“Lão ông” gốc Việt tốt nghiệp ĐH ở tuổi 79
Tại lễ mãn khóa của gần 1.600 sinh viên tốt nghiệp hệ đại học đại cương (2 năm) của trường Đại học Cộng đồng Coastline, bang California (Mỹ) vào chủ nhật tuần qua, người ta đặc biệt chú ý đến một “lão ông” người gốc Việt - ông Nguyễn Thế Phi 79 tuổi - tốt nghiệp về hội họa.
Tuy chưa phải là "kỷ lục thế giới" (vì kỷ lục đang thuộc về bà Nola Ochs, 95 tuổi, tốt nghiệp Đại học Fort Hays State University, Kansas ngày 12/5/2007 và còn đòi học lên cao học nữa), nhưng ông Phi là tấm gương hiếu học đáng nói.
Ông Phi định cư ở Mỹ năm 1999 khi tuổi đã ngoài 70, thế nhưng, ông vẫn chuyên cần cắp sách đến trường, vừa học Anh ngữ, vừa theo đuổi chuyên ngành hội họa mà thời son trẻ ông ước ao học mà không thực hiện được.
Bên cạnh đó, tin tức vào những ngày cuối năm học thật đáng tự hào cho cộng đồng người Việt ở Mỹ. 7 học sinh gốc Việt xuất sắc ở Orange County vừa nhận được học bổng của tỉ phú Bill Gates, mỗi học bổng có thể giúp cho các em theo đuổi việc học ở đại học và sau đại học trong thời gian 10 năm. Rồi Quách Đông Kỳ Việt, học sinh lớp 8 trường Sellers, Dallas, Texas đã giành chiến thắng trong cuộc thi sáng tác văn học toàn Hoa Kỳ với một truyện ngắn song ngữ Anh-Việt, cho dù em chỉ mới định cư ở Mỹ có 2 năm mà thôi.
Chúng tôi khá ngạc nhiên trước tin này vì thông thường, các em rất giỏi môn toán và thường "bứt" rất xa so với trẻ em cùng độ tuổi người bản xứ, các em chỉ lo mỗi một môn tiếng Anh mà thôi.
Chúng tôi có tìm hiểu về cách học tiếng Anh của những học sinh người gốc Việt và vào trường cấp 2 ở Windsor, Colorado thì được giới thiệu cháu Phạm Thị Vân Anh, học sinh lớp 6. Vân Anh cũng mới học 2 năm ở đây và theo lời cháu, năm đầu tiên học lớp 5 còn "bơi" môn tiếng Anh, nhưng nhờ cố tâm luyện giọng, luyện nghe, đọc, viết và với độ tuổi tiếp thu tốt, cháu tiếp cận rất nhanh và nhận được điểm A+ (*) ở hầu hết các môn, đặc biệt là môn tiếng Anh, được khen ngợi hàng đầu của lớp. Theo lời Vân Anh thì mùa hè này, cháu sẽ tình nguyện đi đọc truyện cho các em thiếu nhi, một hình thức luyện giọng tiếng Anh.
Một điều rất đáng trân trọng là giới trẻ hải ngoại, bên cạnh việc học hành, họ còn hướng về việc phục vụ quê hương, nhân loại, phục vụ cộng đồng qua những công việc cụ thể ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Ngày 20/5/2007, anh Đinh Trọng Đức, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành sinh học ở Houston, Texas đã được tặng giải "Sinh viên trong năm" do những thành tích xuất sắc trong học tập cùng những đóng góp cho cộng đồng.
Từ khi còn học bậc trung học, anh Đức đã sáng lập Tổ chức "Lend A Hand" (Giúp một tay) nhằm hỗ trợ cho các trẻ em khuyết tật và người nghèo ở Việt Nam. Tổ chức của anh đã tặng hơn 1.000 học bổng toàn phần và tài trợ cho 2 ca mổ tim của 2 em bé.
Có thể nói, hiếu học là đức tính đáng trân quý ở người Việt chúng ta. Người gốc Việt ở Mỹ nhờ tiếp cận một nền giáo dục hiện đại, chắc chắn sẽ còn ghi nên nhiều kỳ tích hơn nữa.
Theo Lê Đình Bì
Thanh Niên
(*) Hệ thống thang điểm trong các trường của Mỹ, từ 0 đến 4, tương ứng: cao nhất là A=4; B=3; C=2; D=1; F=0. Điểm A là xuất sắc, giỏi nhất, gồm 10% những học sinh, sinh viên đạt điểm số từ 90% đến 100% bài làm, chia ra A-, A và A+, trong đó A+ là cao nhất.