Lên thành phố học ôn, có nên không?
Với tâm lý lên ôn thi ở Hà Nội có nhiều thầy dạy tốt, khả năng đỗ cao, phụ huynh từ các tỉnh cho con em đổ về thủ đô ngày một nhiều, hối hả tìm lớp, tìm thầy luyện thi đại học. Nhưng thực tế đã có không ít phiền muộn quanh câu chuyện “lều chõng” thời nay.
Lò luyện thi
4 giờ kém 20, trước cửa trung tâm luyện thi đại học nhà số 15 - ngõ 336 Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, Hà Nội học sinh đứng đông nghẹt, chỉ chờ ca trước vừa tan là ùn ùn kéo lên. Cầu thang chật hẹp, hai dòng người một lên, một xuống chen chúc nhau đến ngạt thở. Bác chủ nhà quát: "Để xuống hết đã rồi hãy lên”. Nhưng chẳng ăn thua, ai cũng cố gắng chen lên trước để được ngồi bàn đầu. Mất hơn 5 phút mới lên được tầng 3.
Căn phòng được gọi là "lớp học" âm u, tường màu vàng xỉn, ánh điện cũng vàng đục. Ba dãy bàn xếp khin khít, chỉ chừa chỗ đủ để một người đi lọt. Mặt bàn bằng tấm ván mỏng, rộng một gang tay, đủ để đặt một quyển vở học sinh theo chiều ngang. Mặc dù lúc ở bàn đăng ký, cô quản lý nói rằng một lớp học tối đa là 50 người và rằng "lớp còn nhiều chỗ lắm, cháu cứ lên mà học thử", nhưng áng sơ sơ con số người học cũng phải lên đến bảy, tám chục. Phòng học rất bí, mùa lạnh đã thấy khó chịu, mùa nóng không biết còn ngột ngạt đến mức nào.
Tôi hỏi một cô bé tên Ngân, học sinh Trường Lương Văn Can đang giựt giựt tóc cho đỡ buồn ngủ: "Ấy cho mình ngó qua bài hôm trước một tí..”. Ngân chìa cho tôi xem mấy trang vở nhiều chỗ viết xiên xẹo: "Đây này, nhưng cậu chẳng dịch nổi đâu... may là tớ ngồi gần cửa đấy”.
Đi ôn để... chiều lòng bố mẹ
Từ tháng 10 năm ngoái, Nguyễn Thu Phượng (Quảng Ninh) đã khăn gói lên Hà Nội tìm lớp ôn thi. Gia đình tuy không khá giả nhưng cũng thu xếp cho con một chỗ ở thật thoải mái, tách biệt với nhà chủ, bàn ghế giường tủ đầy đủ, có cả một cái ti vi để giải trí, thư giãn. Bố mẹ làm nghề buôn hàng chợ, bận rộn suốt ngày, chỉ biết trông mong con gắng học gắng hành, lấy "tấm vé" vào đại học mà "đổi đời". Phượng "vâng vâng dạ dạ" và mới đầu cũng lên lịch ôn tập kín mít từng ngày trong tuần.
Nhưng rồi kể từ cuối tháng thứ hai, hầu như tối nào cũng thấy nick của Phượng sáng trên mạng từ sau giờ ăn tối đến gần 11 giờ khuya. "Phượng không đến lớp ôn à?" - "Mình chỉ học lớp ban ngày” - "Buổi tối không ôn bài à, hay thầy giáo không giao bài tập ?" - "Có chứ, nhưng có hiểu gì đâu mà làm, đến lớp cũng toàn ngủ gật cho đến hết giờ thôi" - "Không hiểu sao không hỏi thầy, hỏi bạn?" - "Thầy nào có thời giờ mà giảng ngoài tiết, hỏi bạn mãi sao được. Không đỗ thì về phụ bố mẹ bán hàng, lo gì”. - "Không thích học đại học, Phượng đi ôn làm gì ?" - "Chiều lòng bố mẹ thôi”. Nhắc đến bố mẹ, Phượng dừng lại hồi lâu, rồi thoát khỏi máy. Nhưng mấy hôm sau, nick của Phượng lại sáng đến khuya, chuyện đi ôn thưa dần.
Nhịn ăn để học ôn
"Em thương mẹ lắm chị ơi, nên em phải cố học...”. cô bé Mỹ Anh vừa kể chuyện cho tôi nghe, hai dòng nước mắt vừa từ từ lăn trên đôi gò má. Phạm Mỹ Anh lên Hà Nội từ mùng 5 Tết để tìm lớp ôn thi. Mọi chi phí ăn ở, sinh hoạt, học hành của em đều trông cậy vào người mẹ nuôi là một người bác họ xa, không có gia đình riêng, sống tằn tiện bằng nghề bán quà sáng đã từ nhiều năm nay. Bố Mỹ Anh trước làm cho nhà ăn ở một xí nghiệp than, về hưu non đã hai năm nay. Mẹ Mỹ Anh bán xôi buổi sáng ở chợ, ngày được hai, ba chục ngàn, so với mức giá cả đắt đỏ như hiện nay, số tiền đó chỉ đủ lo cho gia đình ba người hai bữa cơm rau đậu. Số lương hưu ít ỏi của bố Mỹ Anh dành dụm, chắt bóp cho những chi tiêu của gia đình và nuôi đứa em trai năm nay đang học lớp 11 (Trường THPT Ngô Quyền - TP Hạ Long) cũng đang phải ôn luyện ở nhiều lớp, chuẩn bị cho kỳ thi đại học.
Mỗi tháng đi học ôn ở Hà Nội của Mỹ Anh tốn trên 1 triệu đồng. Những chi phí ấy đang ngày đêm dày vò cả hai người mẹ đẻ và mẹ nuôi của Mỹ Anh. Bản thân em thì nhịn ăn sáng, khi nào đói lắm mới dám mua một cái bánh mì không. Với gia cảnh như thế, rồi liệu Mỹ Anh có đi thi được không, rồi tiền đâu mà đi học đại học?
Thoạt trông bề ngoài, Mỹ Anh là cô bé nhanh nhẹn, vui tươi, hay nói, khỏe mạnh, cao đến hơn 1m60, đôi mắt đen đầy nghị lực, nhưng với nhịp độ học tập như thế, liệu em có đủ sức vượt qua kỳ thi sắp tới ? "Nếu đỗ đại học, em định thế nào ?", tôi hỏi. Mỹ Anh trả lời ngay: "Em sẽ lao vào học ngay từ đầu để giành được học bổng. Đến năm thứ hai, em có thể sẽ đi làm thêm, bưng bê tạp vụ gì cũng được chị ạ, miễn là có thể giúp gia đình. Mà biết đâu có thế em trai em mới được đi thi đại học”.
Theo Phạm Thị Thu Hà
Thanh Niên