1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Đắk Lắk:

Làm bột đất nặn từ vỏ thanh long, học sinh phố núi "ẵm" giải Nhất quốc gia

Thúy Diễm

(Dân trí) - Tận dụng vỏ của trái thanh long bỏ đi, cô trò trường THPT Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) mày mò nghiên cứu làm bột đất nặn sinh học vừa độc đáo vừa an toàn cho sức khỏe của người sử dụng.

Sáng tạo từ phế phẩm nông nghiệp

Trở về sau vòng chung kết Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cả học sinh lẫn giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn vẫn chưa hết xúc động, vui mừng vì thành tích đã đạt được.

Làm bột đất nặn từ vỏ thanh long, học sinh phố núi ẵm giải Nhất quốc gia - 1

Với sáng tạo từ vỏ trái thanh long, cô trò trường THPT Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) xuất sắc dành giải Nhất tại vòng chung kết Ngày hội khởi nghiệp quốc gia.

Dự án "Sản xuất bột đất nặn sinh học từ vỏ trái thanh long" của nhóm học sinh nhà trường đã xuất sắc giành được giải Nhất chung cuộc.

Cô Vũ Thị Mừng (giáo viên Tin học, Phó Bí thư Đoàn trường) - giáo viên hướng dẫn dự án chia sẻ, từ năm học 2021 - 2022, các học sinh của trường đã tận dụng vỏ trái thanh long để sản xuất ra ống hút, ly, cốc an toàn cho người sử dụng. Dự án đã đạt giải cao tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

Với nguồn cảm hứng sáng tạo từ vỏ trái thanh long, bước vào năm học mới, cô giáo Mừng cùng nhóm 5 học sinh gồm Chu Văn Long Vũ (lớp 12A3), Dương Nguyễn Anh Thư (lớp 12A1), Nguyễn Tiến Sơn (lớp 11A6), Trịnh Ngọc Thanh Tú và Đoàn Nhật Minh (cùng học lớp 10A1) đã tiếp cận và bỏ công sức nghiên cứu nên bột đất nặn sinh học hữu ích cho học sinh.

Làm bột đất nặn từ vỏ thanh long, học sinh phố núi ẵm giải Nhất quốc gia - 2

Nhóm nghiên cứu làm bột đất nặn sinh học từ vỏ trái thanh long.

"Tôi may mắn khi các em học sinh trong nhóm nghiên cứu đã rất chịu khó, nhiệt tình và không bỏ cuộc để theo đuổi, thực hiện cho bằng được dự án tâm huyết này", cô Mừng tâm sự.

Long Vũ (trưởng nhóm) kể, trong thời gian hoàn thiện dự án, cả nhóm luôn cố gắng để hoàn thiện tốt tất cả bài vở trên lớp và dành thời gian rảnh buổi tối, cuối tuần để cùng nhau nghiên cứu tại phòng thí nghiệm nhà trường.

"Quá trình nghiên cứu ban đầu, chúng em đã gặp không ít khó khăn như tỷ lệ thành phần bột vỏ thanh long với bột gạo phải hài hòa, phù hợp để kết dính, sản phẩm bảo quản được lâu. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, có nhiều khi nản chí nhưng được sự động viên từ thầy cô và lãnh đạo nhà trường, chúng em quyết tâm không bỏ cuộc", Long Vũ chia sẻ.

Nói về lý do lựa chọn vỏ trái thanh long, em Tiến Sơn cho biết ban đầu các em dự định lựa chọn những loại nông sản đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, quả bơ làm nguyên liệu để nghiên cứu.

Tuy nhiên, nhóm đã lựa chọn quả thanh long, bởi đây là một loại quả đã được trồng, phát triển khá nhiều tại một số vùng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Vỏ trái thanh long là phế phẩm sinh học phù hợp để làm nguyên liệu chính cho dự án.

Làm bột đất nặn từ vỏ thanh long, học sinh phố núi ẵm giải Nhất quốc gia - 3

Vỏ thanh long sau khi sấy khô được xay thành bột mịn, trộn với bột gạo theo tỷ lệ nhất định để tạo bột đất nặn.

Mong muốn đưa ra thị trường sản phẩm an toàn tuyệt đối cho học sinh

Về ý tưởng làm sản phẩm đất nặn sinh học, nhóm học sinh đã tìm hiểu thông tin về việc có rất nhiều loại đất nặn cho học sinh trên thị trường không rõ xuất xứ, thành phần có hại cho sức khỏe của trẻ em.

"Chúng em mong muốn tạo ra một loại đất nặn an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ, thậm chí sản phẩm  bị trẻ ăn phải cũng không nguy hại đến sức khỏe. Sản phẩm đầu tiên phải hướng đến an toàn sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường", nữ sinh Anh Thư nói thêm về dự án.

Sau hơn 4 tháng miệt mài, sản phẩm bột đất nặn sinh học từ vỏ trái thanh long hoàn thiện trong niềm vui vỡ òa của cô trò.

Anh Thư cho rằng bản thân em rất may mắn được tham gia vào dự án. Đóng vai trò là người thuyết trình chính cho dự án, Anh Thư đã rất tự tin trình bày ý tưởng, tính ưu việt của dự án để thuyết phục ban giám khảo.

Vỏ trái thanh long được cắt nhỏ, sấy khô, xay thành bột mịn. Sau đó, bột vỏ thanh long sẽ được pha trộn với tỷ lệ nhất định cùng bột nếp, màu tự nhiên, nước và tạo khối sản phẩm. Hạn sử dụng cho sản phẩm là 12 tháng và được kiểm định đạt chuẩn an toàn.

Làm bột đất nặn từ vỏ thanh long, học sinh phố núi ẵm giải Nhất quốc gia - 4

Thành phẩm bột đất nặn từ vỏ trái thanh long.

Với sản phẩm bột đất nặn, nhóm nghiên cứu dự tính khi bán ra thị trường, giá thành khoảng 40.000 đồng/hộp.

Chia sẻ về dự án, cô Nguyễn Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn tiết lộ: "Sắp tới, nhà trường sẽ làm thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm và xin ý kiến của Sở GD&ĐT để tổ chức kêu gọi đầu tư, đưa sản phẩm thiết thực này ra thị trường. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn từ cô trò và động lực cho những dự án tiếp theo của trường".

Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, tại vòng chung kết Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V, tỉnh Đắk Lắk đã xuất sắc là đơn vị có thành tích tốt nhất cả nước khi tham gia ở khối phổ thông. Cả 3 dự án dự thi đều đạt giải với các giải Nhất, Nhì, Ba.

Theo ông Hiệp, kết quả của cuộc thi đã thể hiện tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật và khát vọng khởi nghiệp của các em học sinh trong các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.