Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Giảm gần 120.000 thí sinh đăng ký dự thi

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có tổng số thí sinh dự thi là 887.396 (giảm 118.258 thí sinh so với năm 2015). Các cụm thi đã chuẩn bị 1.482 điểm thi với 31.668 số phòng thi trên toàn quốc.

Năm nay cả nước có 120 cụm thi, trong đó 70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi tốt nghiệp. Cụ thể, trong 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì (dùng kết quả để xét tốt nghiệp và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, cao đẳng) ở 63 tỉnh, thành phố; 50 cụm thi do các sở GD và ĐT chủ trì và một cụm thi do Cục Nhà trường (Bộ Quốc Phòng) chủ trì lấy kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT…Tổng số điểm thi toàn quốc là 1.482 với 31.668 phòng thi.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có tổng số thí sinh dự thi là 887.396 (giảm 118.258 thí sinh so với năm 2015); Thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT: 286.129 chiếm 32% (năm 2015 là 28%); Thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ là: 519.497chiếm 59% (năm 2015 là 59%); Thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ (thí sinh tự do) là: 81.770 chiếm 9% (năm 2015 là 13%).

Sở GD&ĐT Hà Nội có lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất: 76.137. Sở GD&ĐT Lai Châu có lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất: 3.405. Cụm thi do Trường ĐH Vinh chủ trì tại Nghệ An có lượng thí sinh dự thi nhiều nhất: 21.691.

Cụm thi do Trường ĐH Nông lâm – Đại học Thái Nguyên chủ trì tại Lai Châu có lượng thí sinh dự thi ít nhất: 1.313. Cụm thi do sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì có số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất: 16.442. Cụm thi do sở GD&ĐT Bạc Liêu chủ trì có số lượng thí sinh dự thi ít nhất: 1.470.


Năm 2016, số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia giảm mạnh

Năm 2016, số lượng thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia giảm mạnh

Để chuẩn bị tốt kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi, phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo và các trường được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức cụm thi triển khai phương án tổ chức cụm thi theo đúng kế hoạch; bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu của kỳ thi; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi.

Đặc biệt, các đơn vị cần rà soát tổng thể kế hoạch triển khai kỳ thi; cùng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh kiểm tra cụ thể sự phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể tại địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra ách tắc giao thông ở các điểm thi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, điện nước và làm tốt công tác huy động các tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ cho thí sinh và người nhà trong việc ăn, nghỉ, đi lại; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường như thời tiết, thiên tai, cháy nổ...

Đồng thời, kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng thi, bảo đảm an ninh, an toàn và điều kiện y tế tại các điểm thi. Kiểm tra danh sách thí sinh tương ứng với phòng thi, không để xảy ra lỗi kỹ thuật trong sắp xếp phòng thi.

Các Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh điều chỉnh sai sót các thông tin cá nhân trong ngày làm thủ tục dự thi; làm thủ tục cho thí sinh bị thất lạc giấy báo dự thi. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện tốt các công việc về in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi tuyệt đối an toàn, coi thi, chấm thi, phúc khảo.

Các trường cần có kế hoạch huy động đủ cán bộ chấm thi các môn tự luận để bảo đảm tiến độ chấm thi theo kế hoạch của Kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu rà soát kỹ phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm tổng hợp điểm thi đúng theo quy định của quy chế thi hiện hành cũng như tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm việc công bố kết quả thi tại cụm thi được thông suốt.


Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm