Làng Khuyến học Hành Thiện

(Dân trí) - “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, đó là câu ca có từ bao đời nay nói lên sự nổi tiếng của làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định). Hành Thiện nổi tiếng bởi đây là đất học với nhiều danh nhân và nhiều người đỗ đạt cao.

 

“Có tới 80% gia đình ở Hành Thiện có con đỗ Cao đẳng, Đại học”, ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học làng Hành Thiện, tự hào giới thiệu về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này.

 

Ngôi làng hình cá chép

 

Hành Thiện với 6000 dân toạ trên mảnh đất có hình hài giống như một con cá chép “Xưa các cụ đào sông quanh làng để chống cướp. Và ngôi làng có hình cá chép vì theo truyền thuyết thì cá chép có thể hoá rồng. Có lẽ ngay từ khi đào sông quanh làng các cụ đã cố ý làm như vậy với mong muốn con cháu trong làng có cơ hội mở mày, mở mặt với thiên hạ”, ông Hùng kể về sự tích hình dáng đặc biệt của ngôi làng như vậy.

 

Làng Hành Thiện được chia thành 15 xóm (gọi là Dong), mỗi Dong như một lát cắt chạy song song với nhau kéo dài từ “đầu đến đuôi con cá chép”. Ngay cả cái tên Hành Thiện cũng là thông điệp của các cụ xưa với con cháu đời sau về việc sống sao cho tốt, cho đẹp và luôn biết làm việc thiện.

 

“Ở đây đất ít lắm, làm chẳng đủ ăn, không thể trông vào ruộng, chính vì thế, lớp lớp người con Hành Thiện quyết tâm phấn đấu học tập nên người”, ông Chủ tịch hội Khuyến học làng giải thích. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người dân Hành Thiện quyết chí phấn đấu học tập. Có lẽ không có  nơi nào ở Nam Định dân số lại đông như ở đây.

 

Và chính cái sự “đất chật, người đông” lại giúp Hành Thiện có được thành công không nhỏ trong đào tạo nhân tài. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có ý thức vươn lên trong học tập. Chính vì vậy, số người đỗ đạt của Hành Thiện ngày một dài thêm. Con số những người thành đạt mà ông Chủ tịch cung cấp khiến tôi giật mình: 88 vị Giáo sư, Phó giáo sư; 60 Tiến sĩ, trên 800 cử nhân cùng hàng loạt những tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động...

 

Lịch sử của làng còn ghi nhận, làng đã “sản sinh” ra tới 4 quan thượng thư, 4 quan tổng đốc, 23 quan giúp việc triều đình và gần một trăm người làm tri phủ, tri huyện.

 

Trong số những người  con Hành Thiện, mọi người vẫn truyền nhau câu chuyện về cụ Đặng Xuân Bảng (ông nội cố Tổng bí thư Trường Chinh), người đã đỗ Tam giáp Tiến sĩ đệ nhất danh chỉ bằng cách theo học cha mình.

 

Theo Giáo sư Vũ Khiêu, cụ Đặng Xuân Bảng đã đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856) dưới thời vua Tự Đức, mà  thời đó vua Tự Đức tự mình chấm tiến sĩ chứ không giao cho ai khác. Tự Đức là vị vua nổi tiếng thông hiểu nho học, giỏi thơ văn  nên những người đỗ tiến sĩ dưới thời này là một vinh dự rất lớn. Cụ Đặng Xuân Bảng đã được vua Tự Đức ban cho biển đề: “Phụ giáo tử đăng khoa”, nghĩa là cha dạy con mà thành đạt.

 

Hội khuyến học “cổ” nhất

 

Có lẽ không ở đâu hội Khuyến học lại có “tiểu sử” lâu như ở đây. Theo ông Chủ tịch hội Khuyến học làng Hành Thiện, phong trào khuyến học ở đây có từ xa xưa nhằm khích lệ tinh thần học tập của lớp trẻ trong làng, đến năm 1994 Hội khuyến học của làng được thành lập, sớm hơn cả Hội khuyến học Việt Nam. Hội Khuyến học của làng được thành lập kèm theo một quĩ thưởng cho những học sinh có thành tích học tập  tốt. Quĩ khen thưởng do những người con Hành thiện đã thành đạt lập nên để thúc đẩy truyền thống hiếu học đã có từ ngàn năm nay của làng.

 

Mặc dù mức thưởng của hội Khuyến học làng không nhiều nhưng là sự động viên, khích lệ tinh thần rất lớn đối với các lớp lớp học sinh trong làng. Hội khuyến học của làng còn tổ chức các buổi lễ trao thưởng rất giản dị nhưng lại cực kỳ “trang trọng: “Những buổi lễ khen thưởng hàng năm dành cho những học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện và những học sinh đỗ cao đẳng, đại học hàng năm đều trở thành những  ngày hội. Buổi  trao thưởng được truyền trực tiếp trên đài truyền thanh xã  và được tất cả mọi người quan tâm. Đây chính là sự động viên khích lệ tinh thần không dễ gì có được đối với những lứa học sinh của làng”, ông Chủ tịch kể.

 

Giáo sư Vũ Khiêu, một trong những người con xuất sắc của làng từng viết về không khí học tập ở Hành Thiện: “Buổi sáng sớm trong vùng ấy đã vang lên tiếng đọc sách của con trai, tiếng đập vải của con gái xen lẫn tiếng sáo diều réo rắt suốt đêm. Con trai cố học giỏi thi đỗ, con gái gìn giữ nết na để phụng dưỡng cha mẹ, để giúp chồng ăn học, để dạy con cái nên người...”.

 

Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu sự thành đạt đến mức khó tin của những người con của mảnh đất này có phải do sự cố gắng học tập của con người hay có do vận may hay duyên kỳ ngộ  mà đất trời mang lại . Tôi mang câu hỏi này trao đổi với ông Chủ tịch hội khuyến học, ông cười bảo, chẳng có gì mang lại vinh quang cho con người ngoài sự nỗ lực của chính bản thân họ, trong việc học lại càng như vậy. Chỉ có sự khổ luyện, phấn đấu không ngừng mới đem lại cho Hành Thiện bộ mặt như ngày nay.

 

Cũng bằng chính sự khổ học, sự phấn đấu của bản thân mỗi người mà đến nay có tới 80% gia đình ở Hành Thiện có con đỗ cao đẳng, đại học. Một con số đáng giật mình.

 

Và chính ông Chủ tịch Hội khuyến học Hành Thiện với thâm niên 6 năm làm chủ tịch hội cũng từng là hiệu phó trường năng khiếu của huyện, cả hai ông bà đều là giáo viên về hưu và cả ba người con của ông cũng đều đỗ đại học và đều thành đạt.

 

Nghề... học

 

Ở Việt Nam, hầu như mỗi ngôi làng đều có một nghề riêng, đặc sản riêng của theo đặc thù của từng vùng quê, vùng đất. Chính vì vậy, nhiều vùng quê có những ngôi làng  với những nghề truyền thống nổi tiếng khắp nơi như làng Lụa Vạn phúc (Hà Tây), làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)... còn Hành Thiện lại nổi tiếng với nghề... học.

 

Do ruộng đất ít nên ngay cả số lượng nông dân của làng cũng ít hơn trí thức. Những “dòng họ” học tập được duy  trì. Hành thiện nổi tiếng về việc tự học. Những gia đình không có tiền cho con ra ngoài học thì cha dạy con, chú dạy cháu... và từ đó đã hình thành một truyền thống học tập mà không nơi nào có được. Đi học và dạy học là hai nghề phổ biến nhất ở ngôi làng này. Ông Chủ tịch khoe: “Dân Hành Thiện dạy học ở khắp nơi trong nước, đâu cũng có dấu chân người Hành thiện. Không chỉ ở trong nước, mà nhiều người hiện đang giảng dạy tại nhiều nơi ở nước ngoài”.

 

Khi việc học đang là điều quan tâm hàng đầu hiện nay để “cả nước trở thành một xã hội học tập” thì Hành Thiện chính là tấm gương sáng về sự hiếu học và sự hiếu học nơi đây đã đưa việc học của Hành Thiện trở thành một... nghề.

 

Đức Hoà