Làm gì khi con suy sụp tinh thần lúc biết điểm thi?
Vào đại học hiện không còn là cánh cửa duy nhất để bước vào đời nhưng vẫn không ít những bạn trẻ chỉ vì không có tên trong danh sách một trường nào đó, đã suy sụp tâm lý nặng nề thậm chí tìm đến cái chết.
“Sốc” khi biết điểm thi
Những ngày vừa qua, em Nguyễn Minh Hùng (ở Hà Nội) đã rất sốc sau khi biết điểm thi của mình. Hùng thi ban B, gia đình rất kỳ vọng vì nhiều năm liền em đạt học sinh giỏi. Thi xong THPT Quốc gia, Hùng chắc chắn mình được khoảng 8 điểm mỗi môn. Vậy mà vừa rồi có kết quả, khi tra điểm xong Hùng suy sụp hoàn toàn và không tin được vào mắt mình khi tổng điểm của em chỉ đạt đủ điểm sàn.
Sau khi biết điểm, bố mẹ không hỏi han nói chuyện khiến Hùng càng buồn. Bản thân Hùng ăn uống qua loa xong lên phòng nhốt mình nằm khóc, không dám ra ngoài, tài khoản Facebook cũng khóa để tránh câu hỏi từ bạn bè. “Thật sự em cảm thấy mình kém cỏi và hoàn toàn suy sụp, chẳng thấy tương lai đâu nữa. Điểm thấp cơ hội vào đại học của em là rất khó. Ai cũng nói mang tiếng học giỏi mà cuối cùng chỉ làm được như thế”, Hùng buồn bã nói.
Hàng năm sau khi có kết quả thi đại học, các bệnh viện như: Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện tâm thần Trung ương 1… lại tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị sang chấn tâm lý do thất bại trong thi cử. Bị trầm cảm và mắc chứng rối loạn tâm thần do áp lực học hành, thi cử đang trở thành vấn đề đáng báo động đối với học sinh, sinh viên.
Đau lòng hơn trong những kỳ thi trước đã có nhiều em lựa chọn cái chết sau khi biết điểm thi, trượt đại học. Như em Đ.T.Tr (SN 1999) ở Bình Phước đã gieo mình xuống sông tự tử vì áp lực học tập. Trước đó, nữ sinh lớp 11 đã để lại 5 lá thư tuyệt mệnh được viết gửi cho bố mẹ, chị gái và bạn thân trong cặp sách…
Đừng tạo áp lực
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh (Cty Giáo dục Kidstime Bình Thạnh TPHCM) cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự suy sụp chính là sự thiếu tự tin vào bản thân, thiếu khả năng làm chủ cảm xúc và đôi khi, sau thời gian tập trung ôn thi, đã không chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe để đến ngày thi lại không còn sức lực.
Ngược lại, cũng có những bạn trẻ quá tự tin vào năng lực, kiến thức của mình, tự đặt ra những kỳ vọng khi thi, cho rằng chắc chắn mình phải thi đậu với thứ hạng cao, mà quên mất các kỹ thuật thi theo hình thức trắc nghiệm, không biết phân phối thời gian, tập trung năng lực giải đáp ngay cả những câu khó, để cuối cùng không đủ thời gian làm bài và khi thất bại thì lại rơi xuống hố sâu tuyệt vọng vì bất mãn với chính mình.
Tuy nhiên, nếu chỉ vì nguyên nhân này thì chưa hẳn đã có thể dẫn đến cái chết cho các em. Chính sự kỳ vọng quá nhiều của bố mẹ, gia đình đã tạo ra một áp lực không hề nhẹ lên tâm lý các em. Đặc biệt là với những gia đình mà bố mẹ là những nhà trí thức, có học vị hay địa vị cao trong xã hội. Họ không chấp nhận được một đứa con thi rớt ngay từ kỳ thi tốt nghiệp. Điều mà đối với họ như một sự đương nhiên, khi con đánh mất đi sự kỳ vọng của gia đình, khi cánh cửa đại học đóng lại trước mắt thì hầu như với họ không còn con đường nào khác. Họ không thể chấp nhận việc bố mẹ là kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư... mà con lại trở thành công nhân, dù là công nhân bậc cao đi nữa.
Những gia đình nông dân, cũng có khi đặt quá nhiều mong chờ vào con, đã hy sinh rất nhiều công sức, tiền của cho con ăn học cũng có thể đem đến những áp lực với con. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn miền Bắc, nơi việc học là một điều vô cùng quan trọng, chỉ cần tốt nghiệp là đủ có cớ để mở tiệc ăn mừng, mời bà con làng xóm đến để... khoe. Như vậy, áp lực đến từ gia đình và đến từ những người xung quanh trong họ hàng, thôn xóm cũng là một áp lực nặng nề đưa đến sự sụp đổ của một “kẻ thất bại”.
Để tránh tình trạng này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, ngay từ khi còn là học sinh cấp 2, 3 các em đã phải rèn luyện cho mình sự tự tin vào bản thân. Ở đây, sự tác động của gia đình là không hề nhỏ để xây dựng sự tự tin, nhận biết giá trị bản thân của các em.
Bố mẹ không nên quá chú trọng đến việc bắt con phải học ngày học đêm, phải trở thành học sinh giỏi mà quên đi sự rèn luyện thân thể, quên đi sự gắn kết với gia đình, tham gia các hoạt động trong nhà. Những chuyện tưởng là nhỏ nhặt nhưng lại có giá trị góp phần to lớn vào việc phát triển kỹ năng sống cho con, để chính những yếu tố tích cực ấy sẽ giúp các em biết vượt qua những thất bại, với tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”.
Ngoài ra, việc đặt nhiều kỳ vọng vào con, mà không để ý đến tính cách, năng lực và sở thích để biết hướng con vào các môn học mà các em có hứng thú, biết tổ chức việc học cùng sự nghỉ ngơi, giải trí thích hợp sẽ khiến cho các em không đủ sức từ thể chất đến tinh thần để vượt qua những thách thức. Việc quan tâm đến khả năng, sở thích và biết hướng điều đó vào trong việc học tập sẽ đem đến những tư duy tích cực cho các em và không tạo nên cho các em những áp lực không hợp lý.
Cha mẹ nên nghĩ rằng, bằng cấp chỉ là một điều kiện cần mà chưa đủ. Chính những hoạt động phù hợp với khả năng của các em mới là điều quan trọng giúp các em thành công trong việc định hướng cho tương lai.
Bởi vậy khi con điểm thấp, trượt đại học, cha mẹ nên chấp nhận kết quả. Hãy là chỗ dựa vững chắc để con có thể vượt qua. Con sẽ cảm thấy được an ủi phần nào với đơn giản là những cái ôm chặt, lời động viên, sự an ủi của bố mẹ…
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh
Theo Phương Thuận
Gia đình & Xã hội