Lặng thầm công việc dạy trẻ tự kỷ

(Dân trí) - Thế giới trẻ tự kỷ muôn màu nhưng khó tiếp cận. Niềm vui và nỗi nhọc nhằn của những giáo viên dạy trẻ tự kỷ hiếm ai thấu hiểu. Không có lòng yêu thương vô bờ có lẽ họ không thể kiên nhẫn và tâm huyết với nghề đến vậy.

Bà Đỗ Thúy Lan - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm - can thiệp sớm và chăm sóc trẻ em khuyết tật trí tuệ Sao Mai (gọi tắt là Trung tâm Sao Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) không quên niềm hạnh phúc khi phần nào giúp các em đổi đời. Bà giáo già vẫn còn nhớ rõ hoàn cảnh anh Nguyễn Tức Th. (Bạch Mai, Hà Nội) - một trong chục học viên khóa đầu tiên của Trung tâm.

 

Anh Th. đến với các cô lúc đã hơn 6 tuổi, mẹ anh bán xôi để nuôi sống cả gia đình. Mẹ Th. chỉ hi vọng “các cô giúp cháu nhận biết mặt tiền, sau này em yếu thì cháu còn thay mẹ buôn bán để nuôi gia đình”. Sau một năm được các cô ở Trung tâm Sao Mai rèn luyện, anh Th. hạn chế dần tật nói ngọng, có thể nhận biết được tờ tiền, thậm chí còn tự đi mua đồ và mặc cả. Anh Th. giờ đã hòa nhập với xã hội, hiện tại anh đã lấy vợ và sinh hai cô con gái khỏe mạnh. Vợ anh theo mẹ chồng bán xôi, còn anh đã nhiều năm làm nghề bảo vệ.

 

Thế giới trẻ tự kỷ muôn màu nhưng khó tiếp cận. (Ảnh: Bình Tâm)
Thế giới trẻ tự kỷ muôn màu nhưng khó tiếp cận. (Ảnh: Bình Tâm)

 

Là người phụ trách một lớp trẻ tự kỷ mức độ nặng gần 10 năm, cô Hạnh (Hà Nội) cho biết khi đưa các em vào đây, đa số phụ huynh đã tuyệt vọng vì con không chịu cho ai khác đụng vào người, không giao tiếp bằng mắt, có lúc đang ngồi yên lại giãy nảy khóc lóc, đang cười đùa bỗng đâm đầu vào tường tự làm đau mình.

 

Hiện tại, học trò lớp chị Hạnh đã tiến bộ trông thấy. Các cô phải mất từ 4-6 tháng để luyện cho bé không tự làm đau mình, biết ngồi ngoan mỗi lần cô yêu cầu, thậm chí biết lắc lư, nhún nhảy theo điệu nhạc.

 

Từng có cơ hội làm việc với Trung tâm Sao Mai, cô Mai Tuyết (Trường THPT Gia Hội, Huế) nhận xét: “Chứng kiến những vất vả và nỗ lực làm việc của các giáo viên của Trung tâm, tôi thấy những khó khăn trong công tác giảng dạy của mình không là gì cả!”.

Nhắc đến thời gian ít ỏi dành cho các con ruột của mình, cô giáo Hạnh thành thật: “Chưa bao giờ mình thấy hối hận khi quyết định gắn bó với trẻ tự kỷ, mình coi các con cũng như con ruột mình, chỉ có điều các con ở đây thiệt thòi hơn, sự ngây ngô của các con không giống sự ngây ngô của lũ trẻ nhà mình”.

 

Giáo viên lớp Chim non (Trung tâm Sao Mai) lại ghi nhớ thật nhiều kỷ niệm. Bé Tài có thói quen đưa tay vào… khoắng bồn cầu, các cô phải sử dụng lời nói nghiêm nghị với bé để tạo phản xạ có điều kiện, giúp bé nhận thức đó là hành động xấu. Bé Hiếu lại thích đu bàn ghế và hay cào cấu các cô, cô nhiều lúc bật khóc nhưng vẫn không đầu hàng, sau nhiều tháng liền được rèn, bé đã thay đổi. Có bé chỉ ăn khi được cô nhá và mớm cơm, có bé bữa ăn phải mất hơn tiếng đồng hồ và sẽ không chịu nuốt nếu cô không hát hết bài này sang bài khác.

 

Giờ ăn trưa kéo dài hàng tiếng đồng hồ. (Ảnh: Bình Tâm)
Giờ ăn trưa kéo dài hàng tiếng đồng hồ. (Ảnh: Bình Tâm)

 

Cô giáo Đức (lớp Vành Khuyên, Trung tâm Sao Mai) cho hay: “Hầu như không trọn vẹn ngày nào chị được ở nhà vì trong tuần lên lớp, cuối tuần lại phải theo học các khóa đào tạo do Trung tâm phối hợp với chuyên gia nước ngoài giảng dạy”.

 

Tất bật vừa làm vừa học là tình trạng chung của các giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Bởi các em là những đối tượng đặc biệt, cách tiếp cận, chăm sóc mỗi em một khác, cho đến nay vẫn chưa có giáo trình chung nào cho việc dạy trẻ tự kỷ, giáo viên phải chủ động cập nhật kiến thức.

 

Khác với những nhà giáo bình thường, chỉ truyền đạt kiến thức, giáo viên dạy trẻ tự kỷ phải hướng dẫn các em từ những kỹ năng tối thiểu như biết đòi khi muốn đi vệ sinh, biết chào hỏi, tự xúc cơm ăn cho đến kỹ năng đọc sách, đếm số, nhận biết mặt tiền... Hoạt động trên lớp của các cô đa dạng và phức tạp, ngoài tắm rửa, bón cho các cháu ăn, còn phải dạy chữ, dạy số, tập múa hát, yoga và thực hiện những liệu pháp điều trị hành vi, tâm lý mỗi khi trẻ bộc phát cơn giận dữ, tự làm đau mình hoặc tấn công người khác.

 

Dạy trẻ tự kỷ, giáo viên phải có tinh thần “thép” và
Dạy trẻ tự kỷ, giáo viên phải có tinh thần “thép” và sự kiên nhẫn tuyệt vời. (Ảnh: Bình Tâm)

 

Bình Tâm

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm