Lớp luyện thi của người thầy chưa tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Hơn 5 năm đứng lớp, anh Cao Văn Vụ (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) dạy học và luyện thi cho hơn 35 học sinh lớp 12, trong đó có hơn phân nửa thi đỗ ĐH, CĐ. Một điều đặc biệt là "thầy giáo không lương" này chưa có tấm bằng tốt nghiệp THPT.

Anh Cao Văn Vụ sinh năm 1987, ngụ ấp Tân Hưng, xã Thanh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Khi đang học lớp 12 Trường THPT Thốt Nốt, anh Vụ đột nhiên mắc căn bệnh hở van tim 2 lá, bệnh tình mỗi lúc một nặng, gia đình không có tiền phẫu thuật tim cho anh nên Vụ đành bỏ học nửa chừng.

Lớp học đặc biệt

Đến vùng đất học Vĩnh Thạnh, hỏi thăm "thầy giáo" Vụ thì bà con ai cũng biết. Được một người dân chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà thầy giáo Vụ, đúng lúc anh đang đứng lớp. Tiếng con trẻ đánh vần bi bô, xen kẽ những câu hỏi về cách giải phương trình, công thức hoá học… thì thầm trao đổi vọng ra từ căn chòi lá chưa đầy 25m2 ở ấp Tân Lộc. Có khách đến thăm, lớp học nghỉ ít phút trong tiếng cười đùa rộn rã của các học trò.

Thầy Vụ khiêm tốn: “Các anh chị gọi mình là Vụ được rồi, chứ ai đời làm thầy giáo mà chưa có cái bằng tốt nghiệp lớp 12”. Chúng tôi hỏi tiếp về cơ duyên nào anh quyết định mở lớp học đặc biệt này, anh Vụ bùi ngùi cho biết: “Từ khi nghỉ học, mình quanh quẩn ở nhà có dịp tới lui với bà con trong xóm rồi phát hiện có nhiều em học sinh muốn đi học thêm nhưng vì gia đình khó khăn nên không thể đi học. Thấy mình có chút kiến thức có thể giúp các em nên nói với các phụ huynh cho các em đến nhà để mình chỉ bảo việc học hành.”

Để có một lớp học như hôm nay, bà con trong xóm góp cây để dụng phòng học. Thầy Vụ còn tự mình đến các trường học xin các bàn ghế cũ mang về sửa lại cho các em ngồi học. Mặc dù căn phòng không sang trọng, nhưng các phụ huynh trong xóm có thể an tâm để con mình theo học tại lớp học tình thương của thầy Vụ. Cuối tháng, phụ huynh gửi thầy con cá, mớ rau và 5.000 - 10.000 đồng cho thầy Vụ trả tiền điện, nước.

Thầy Vụ đang luyện thi cho 7 em học sinh lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới
Anh Cao Văn Vụ đang luyện thi cho 7 em học sinh lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.

Anh Vụ cho biết, ban đầu lớp học chỉ có 3, 4 học sinh tiểu học. Sau khi dạy được năm đầu, lớp học của thầy cứ tăng dần về số lượng và lớp học đa dạng thêm thành phần và lứa tuổi vì có thêm các học sinh bậc THCS và bậc THPT. Bởi thế, để có đủ “công lực” truyền cho các học trò, Vụ phải nghiên cứu lại sách giáo khoa, sách hướng dẫn… và không bỏ sót các chương trình luyện thi trên truyền hình.

Thầy Vụ cảm động nói: "Tôi không sao quên được lúc tụi nhỏ đến học. Cầm những bàn tay chai sần, vì cực nhọc của lũ trẻ tội nghiệp lắm. Không có tiền mua bảng, tôi tháo cánh tủ làm bảng viết. Lớp học thiếu thốn đủ bề, nhưng tôi hạnh phúc vì lũ trẻ chăm chỉ học. Mưa cũng như nắng, ngày nào các em cũng không bỏ lớp, đây cũng là động lực giúp mình vượt lên bệnh tật để đến với các em".

Bằng tấm lòng cảm thương với những đứa trẻ nhà nghèo, thầy Vụ xem học trò như những đứa em ruột thịt trong nhà. Hiện tại, lớp học tình thương của thầy có hơn 35 em, thầy Vụ chia ra làm 3 buổi: sáng, chiều, tối, tuy nhiên em nào bận việc thì có thể đến bất cứ giờ nào thầy Vụ cũng cho vào lớp. Vì thế, lớp học của thầy đặc biệt ở chỗ có học sinh lớp 1 cho đến học sinh lớp 12 và cả những anh chị luyện thi ĐH-CĐ.

