích ở trên thường tự buộc mình phải tham gia cuộc đua bất đắc dĩ, nếu không học thêm con mình sẽ không theo kịp các bạn hoặc sợ mất lòng giáo viên. Còn với học sinh- chủ thể chính của việc học thêm thì mỗi ngày đến trường thêm bơ phờ, mệt mỏi.
Nói về việc này, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội khẳng định, đây là nhu cầu của phụ huynh học sinh lẫn giáo viên. Một bên muốn cho con theo kịp bạn bè, thậm chí vượt, một bên muốn nâng cao thu nhập. Cô hiệu trưởng này cũng xác nhận chương trình học chính khóa hiện nay khá nặng, với thời lượng trên lớp thì rất khó có thể giáo viên truyền tải hết kiến thức cho các em học sinh.
Theo đó không tránh được tình trạng giáo viên không dạy hết kiến thức trên lớp, học sinh phải về nhà học thêm hoặc dạy thêm cho chính học sinh của mình. Thực ra, giáo viên nếu có phương pháp dạy tốt, hướng dẫn các em tự học ở nhà thì cũng không cần phải dạy thêm, học thêm.
Về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe học sinh, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy- giảng viên Học viện Hành chính TP HCM cho rằng, học thêm nhiều sẽ có hại cho trẻ bởi trẻ đã học cả ngày ở trường rồi, nếu học thêm nữa trẻ sẽ học trong trạng thái mệt mỏi, khó tiếp thu được bài vở. Ở lứa tuổi tiểu học, trẻ cần chơi đùa để lớn lên có đôi mắt tinh nhanh và cơ thể khỏe mạnh. Học thêm nhiều thậm chí còn thui chột tư duy, sáng tạo của trẻ.
Trước phản ánh của cử tri về tình trạng dạy thêm và học thêm ở các cấp học, đặc biệt là bậc tiểu học còn diễn ra phổ biến, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Giáo dục & Đào tạo ngày 20-10 vừa qua, Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học Phạm Ngọc Định cho biết, Bộ đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tuy nhiên chưa giải quyết triệt để vấn đề này vì nhiều lý do, trong đó có những phụ huynh vì muốn con hơn bạn bè vẫn có nhu cầu học thêm, hay một số giáo viên vì lý do nào đó chưa chấm dứt được dạy thêm.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận dạy thêm, học thêm hiện vẫn tồn tại và để giải quyết triệt để vấn đề này không thể chỉ là giải pháp hành chính, mà cần nhiều giải pháp khác. Cần phải xác định, nếu học sinh đã học 2 buổi/ngày thì không cần phải học thêm.
Việc học thêm, dạy thêm như cái vòng luẩn quẩn. Phân tích, lý giải có thể đã rõ, nhưng gỡ thế nào thì cả cấp quản lý, giáo viên và phụ huynh đều chưa tìm ra.
Theo Sỹ Bình
Đại Đoàn Kết