"Mong có sức khỏe để tiếp tục đứng lớp"

Là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em, anh Vụ cũng là người thông minh sáng dạ nhất nhà. Trong suốt 11 năm học, Vụ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong quá trình đi học, Vụ được thầy cô và bạn bè Trường THPT Thốt Nốt quý mến về sự thông minh và chăm chỉ học hành. Nhưng bất hạnh ập đến khi Vụ vừa thi học kỳ 1 năm lớp 12 xong, sức khỏe của anh yếu dần vì căn bệnh hở van tim làm anh khó thở, Vụ không thể đến lớp đành khép lại ước mơ trở thành một kỹ sư ngành Công nghệ thông tin.

Năm năm qua, cứ 2 tháng là anh Vụ bắt xe lên TPHCM để tái khám căn bệnh tim và lấy thuốc uống. Anh Vụ cho biết, mỗi lần đi như vậy, chi phí cũng hơn 3 triệu đồng và toàn bộ số tiền này do anh chị em gom góp cho, chứ bản thân anh không thể làm được việc gì ra tiền ngoài việc truyền lại kiến thức cho các học sinh nghèo ở xóm.

Em Nguyễn Kim Tuyền - học lớp 11C2, Trường THPT Trung An nói: “Biết hoàn cảnh khó khăn của thầy mà thầy vẫn không lấy tiền phụ đạo của tụi em nên tụi em rất quý trọng thầy Vụ. Chỉ đên cuối tháng, tụi em gom lại 5.000 - 10.000 đồng (tuỳ theo khả năng của mỗi người) giúp thầy đóng tiền điện, nước. Hoặc biếu thầy mớ rau, con cá cho thầy bồi dưỡng sức khoẻ để dạy tụi em.”

Gần 5 năm dạy học, hàng chục trẻ em nghèo ở đây được thầy giáo không lương dạy cho cái chữ. Hiện tại, hàng ngày thầy Vụ đang kèm cho hơn 20 em ở các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó thầy đang luyện cho 7 em học sinh 12 chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.

Ông Đặng Phúc Minh - phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ: “Ban đầu các phụ huynh còn nghi ngờ về khả năng của anh Vụ lắm, tuy nhiên sau vài buổi đến chứng kiến cách thì chỉ bảo con em họ thì các phụ huynh hoàn toàn an tâm. Trong những lần đi tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ra những học sinh có học lực yếu, gia đình khó khăn là gửi ngay cho thầy Vụ, cùng tiếp tay trong công tác xây dựng một xã hội học tập. Nhưng mỗi ngày thấy sức khoẻ của anh Vụ suy giảm, Hội Khuyến học cũng rất lo nhưng với kinh phí của Hội chỉ giúp anh Vụ tiền xe cộ đi tái khám, chẳng thể giúp anh nhiều hơn”.

Anh Vụ chia sẻ: “Ước mở được phẫu thuật tim để có sức khoẻ đi học lại chưa bao giờ tôi tuyệt vọng. Tuy nhiên, trước mắt tôi cầu mong mình có đủ sức khoẻ để đứng lớp truyền lại những kiến thức ít ỏi của mình lại cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xóm là mình mừng lắm rồi”.

Thầy Vụ đang luyện thi cho 7 em học sinh lớp 12, chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới
Từ khi có chiếc máy vi tính, thầy Vụ thiết kế bài giảng điện tử để dạy cho các em học sinh, nhờ vậy anh bớt mệt mỏi khi căn bệnh tim mỗi lúc một nặng hơn.
 
Mới đây, thấy sức khoẻ thầy Vụ suy yếu, một số bạn bè và anh chị em của thầy Vụ mua tặng thầy một cái máy vi tính. Nhờ cái máy vi tính này, thầy Vụ thiết kế bài giảng điện tử, ít hao hơi hơn và thầy có thêm một kho kiến thức từ việc “lang thang” trên Internet khi các trò của mình ra khỏi lớp học để ngày mai "thầy giáo không bằng cấp" này có thêm kiến thức mới truyền cho các học trò của mình.
 
Nguyễn Hành